Thanh tra toàn diện với quản lý vàng, chứng khoán

Theo Báo Đầu tư

Trọng điểm công tác thanh tra năm 2013 của thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận đang quan tâm. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã trao đổi với phóng viên về nội dung, kế hoạch thanh tra năm 2013.

Thưa ông, theo kế hoạch thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2013, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?

Thanh tra toàn diện với quản lý vàng, chứng khoán - Ảnh 1
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh
Theo kế hoạch thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/1/2013, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ lớn.

Trong đó, nhóm quan trọng nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện pháp luật của các cấp, các ngành, các lĩnh vực, như tài chính - ngân hàng; ngân sách; chứng khoán; quản lý tài sản công; xuất, nhập khẩu; quản lý thị trường vàng; quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; quản lý khai thác, chế biến khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước...

Đồng thời, cũng sẽ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn thực hiện các công tác trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn thường xuyên của mình, như thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện các chương trình hành động về phòng chống tham nhũng; tăng cường thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác hậu kiểm.

Ông có thể cho biết các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt?

Theo kế hoạch này, trước mắt, sẽ có 20 cuộc thanh tra lớn được tiến hành trong năm 2013. Một số cuộc thanh tra, như thanh tra trách nhiệm đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, khai thác khoáng sản; thanh tra trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất, tái nhập; thanh tra chấp hành chính sách pháp luật tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); thanh tra công tác quản lý tài sản, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đô thị (Tập đoàn HUD trước đây); thanh tra chấp hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý điều hành thị trường vàng; thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam…

Ngoài ra, còn có các cuộc thanh tra về khai thác, quản lý khoáng sản, thanh tra công tác đầu tư xây dựng, thanh tra sử dụng đất và thanh tra chương trình mục tiêu tại một số tỉnh, thành phố.

Một nội dung quan trọng trong công tác thanh tra là thanh tra quản lý thị trường vàng, chứng khoán sẽ thực hiện vào thời gian nào và nội dung thanh tra tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Hai cuộc thanh tra này sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2013. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc, khảo sát tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước để xác định các nội dung thanh tra cụ thể. Song về cơ bản, chúng tôi sẽ lựa chọn những vấn đề nóng của hai lĩnh vực này, có gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, như hoạt động xuất, nhập khẩu vàng, độc quyền vàng miếng, có hay không việc thất thoát do cơ chế...

Đây cũng  là đợt thanh tra toàn diện đầu tiên về việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước, từ việc xây dựng chính sách đến việc điều hành cụ thể.

Trong quá trình làm việc, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ xem xét tại cả các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan. Có thể chúng tôi sẽ xem xét cả các doanh nghiệp gia công vàng miếng, song không nhất thiết phải kiểm tra sổ sách tài chính của các doanh nghiệp đó như thế nào, mà là để xem chính sách đã tác động đến đâu, việc điều hành giá thế nào, độc quyền vàng ra sao…

Ngoài 20 cuộc thanh tra đã được phê duyệt, Thanh tra Chính phủ có tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm?

Ngoài những cuộc thanh tra được phê duyệt theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tiến hành những cuộc thanh tra đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định. Những đơn vị không có tên trong danh sách, không có nghĩa là không bị thanh tra, kiểm tra.