Tháo gỡ khó khăn để phát triển khu kinh tế cửa khẩu

Trần Báu Hà - Hà Tĩnh

Các khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam ra đời phù hợp với chủ trương đổi mới, hội nhập nền kinh tế thế giới của Nhà nước. Các khu kinh tế cửa khẩu không chỉ là động lực quan trọng phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng phát triển kinh tế quốc gia. Khung khổ pháp lý và các chính sách ưu đãi như thuế, phí, vốn… đã được kiện toàn và là cơ hội để các địa phương tạo bước đột phá từ các khu kinh tế cửa khẩu này, tuy nhiên để khai thác hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu đang còn không ít vấn đề đặt ra cần khẩn trương giải quyết.

Quá trình phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.. Nguồn: Internet.
Quá trình phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.. Nguồn: Internet.

Những kết quả và hạn chế

Kể từ năm 1996, với chính sách thí điểm lần đầu tiên áp dụng tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) của Việt Nam đến năm 2020” càng khẳng định việc phát triển loại hình KKTCK là cần thiết nhằm mở cửa nền kinh tế theo phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa nước ta với Trung Quốc, Lào, Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hai bên biên giới.

Hiện nay, cả nước có 22 tỉnh trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền có KKTCK, trong đó giáp Trung Quốc có 6 tỉnh, giáp Lào có 8 tỉnh và giáp Campuchia có 8 tỉnh; còn 4 tỉnh dự kiến sẽ thành lập KKTCK trong giai đoạn 2016- 2020. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị sẽ được thành lập thêm 01 KKTCK La Lay. Như vậy, tính cho đến nay, cả nước đã có 28 KKTCK và đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ có 30 KKTCK.

Quá trình phát triển các KKTCK đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có KKTCK theo hướng phát triển các ngành Thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK tăng trưởng khá qua các năm, năm 2010 đạt hơn 5,4 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 2,93 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và nhập khẩu đạt 2,51 tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2005).

Trong giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu qua KKTCK đều đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu chung của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các KKTCK cả nước hiện thu hút khoảng gần 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 40 nghìn tỷ đồng. Hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá tại các KKTCK khá sôi động dẫn đến tổng thu ngân sách nhà nước qua các KKTCK mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình phát triển KKTCK ở nước ta hiện nay đang có không ít những hạn chế và tồn tại cần giải quyết, nổi lên là:

Thứ nhất, hiệu quả các KKTCK chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do thương mại trên 3 tuyến biên giới mang những nét đặc thù khác nhau. Tuyến Trung Quốc, Việt Nam nhập nhiều song xuất khẩu rất khó khăn, giá trị các mặt hàng xuất khẩu không cao. Tuyến Campuchia, Việt Nam giành lợi thế xuất khẩu hàng tiêu dùng công nghiệp, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, phân bón... nhưng phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Thái Lan, bởi đây là “bàn đạp” uy lực của hàng hóa Thái Lan. Tuyến Lào, đường biên giới nằm giữa núi rừng Trường Sơn, cách xa trung tâm kinh tế lớn, khó khăn cho phát triển thương mại của 2 nước.

Thứ hai, KKTCK, các cửa khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn về phát triển kết cấu hạ tầng. Hầu hết các KKTCK thường nằm tại các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nên chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Do nguồn ngân sách Trung ương hết sức hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư phát triển của các KKTCK rất lớn nên nhiều KKTCK đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống dịch vụ tương trợ (trong đó có dịch vụ hậu cần logistic) và nguồn nhân lực (đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo) còn thiếu, chưa đáp ứng và theo kịp nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ ba, cơ chế điều hành các KKTCK, cửa khẩu chưa thống nhất. Các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan... vẫn quản lý theo cơ chế phối hợp, dẫn đến bất cập trong quy hoạch, xây dựng hệ thống kho bãi, nhà công vụ, quốc môn (cổng cửa khẩu) mỗi nơi xây dựng một kiểu.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức quản lý và cơ chế, chính sách áp dụng cho KKTCK còn tồn tại, vướng mắc, nhiều lần bổ sung, sửa đổi mô hình tổ chức quản lý (theo Quy chế 219, Quy chế 11, Quyết định số 72/2013/QĐ - TTg và Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ), kéo theo việc các bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung gây khó khăn cho công tác quản lý của nhiều địa phương, các DN; nhà đầu tư phải thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với cơ chế, chính sách.

Bên cạnh đó, khi ban hành văn bản hướng dẫn, một số bộ, ngành đã “quên” không tính đến quy chế có tính đặc thù cao của khu vực nên một số chính sách của khu vực bị hạn chế mức ưu đãi làm cho lãnh đạo tỉnh, các ngành và Ban Quản lý khu kinh tế mất rất nhiều thời gian để tháo gỡ...

Để khai thác hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu

Chủ trương của Đảng, Nhà nước xác định, việc phát triển KKTCK phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và bảo đảm phát triển bền vững; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh – quốc phòng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đặc biệt nhằm khai thác và phát huy tiềm năng của phát triển KKTCK, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, Chính phủ và các bộ ngành chức năng cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực để phát triển, nâng cao hiệu quả của các KKTCK đã thành lập. Cần lưu ý rằng, KKTCK thường có quy mô diện tích lớn, đòi hỏi phải tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để phát huy được vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng. Vì vậy, việc phát triển thêm hoặc mở rộng KKTCK phải được cân nhắc về bố trí nguồn lực, tiềm năng phát triển và lợi ích quốc gia.

Hai là, nhằm tạo điều kiện cho KKTCK phát triển bền vững, lâu dài, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thống nhất, ổn định và có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh mọi hoạt động phát sinh, tránh tình trạng chồng chéo vướng mắc như thời gian qua.

Đối với các KKTCK đã thành lập, cần xây dựng tiêu chí để phân loại và tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các khu có nhiều tiềm năng, lợi thế hơn, phát triển đi trước một bước, tạo tác động tích cực lan tỏa tới khu vực xung quanh. Đối với các KKTCK có trong Quy hoạch phát triển KKTCK đến năm 2020, nhưng chưa được thành lập, thì cần xác định thời điểm phát triển thích hợp căn cứ vào nguồn lực và khả năng, điều kiện phát triển của từng địa phương.

Ba là, các địa phương cần xây dựng các chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu xây dựng KKTCK. Để phát triển tốt trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, các tỉnh có KKTCK cần phải đặt vào thế phải đối mặt với những thách thức mới và mức độ cạnh tranh gay gắt hơn, cần chủ động tiếp tục nghiên cứu để trình Trung ương kịp thời cụ thể hóa cơ chế, chính sách ưu tiên, nhằm hạn chế thua thiệt trong hội nhập quốc tế.

Bốn là, các địa phương cần tập trung xây dựng những dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện, khoa học để thu hút DN đến với các cửa khẩu của tỉnh; thực hiện những chính sách phù hợp hơn đối với các DN tiên phong đầu tư.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết thấu đáo các vấn đề thủ tục cần thiết cho DN; chú trọng tham vấn ý kiến của DN về hình thức, định hướng giúp khu kinh tế cửa khẩu phát triển; Tích cực thực hiện cải cách hành chính, trong đó đặc biệt chú trọng công tác hiện đại hóa hải quan và cải cách hành chính thuế; Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, cần phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý cửa khẩu cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và năng lực quản lý theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 470/NQ-UBTVQH13 về việc hình thành và xây dựng các KKTCK;

2. Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với KKTCK;

3. Quyết định số 1531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các KKTCK Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

4. KKTCK ở Việt Nam, http://bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/du-dia-chi-bien-phong/686-ac.html;

5. Một số vấn đề về kinh tế cửa khẩu Việt Nam trong quá trình hội nhập, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=94a3b578-d8b4-4638-923d-7417d9e3dc87&groupId=13025.