Thị trường lao động quý II/2016:

Thất nghiệp tăng, thu nhập giảm

PV.

Theo Bản tin Cập nhật Thị trường lao động Việt Nam vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê phát hành, trong quý II/2016, thất nghiệp đang có chiều hướng tăng trong khi thu nhập của người lao động lại giảm.

Trong quý II/2016, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn là những nhóm ngành có thu nhập cao nhất. Nguồn: internet
Trong quý II/2016, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn là những nhóm ngành có thu nhập cao nhất. Nguồn: internet

Thu nhập làm công hưởng lương: Giảm 228 nghìn đồng

Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của đối tượng làm công hưởng lương trong quý II/2016 giảm so với quý I/2016 nhưng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2015.

Theo đó, trong quý II/2016, thu nhập bình quân tháng của đối tượng này là 4,85 triệu đồng, giảm 228 nghìn đồng (-5,1%) so với quý I/2016, nhưng tăng 393 ngàn đồng (8,8%) so với cùng kỳ năm 2015.

Tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý I/2016, nhưng cao hơn so với quý II/2015. Trong đó, nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách với các nhóm còn lại.

Riêng tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn là những nhóm ngành có thu nhập cao nhất, nhưng chênh lệch so với nhóm thấp nhất có giảm, còn 2,42 lần so với 2,46 lần quý I/2016 và 2,56 lần quý II/2015. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song khoảng cách thu nhập với các nhóm còn lại đã giảm xuống.

Quý II/2016, 15,95% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp dưới 2,93 triệu đồng/tháng giảm 1,56 điểm phần trăm so với quý I/2016.

Đại học, cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp cao nhất

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cho thấy, so với quý I/2016, thất nghiệp tăng cả số lượng và tỷ lệ. Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Cụ thể, trong quý II/2016, cả nước có 1.088,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16,4 nghìn người so với quý I/2016 và giảm 55,9 nghìn người so với quý II/2015.

Các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm “trình độ đại học trở lên” (191,3 nghìn người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (94,8 nghìn người) và “trung cấp chuyên nghiệp” 59,1 nghìn người). Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc nhóm “cao đẳng chuyên nghiệp” (6,6%), tiếp theo là “đại học trở lên” (4,0%) và “cao đẳng nghề” (3,66%).

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,1%, cao hơn so với quý I/2016 và cùng kỳ năm 2015. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3%, gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Trên 720 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những người thiếu việc làm là các đối tượng mà trong tuần điều tra có số giờ làm việc dưới 35 giờ, có mong muốn và sẵn sàng làm thêm giờ.

Thống kê cho thấy, quý II/2016 có 1,41 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần; riêng số người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm là 721,0 nghìn, giảm 100 nghìn người so với quý I/2016 và 111 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý II là 1,55%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý I/2016.

Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý 1/2016, chỉ bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Dù nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn song nhưng tổng nhu cầu tuyển dụng trong quý II vẫn ở mức 265,2 nghìn người, tức tăng 40,8 nghìn người (18,2%) so với quý I/2016 và tăng 9,0% so với quý II/2015.

Số người có nhu cầu tìm việc làm là 56,8 nghìn người, tăng 12,2% so với quý I/2016. Nhóm nghề Kế toán-kiểm toán có số lượt người tìm việc nhiều nhất với 16,9%, tiếp đó là Quản trị kinh doanh với 10,4% và Nhân sự với 10,0%.