Thất thu thuế - "Lỗ hổng" cần bịt kín

LH

(Tài chính) Trong những năm gần đây, thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế và hải quan ngày càng nghiêm trọng, hơn nữa, lại phát sinh nhiều loại tội phạm mới, tinh vi, rất khó xử lý, trong đó, gian lận thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang gây thất thu lớn cho NSNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trốn lậu thuế của doanh nghiệp TMĐT là một trong muôn hình vạn trạng hành vi trốn, lậu thuế hiện nay

Có thể nói, vi phạm về thuế ở khắp nơi, dưới mọi cấp độ. Theo Quyết định Số: 197/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 09 năm 2003, thí điểm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tự kê khai, tự nộp thuế. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhiều  doanh nghiệp (DN), người kinh doanh đã chấp hành rất nghiêm túc chủ trương này. Tuy nhiên, theo thống kê qua công tác kiểm tra, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm lên, làm thất thu thuế,gây thiệt hại cho NSNN là vô cùng nhiều. Nhiều nhất là việc các DN, người kinh doanh sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán để bỏ bớt doanh thu ngoài sổ sách, tạo hóa đơn khống (đặc biệt là hóa đơn xuất hàng khống) để thu tiền hoàn thuế; tạo giao dịch giả (mua hàng giả, nhân công giả…) tạo chi phí đầu vào với mục đích trốn thuế, giấu bớt doanh thu… Tinh vi hơn nữa là ghi sai bút toán trong hạch toán, kê sai chủng loại, xuất xứ hàng hóa…  Có thể nói là hành vi trốn thuế như hàng ngàn vòi bạch tuộc đang ngày đêm hút máu NSNN, làm suy yếu cả nền kinh tế.

Báo cáo trong Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, cơ quan công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan thuế xử lý hình sự 218 vụ, xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế. Thu hồi cho ngân sách hơn 782 tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, xử lý các DN kinh doanh thực tế, có trụ sở, có đăng ký kinh doanh, tuân thủ hình thức hóa đơn chứng từ… còn hầu hết các DN TMĐT có doanh thu cả nghìn tỷ đồng, thì việc kiểm tra thu thuế lại chưa tiến hành được, số tiền nộp ngân sách của các DN này không đáng kể. Đó là chưa kể hàng trăm DN, các nhà kinh doanh bán hàng online không đăng ký, các đối tượng này sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế GTGT và TNDN.…


Thất thu thuế - "Lỗ hổng" cần bịt kín - Ảnh 1

Phác thảo phương thức thanh toán TMĐT toàn cầu. Nguồn: internet

Các DN TMĐT giao dịch trên mạng, thông qua hệ thống internet, có thể nhanh chóng xoá dữ liệu giao dịch khiến ngành Thuế không có cơ sở để thanh kiểm tra.  Vi phạm gây thất thu lớn là do các DN thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT, không kê khai thuế nhà thầu của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam (như Yahoo, Google), kéo theo là không khai nộp thuế thu nhập cá nhân. Về việc này, một cán bộ Tổng cục Thuế cũng phải  thừa nhận: "Nếu các DN không tự giác, không cung cấp thông tin thì chúng tôi rất khó để truy thu, tìm kiếm dữ liệu ở nước ngoài”. Đặc biệt là với loại hình quảng cáo, bán hàng trực tuyến của hàng trăm gian hàng cá nhân trên Yahoo, Google, youTube, Facebook… các đối tượng bán hàng cá nhân này (có doanh thu cả chục triệu đồng mỗi ngày) cũng chỉ mới được xét đến ở khâu “nhận diện” chứ chưa có cơ sở để thu thuế.

Một số loại hình khác thì người kinh doanh không những lấy phần chiết khấu của khách hàng được hưởng mà còn không kê khai đầy đủ phần doanh thu đó (như kinh doanh thẻ điện thoại hoặc thẻ game online), một số khác, các DN sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài nhưng không kê khai doanh thu để tính thuế.

Vừa qua, trong đợt thanh tra 26 DN TMĐT ở Hà Nội đã truy thu được 8,7 tỷ đồng và giảm lỗ khoảng 27 tỷ đồng; thanh tra 9 DN khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng truy thu giảm lỗ 3 tỷ đồng. Một điển hình khác, DN kinh doanh TMĐT có doanh thu năm 2012 đạt 803 tỷ đồng, nhưng số thuế giá trị gia tăng năm 2012 chỉ là 1,8 tỷ đồng và số thuế thu nhập DN đã nộp năm 2012 chỉ là 35 triệu đồng. Nhưng đây cũng chỉ là vài con số rất nhỏ. Theo ước tính, số thuế thất thu trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT khiến NSNN mất hàng tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của DN TMĐT lại tăng trưởng rất cao, có DN doanh thu tăng tới 500 lần, nhưng lại đóng góp cho NSNS hầu như không đáng kể. Đây là việc rất phi lý.

Nguyên nhân

-          Phía nhà quản lý:

+ Hiện chúng ta đã có một số cơ sở pháp lý, văn bản điều chỉnh hoạt động TMĐT như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử… tuy nhiên, trên nhiều lĩnh vực, chính sách quản lý thuế chưa có quy định cụ thể, chưa theo kịp với đà phát triển của loại hình kinh doanh này, chưa chỉ tên được một số dịch vụ ảo nhưng có doanh thu tiền thật thì sẽ xử lý như thế nào (bán hàng thông qua trang blog cá nhân; bán hàng qua trò chơi game; giao hàng, thanh toán tận nơi….)?

+ Vấn đề nữa là do trình độ tin học của cán bộ thanh tra còn hạn chế, không thể tìm được dữ liệu của máy chủ nên rất khó phát hiện sai phạm.

+ Khâu quản lý dịch vụ điện tử của nước ta còn lơi lỏng, cơ quan quản lý chưa có biện pháp mạnh để quản lý các máy chủ, các trang mạng cá nhân và các hoạt động phát sinh trên Website. Đây là một sân chơi đang bỏ ngỏ, là nơi các loại tội phạm (không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội,…) đang tung hoành, Nhà nước chưa có đủ lực để kiểm soát hết được.

+ Một nguyên nhân nữa là do xã hội của ta vẫn tiêu dùng bằng tiền mặt là chủ yếu, nhiều giao dịch thông qua TMĐT chỉ là khâu đầu tiên của chuỗi bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, khâu thanh toán cuối cùng vẫn dùng tiền mặt. Nhà nước chưa có biện pháp gì để thúc đẩy thanh toán bằng tài khoản, thanh toán qua ngân hàng, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý thu nhập của người dân.

+ Chưa tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền hạn và trách nhiệm khi tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, thấy rõ việc đóng thuế là ích nước lợi nhà, là góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng…

-          Phía người tiêu dùng:

+ Tham gia vào hình thức trao đổi này, người tiêu dùng chỉ nhận thấy lợi ích của việc mua bán diễn ra đơn giản, dễ ràng, nhanh chóng,  không nhận thức được hết các tác hại của nó như: chất lượng hàng hóa nhiều khi chưa được bảo đảm, khâu hậu mãi yếu, khiếu nại khó thực hiện…

+ Người tiêu dùng cũng không hiểu biết rõ pháp luật, không yêu xuất cầu hóa đơn bán hàng, chỉ cần đặt dịch vụ, nhận hàng, trao tiền là xong, từ đó, cơ quan thuế cũng không có cách nào để có thể biết và kiểm duyệt được hết các hoạt động này.

-          Phía doanh nghiệp và người kinh doanh:

+ Doanh nghiệp và người kinh doanh chỉ thấy mối lợi trước mắt: giảm thiểu chi phí và tăng doanh thu đáng kể.

+ Không nhận thức được hoặc cố tình không thấy việc vi phạm pháp luật sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, tác động không tốt đến công đồng kinh doanh, kéo nhiều người kinh doanh chạy theo phương thức làm ăn có lợi nhuận phi pháp, làm hỏng môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm ý thức đóng góp của người dân cho xã hội.

Cũng phải khẳng định, phương thức kinh doanh TMĐT mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội. Nhưng do không quản lý được nên Nhà nước là người đang phải chịu thua thiệt.

Không thể để NSNN tiếp tục thất thu

Có thể nói, trốn thuế qua TMĐT đã đến mức báo động, các cơ quan chức năng không thể ngoài cuộc. Theo một số chuyên gia nhận định, “lỗ hổng” trong quản lý thuế lúc này chưa lớn nhưng trong tương lai nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ gây ra bất bình đẳng trong thu thuế và hạn chế quyền đánh thuế của Việt Nam trong một thị trường thương mại hội nhập toàn cầu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, cần rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt là, cần xây dựng văn bản quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT. Xây dựng phương pháp và tăng cường công cụ quản lý hiện đại phù hợp với loại hình TMĐT, cụ thể:

+ Cần quy định, DN nước ngoài cung cấp dịch vụ cần đăng ký thuế (điện tử) với cơ quan Thuế Việt Nam và trích tiền thuế khấu trừ theo chính sách thuế mà Việt Nam ban hành.

+ Triển khai thuế cho hoạt động TMĐT, mở rộng hình thức hóa đơn điện tử và việc ủy quyền lập hóa đơn tạo điều kiện cho việc mở rộng TMĐT.

+ Việc quản lý thuế TMĐT phải được đồng bộ hoá bằng phương tiện điện tử và phương thức quản lý hiện đại để tránh kìm hãm tốc độ phát triển TMĐT.

+ Tăng cường đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử cho cán bộ thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TMĐT.

Trước mắt, cơ quan thuế sẽ thanh tra các loại hình TMĐT đang phát triển mạnh và rủi ro cao như kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online); cung ứng dịch vụ quảng cáo trực tuyến; sàn giao dịch TMĐT, gian hàng trực tuyến… Cơ quan quản lý thị trường cũng không chỉ dừng ở quản lý thị trường truyền thống mà phải tập trung đầu tư vào quản lý thị trường điện tử nữa.

Cơ quan Thuế cần phối hợp với các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT; thông tin về việc đăng ký website sàn TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng (theo vinanet).

Việc thành lập tổ chuyên trách để thanh, kiểm tra các DN kinh doanh TMĐT cũng cần được tiến hành cùng với biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu biết pháp luật, thực hiện pháp luật.

Chúng ta không mong ngày một ngày hai có thể quản lý được ngay thị trường này, nhưng khi cả xã hội vào cuộc và các chính sách chế độ quản lý tài chính vĩ mô được xây dựng và triển khai đồng bộ, nhất định thị trường kinh doanh TMĐT sẽ là nơi khai thác nguồn thu  lớn cho NSNN.