Thêm nhiều chính sách mới đối với lao động dôi dư

TS. PHẠM THỊ VÂN ANH

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2015, Nghị định 63/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/7/2015 quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, được đánh giá là có nhiều nét đổi mới. Bên cạnh việc kế thừa một số quy định cũ, Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm cho phù hợp với thực tế và theo quy định của pháp luật về lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những yêu cầu sửa đổi

Trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp (DN), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu), một số lượng không nhỏ người lao động bị dôi dư. Giải quyết chính sách cho những đối tượng này luôn được các cấp, các ngành, các DN quan tâm.Tuy nhiên, ở nơi này, nơi kia việc thực hiện giải quyết chính sách cho số lao động dôi dư vẫn còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận và là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại các DN đổi mới, sắp xếp lại. Để kịp thời chấn chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp lại DNNN… Tiêu biểu như Nghị định 41/2002/ NĐ-CP ngày 11/2/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN; Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004, Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP ngày 06/02/2007, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ; Nghị định 91/2010/NĐ-CP về chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu…

Các chính sách này không chỉ góp phần đảm bảo quyền lợi, giải quyết khó khăn cho người lao động mà còn là động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình đổi mới, cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại như không quy định trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách DN khi sắp xếp lại DNNN; công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên; người được công ty thực hiện sắp xếp lại cử làm người đại diện phần vốn của công ty tại công ty khác khi hết nhiệm kỳ hoặc thôi việc; cách tính chế độ trợ cấp, hỗ trợ tính theo từng giai đoạn điều chỉnh lương tối thiểu phức tạp, mức thấp hơn so với quy định của Bộ luật Lao động về trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc. Cùng với đó, Bộ Luật lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cũng có những thay đổi cơ bản về tiền lương...

Theo đánh giá của Đảng ủy khối DN Trung ương thì tiến độ thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa, sắp xếp lại DN còn chậm, kết quả rất hạn chế một phần là do công tác giải quyết lao động dôi dư còn bất cập, vướng mắc về chính sách. Có thể kể đến vướng mắc ở một số đơn vị như: Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… có số lao động dôi dư cần sắp xếp khá lớn nhưng chưa được giải quyết. Tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy sau 3 năm tái cơ cấu đã cắt giảm lao động với số lượng lớn, từ 49.454 người năm 2010 đến tháng 2/2014 còn 20.097 người, giảm 29.357 lao động, tuy nhiên, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở hầu khắp các đơn vị, do đó không thể chốt và trả sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động để đăng ký trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.

Ngoài ra, theo quy định thời hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 3 tháng kể từ ngày người lao động có quyết định nghỉ việc. Số lao động đã giảm trong các năm qua đến nay vẫn chưa được chốt sổ Bảo hiểm xã hội, do vậy sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, DN phải trả thay cơ quan Bảo hiểm xã hội tạo ra áp lực lớn về tài chính đối với các đơn vị, gây bức xúc với người lao động. Còn tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong 13 năm (từ 2001-2013) đã hỗ trợ 858,6 tỷ đồng cho 24.576 lao động nghỉ hưu trước tuổi và chấm dứt hợp đồng lao động. Quá trình này đã giúp các DN của Tập đoàn Than - Khoáng sản vừa giảm bớt được lực lượng lao động dư thừa, đổi mới cơ cấu, chất lượng lao động.

Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc sắp xếp lại lực lượng lao động nhưng nhiều lãnh đạo DN không muốn thực hiện để tiến hành tinh giản lao động, vì tâm lý nể nang, e ngại động chạm hoặc vì các mối quan hệ xã hội. Nhiều người lao động do tuổi tác, hoàn cảnh, có tâm lý muốn ở lại làm việc, kể cả lương thấp, việc ít. Trong khi đó, những người lao động có năng lực, tay nghề khi đã đủ độ chín, có xu hướng xin thôi việc để được hưởng trợ cấp thôi việc với một khoản tiền lớn, sau đó ra DN khác làm việc tiếp, dẫn đến tình trạng DNNN vừa mất người, vừa mất tiền.

Để đảm bảo quyền lợi người lao động, đồng thời đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, ngày 22/7/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định này thay thế Nghị định 91/2010/NĐ-CP được đánh giá là có nhiều nét đổi mới mạnh mẽ bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với DN thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; đồng thời, bổ sung một số chính sách đối với lao động dôi dư; Giúp người lao động ổn định cuộc sống khi thôi việc và được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề để tìm việc làm mới.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới

Nghị định mới cơ bản kế thừa một số quy định của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP như đối tượng giải quyết lao động dôi dư; chế độ về hưu trước tuổi; chế độ trợ cấp, hỗ trợ thêm theo số năm làm việc trong khu vực nhà nước, tuy nhiên cũng sửa đổi, bổ sung một số điểm cho phù hợp với thực tế và theo quy định của pháp luật về lao động.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, ngoài các DN thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, giải thể, phá sản, Nghị định mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với DN thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

Về đối tượng áp dụng, Nghị định bổ sung đối tượng là người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng sau ngày 21/4/1998 hoặc 26/4/2002 (đối với trường hợp giải thể, phá sản) chấm dứt hợp đồng lao động; người đại diện phần vốn của công ty thực hiện sắp xếp lại theo quy định, tại thời điểm sắp xếp lại, hết thời hạn ủy quyền mà công ty thực hiện sắp xếp lại đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm; đồng thời, bỏ đối tượng áp dụng là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung về các chính sách lao động dôi dư. Cụ thể, đối với người lao động được nghỉ hưu trước tuổi thì chỉ thay thế mức hỗ trợ một khoản tiền theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương bình quân 5 năm cuối bằng mức hỗ trợ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng lương cơ sở.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 khi công ty thực hiện cổ phần hoá, bán hoặc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, đơn vị sự nghiệp thì thay thế trợ cấp một tháng lương bằng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp như: Hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 20 năm; 0,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm; 0,2 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 25 năm trở lên.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 26/4/2002 khi công ty bị giải thể, phá sản thì được trợ cấp thôi việc theo quy định Điều 48 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền thay vì trợ cấp một tháng lương như quy định trước.

Nghị định mới cũng bổ sung chính sách đối với lao động dôi dư là người đại diện phần vốn của công ty. Cụ thể, người đại diện phần vốn của công ty được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện cổ phần hoá, bán, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, người đại diện phần vốn của công ty được hưởng trợ cấp thôi việc do DN có vốn đầu tư của công ty thực hiện sắp xếp lại chi trả đối với thời gian người đại diện phần vốn của công ty làm việc thực tại DN đó...

Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Đối với công ty thực hiện sắp xếp lại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giải quyết lao động dôi dư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được vận dụng các quy định tại Nghị định này để giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư. Nguồn kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư từ tiền bán cổ phần lần đầu, bán DN đối với công ty thực hiện cổ phần hóa, bán, hoặc từ nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đối với công ty thực hiện giải thể, phá sản hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp của chủ sở hữu đối với công ty thực hiện chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; trường hợp không đủ thì được bổ sung từ nguồn kinh phí hợp pháp khác do chủ sở hữu quyết định.

Đối với công ty nhà nước, công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nay thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại Điều 1 Nghị định này thì thực hiện giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định này. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được áp dụng các quy định tại Nghị định này để giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư, viên chức không bố trí được việc làm trong công ty cổ phần. Nguồn kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư, viên chức không bố trí được việc làm trong công ty cổ phần được lấy từ tiền bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập; trường hợp không đủ thì được bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.

Đối với công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con quy định tại Điều 1 Nghị định này làm chủ sở hữu, khi thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được áp dụng quy định tại Nghị định này để thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư. Nguồn kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư, người đại diện phần vốn của công ty được áp dụng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Trường hợp không đủ thì được bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN tại tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

Mặt khác, Nghị định cũng nêu rõ, trong thời gian công ty thực hiện sắp xếp lại chưa xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương đến trước ngày 01/01/2016 thì tiền lương làm căn cứ tính chế độ quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 và Điều 4 Nghị định này là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài các chế độ quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Nghị định này, khuyến khích các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại Điều 1 Nghị định này hỗ trợ thêm đối với người lao động dôi dư bằng nguồn kinh phí hợp pháp của công ty sau khi thống nhất với tổ chức đại diện tập thể lao động tại công ty.