Thị trường ASEAN thách thức các ngành hàng thế mạnh Việt Nam

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cơ hội được tiếp cận thị trường hơn 600 triệu dân của 10 nước ASEAN lại đang trở thành thách thức lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ngay ở cả những lĩnh vực, ngành hàng được coi là thế mạnh, của Việt Nam như nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày. Các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có còn cơ hội tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn nếu không có thay đổi lớn từ sản xuất, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp đến tư duy quản lý và tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, Thái Lan đã thiết lập cả quỹ tín dụng, thuê tư vấn người Việt Nam để nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh của thị trường hơn 90 triệu dân này. Thậm chí, đã có cả chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho những quan chức Thái Lan làm việc với Việt Nam.

Còn các doanh nghiệp Thái Lan đã nắm giữ nhiều chuỗi siêu thị lớn, nhỏ. Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi CP (CP Group) của Thái Lan được mệnh danh là cá mập trên thị trường thức ăn gia súc hiện nay - khi chiếm tới 65% thị phần thức ăn gia súc tại Việt Nam…

TS. Lê Đăng Doanh thực sự lo ngại khi vẫn còn tới hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết đầy đủ về Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc cạnh tranh trên chính sân nhà. Ông cảnh báo, các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ để tránh sự chậm chân trong cuộc cạnh tranh giữa một bên rất mạnh - đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với một bên yếu hơn lại không được chuẩn bị đầy đủ. 

Từ thực tế hoạt động, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đưa ra hàng loạt thách thức đối với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, khi hàng chục năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan đã biết khai thác thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, với rất nhiều cuộc xúc tiến thương mại và hội chợ, triển lãm, bán hàng. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan xây dựng được chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan ở cả thành thị và nông thôn. Với chất lượng và mẫu mã đa dạng, nhiều sản phẩm hàng hóa gia dụng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam mặc dù được cho là đã có nhiều cố gắng, nhưng mẫu mã sản phẩm, hàng hóa chậm cải tiến, năng suất lao động thấp, giá thành cao. Các nhà bán lẻ yếu thế từ vốn đến nguồn nhân lực, sự liên kết cũng như chiến lược kinh doanh, nên dễ bị thôn tính.

Đơn cử như Công ty TCC của Thái Lan đã mua Metro Cash & Carry là kênh bán buôn, mua Familymart của Tập đoàn Phú Thái là kênh bán lẻ. Hay Central Group của Thái Lan đã mua 49% cổ phần Nguyễn Kim để sở hữu kênh bán lẻ điện máy chuyên biệt và tự mở trung tâm mua sắm hiện đại Robins Department Store ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phân phối hàng tổng hợp. Rồi Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản cũng đã sở hữu 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart…

Những lo ngại này cũng được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại - xuất nhập khẩu hàng hóa cho rằng, đây không chỉ là thách thức của doanh nghiệp mà còn của chính mỗi  người tiêu dùng Việt Nam.

Nhận thức là thế, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các nhà quản lý Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị trước khi cho phép mở cửa thị trường phân phối, cũng như phải có giải pháp tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt thị trường nội địa - nhất là phân khúc thị trường nông thôn, trước làn sóng đầu tư ào ạt vào thị trường bán lẻ của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muộn còn hơn không, phải xây dựng bằng được các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước. Tuân thủ nguyên tắc đã được xây dựng về quy hoạch mạng lưới siêu thị, trong đó, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất và có chính sách đối với mặt bằng cho chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của doanh nghiệp Việt Nam… Đó là vấn đề cốt lõi để tạo cơ hội cho hàng Việt có chỗ đứng trên chính thị trường nội địa.

Thị trường phân phối đã chính thức mở cửa, song, các nhà bán lẻ vẫn chưa sẵn sàng - trong khi thị trường hàng hóa chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN chỉ còn chưa đầy 300 ngày nữa chính thức bắt đầu. Với ưu đãi về thuế suất, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh sản xuất hàng hóa tiêu dùng, cùng chính sách của Nhà nước, các nhà bán lẻ Việt Nam không có con đường nào khác, cần nhanh chóng đưa ra giải pháp mạnh để nắm giữ thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình.