Thị trường bán lẻ Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP?

Thu Trang

Nhân dịp chuyến công tác tại Việt Nam, ông Theodore Knipfing – Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á – Thái Bình Dương đã có những chia sẻ về thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP.

Phóng viên: Các nhà bán lẻ quốc tế có quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam không, thưa ông?

Ông Theodore Knipfing

Ông Theodore Knipfing

Ông Theodore Knipfing: Theo quan sát của tôi, các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường châu Á, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt là Việt Nam, vì đây là thị trường bán lẻ lớn và tiềm năng hơn hai nước còn lại, Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của minh trong cộng đồng châu Á.

Bên cạnh đó, với việc mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm các nước nằm cùng trong một khu vực có vị trí liền kề nhau ví dụ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hàng hóa tập trung tại một nước và vận chuyển qua các nước lân cận sẽ nhanh và rẻ hơn nhiều so với việc vận chuyến qua các nước khác khu vực

Hơn nữa, vận chuyển hàng hóa giữa các nước liền kề này thì thuế suất rất thấp hoặc thậm chí không có thuế. Họ sẽ ngày càng tập trung nguồn lực và đầu tư vào các thị trường tiềm năng nằm trong cùng một khu vực địa lý.

Hiệp định TPP sẽ làm thay đổi thị trường bán lẻ Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Hiện nay rất nhiều người hào hứng và trông đợi Hiệp định TPP sẽ làm thay đổi và phát triển thị trường bán lẻ. Tôi cũng cho rằng Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường. Thông điệp của TPP mang đến chính là “cơ hội và thách thức”, rất nhiều thứ sẽ thay đổi, không chỉ đơn thuần các rào cản thương mại, hàng rào thuế quan… mà còn là vấn đề thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân sẽ tác động rất lớn đến thị trường bán lẻ, kể cả việc cải thiện sức khỏe nền kinh tế.

Tuy nhiên, chắc chắn không phải doanh số bán lẻ đột nhiên tăng đột biến hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ sau một đêm. Tôi khẳng định rằng, chính những thành phần tham gia vào thị trường bán lẻ hiện nay sẽ giúp các nhà bán lẻ nước ngoài quyết định gia nhập thị trường hay không?

Bởi vì các nhà làm chính sách, các nhà bán lẻ trong nước, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ, người dân… chính những thành phần tham gia vào thị trường này sẽ giúp thị trường phát triển, không chỉ là từ góc độ kích thích kinh tế từ hoạt động mua sắm đơn thuần mà là từ việc cung cấp những tiện ích nhằm làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân (bao gồm từ chợ truyền thống chuyển sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại…), thay đổi thói quen sinh hoạt (ăn uống tại nhà hàng, vui chơi cuối tuần..), cung cấp sản phẩm chất lượng tốt với giá cả vừa phải, nâng lương nhằm tăng khả năng chi trả, cải thiện đường sá đô thị, tiện ích hạ tầng…

Một khi thị trường bán lẻ Việt Nam bổ sung thêm các mảnh ghép đang còn thiếu để trở thành một thị trường phát triển hơn, thì các nhà bán lẻ nước ngoài ngay lập tức sẽ nhìn ra được và gia nhập thị trường ngay mà chúng ta không cần phải làm gì nhiều để thu hút cả.

Ông vừa nhận định rằng, các thương hiệu nào mạnh, đang tiềm năng muốn vào Việt Nam. Vậy, theo ông thì ngành hàng nào của thị trường bán lẻ đang nóng và đang thu hút nhà đầu tư nhất?

Khi gặp gỡ các chủ đầu tư và các nhà phát triển bán lẻ trong chuyến công tác lần này tại Việt Nam, có khá nhiều người đã hỏi tôi về các thương hiệu cao cấp nổi tiếng nào sẽ gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Tôi đã trả lời rằng, thị trường hàng hóa cao cấp chỉ chiếm 5% phân khúc thị trường bán lẻ và có đối tượng khách hàng riêng biệt.Để phát triển bền vững, các bạn nên tập trung vào thị trường 90 triệu dân Việt Nam và tìm cách tái định vị vai trò của các bạn đối với cuộc sống của họ, thay đổi thói quen sinh hoạt và mua sắm của họ, trả lời được câu hỏi trung tâm thương mại/ cửa hàng tiện ích/siêu thị của các bạn đã thu hút được người dân đến mức độ nào? Chiếm bao nhiêu % thời gian trong cuộc sống của họ, có quan trọng đối với cuộc sống của họ không? Đây là những câu hỏi có tính then chốt đến chiến lược kinh doanh và phát triển của họ.

Ông đánh giá như thế nào về sức mua của người Việt?

Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua tăng trưởng nhất tại châu Á và vẫn đang tiếp tục tăng trong thời gian tới.Điều đáng mừng là lương cơ bản đã tăng 15% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng thêm 10 -15% trong năm tới. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất khu vực và sẽ tiếp tục tăng trưởng nữa. Những trung tâm thương mại sẽ tiếp tục được xây dựng, tỷ lệ đi du lịch nước ngoài sẽ tăng theo từng năm và những rào cản thương mại sẽ phải được dỡ bỏ. Tất cả những yếu tố này sẽ phải thay đổi tích cực và đồng bộ thì thị trường mới có thể phát triển.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói một chút xung quanh vấn đề sức mua của người dân Việt Nam. Ví dụ như việc đi du lịch, tỷ lệ người dân đi du lịch nước ngoài tại Việt Nam chiếm khoảng 5% dân số nhưng nếu những người này không biết, không thấy và không tìm hiểu về các thương hiệu nước ngoài khi đi du lịch thì rất ít khả năng họ sẽ mua những thương hiệu này khi họ có mặt tại Việt Nam.

Một trong những lí do quan trọng giúp các thương hiệu cao cấp kinh doanh rất tốt tại thị trường Trung Quốc chính vì người dân nước này đi du lịch nhiều. Khi những người này đi du lịch Tokyo, Paris, Luân Đôn..., họ thấy những thương hiệu nước ngoài, họ nhớ những thương hiệu này và họ sẽ mua nó trong lần sau khi đi du lịch về.

Hiện nay có những rào cản nào đối với các thương hiệu cao cấp khi vào Việt Nam? Như ông chia sẻ thì thị phần hàng cao cấp chỉ chiếm 5% thị trường bán lẻ, vậy ông dự báo tỷ lệ % này khi nào sẽ được tăng lên, đồng nghĩa với việc nhiều người Việt Nam có thể có khả năng mua hàng hiệu?

Ngoài những yếu tố như thuế nhập khẩu, các loại thuế dành riêng cho hàng cao cấp thì còn một yếu tố nội tại khá quan trọng là làm sao tạo được lòng tin từ người tiêu dùng, những người bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu hàng cao cấp.

Tâm lý chung của họ là thường không mấy tin tưởng vào hàng cao cấp họ mua trong nước hoặc tại các nước đang phát triển. Việc tạo ra trải nghiệm mua sắm ngay tại các cửa hàng trong nước để khách hàng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, để từ đó tin tưởng vào thương hiệu vô cùng quan trọng.Người mua thường muốn đến tận cửa hàng vì có nhiều sự lựa chọn, cảm nhận không gian, thiết kế, cảm nhận sản phẩm, cảm nhận sự đặc biệt và đẳng cấp của bản thân, cảm nhận vị trí thượng đế mà người bán tạo ra cho mình.

Các bạn có biết là hàng hóa cao cấp tại Việt Nam bán cho ai không? Chính là khách du lịch đến từ Campuchia, Myanmar. Một số nhà bán lẻ cho biết, 30% doanh số bán hàng tại TP.Hồ Chí Minh là bán cho khách du lịch đến từ các quốc gia láng giềng. Nếu chúng ta nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách du lịch, mang lại cảm giác đặc biệt giống như chúng ta có khi mua sắm tại nước ngoài thì không chỉ khách du lịch mà cả người dân trong nước cũng sẽ mua nhiều hơn.

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sản phẩm cao cấp, hình thức thanh toán bằng thẻ và tăng trưởng của thị trường. Với một quốc gia mà hình thức thanh toán bằng thẻ mới chỉ chiếm 5% so với các hình thức thanh toán khác thì thị trường cần thêm thời gian để đạt đến sự phát triển cần có. Một khi hình thức thanh toán qua thẻ trở nên thông dụng và phổ biến hơn thì sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho thị trường bán lẻ.

Bên cạnh đó, yếu tố khiến những thương hiệu nước ngoài cân nhắc trước khi vào một trung tâm thương mại nào đó, chính là đã có các thương hiệu lớn quan trọng nào vào đó hay chưa? Vì những thương hiệu lớn này sẽ mang khách hàng trung thành đến trung tâm thương mại, ví dụ như cà phê Highland hoặc siêu thị Coopmart. Ngoài ra, việc có mặt cùng với các thương hiệu cùng đẳng cấp sẽ mang đến uy tín, mang đến khách hàng mục tiêu cho các thương hiệu. Việt Nam cần thêm nhiều thương hiệu trong nước uy tín khác nữa trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!