Thị trường bảo hiểm 2015: Gặt hái nhiều thành công

PV.

Là năm cuối thực hiện mục tiêu trung hạn trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2015 tiếp tục gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.

Năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Nguồn: baoviet.com.vn
Năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Nguồn: baoviet.com.vn

Với nỗ lực của cơ quan quản lý bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) và của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội để tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản lý, thị trường bảo hiểm năm 2015 đã đạt mức tăng trưởng khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015.

Hiện nay thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm với 752 chi nhánh, 852 văn phòng đại diện và trên 350.000 nhân viên đại lý.

Thống kê của của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.374 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015, doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 13.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng, tăng 14%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 29,5%...

Như vậy, nếu như 2015 là năm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua thì đây cũng là năm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ phục hồi lại đà tăng trưởng trước năm 2010 khi bắt đầu có khủng hoảng kinh tế. Và đây cũng là năm bảo hiểm phi nhân thọ bắt đầu ngăn chặn tình trạng nợ đọng, dây dưa phí bảo hiểm và có lãi nghiệp vụ tăng lên rõ rệt.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế - xã hội. Năm 2015, tổng số tiền đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểmước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần năm 2010 (vượt chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là 1,7 lần) và tăng 14% so với cùng kỳ; tăng 18% so với năm 2014, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 36.406 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 116.137 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, dẫn đầu là Prudential với lượng trái phiếu trị giá 3.200 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015 đã phát hành thành công 6.230 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Được biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã đề xuất mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm. Những kết quả trên phần nào khẳng định thêm vai trò quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình huy động vốn trung và dài hạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với tổng đầu tư toàn ngành vào nền kinh tế quốc dân năm 2015 ước đạt 152.543 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Nổi bật trong số đó là Tập đoàn Bảo Việt – một trong 50 doanh nghiệp có thành tựu xuất sắc trong nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm vừa qua, toàn Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt (bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) đã kê khai và nộp cho ngân sách nhà nước gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó tiền thuế là gần 1.000 tỷ đồng và nộp cổ tức về cho Nhà nước (Bộ Tài chính và SCIC) là 505 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng được tăng cường vững chắc. Giá trị tổng tài sản ước đạt 201.132 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 69.473 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 131.659 tỷ đồng... Vốn chủ sở hữu đạt 42.388 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2014; dự phòng nghiệp vụ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ.

Năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện tốt chức năng là tấm lá chắn tài chính cho người tham gia bảo hiểm trước rủi ro bất ngờ xảy ra và tăng cường dịch vụ, tiện ích chăm sóc khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bồi thường ước đạt 13.177 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bồi thường ước đạt 7.983 tỷ đồng. Đặc biệt các doanh nghiệp bảo hiểm đã cơ bản giải quyết xong việc bồi thường cho khách hàng tham gia bảo hiểm trong vụ việc gây rối trật tự tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch AVI cho biết, năm 2015, ngành Bảo hiểm cũng đã tạo công ăn việc làm cho gần 25.000 cán bộ nhân viên và trên 350.000 đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm còn đóng góp tích cực vào các hoạt động tài trợ công trình đề phòng hạn chế tai nạn giao thông, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông, xây nhà tình nghĩa, quỹ khuyến học và xây trường lớp…, với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nổi bật trong số đó là sự tham gia thương hiệu bảo hiểm lớn như Tập đoàn Bảo Việt. Thời gian qua, Bảo Việt đã trao tặng Học bổng “Niềm tin thắp sáng tương lai” với tổng trị giá 500 triệu đồng cho các sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân và 600 triệu đồng cho các sinh viên Học Viện Tài chính; Đồng hành cùng cuộc thi Giải Toán qua Internet - ViOlympic; Triển khai học bổng “An sinh giáo dục - xe đạp đến trường”, trao tặng 1.200 xe đạp cho trẻ em nghèo hiếu học trên cả nước với tổng trị giá hơn 2.310.000 đồng và đầu tư xây dựng nhiều công trình trường mẫu giáo và tiểu học, trường bán trú tại các địa bàn khó khăn...

Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tích cực triển khai bảo hiểm thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước như bảo hiểm tàu và thuyền viên khai thác hải sản xa bờ; bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm nông nghiệp…

2015 là năm cuối thực hiện mục tiêu trung hạn trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Kết quả trên cho thấy, đây là năm khởi sắc của thị trường bảo hiểm Việt Nam với nhiều tín hiệu đáng mừng, từ nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, đến tái cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển sản phẩm, thể hiện sức phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2010.