Thị trường bảo hiểm Việt Nam 2017 và triển vọng năm 2018

Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm 2016; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016. Năm 2018, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kỳ vọng, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng trên 20%.

Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm 2016.
Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm 2016.

Tình hình phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017

Năm 2017, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu khởi sắc tích cực: GDP tăng trưởng cao, thu hút đầu tư lớn, lạm phát thấp, thị trường tài chính ổn định, thị trường bảo hiểm (TTBH) đã duy trì được mức tăng trưởng cao phát triển ổn định.

Với những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh cơ chế chính sách bắt kịp với những biến động của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với việc không ngừng hoàn thiện phát triển hoạt động kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), TTBH đang ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Đến hết năm 2017, toàn TTBH có 62 DNBH (trong đó 29 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 14 DN môi giới bảo hiểm và 2 DN tái bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản toàn thị trường đến hết năm 2017 ước đạt 302.935 tỷ đồng (tăng 23,44% so với năm 2016), tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,20% so với năm 2016, số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng.

Đạt được các kết quả tích cực như trên xuất phát từ các nguyên nhân chính yếu sau:

Một là, năm 2017, tình hình kinh tế thế giới khởi sắc hơn, tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước, trong đó nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được phát huy, tạo lập được niềm tin và sự hứng khởi của xã hội của cộng đồng DN.

Hai là, khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng hoàn thiện tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP thay thế 4 nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các văn bản mới được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, dễ tra cứu khi triển khai áp dụng quy định pháp luật; đồng thời tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn vốn đầu tư của các DNBH trở lại nền kinh tế, tạo quyền chủ động và tính tự chịu trách nhiệm cho các DN trong việc xác định chi phí kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, an toàn tài chính cho DN. 

Nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ DNBH triển khai các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội,trong năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bên cạnh các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường.

Ba là, nỗ lực của chính các DNBH trong việc nâng caonăng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Đến nay, hầu hết các DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều DNBH đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, xếp hạng.

Một số hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, song  phải thừa nhận rằng,TTBH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò cũng như sự phát triển của thị trường. Cụ thể:

- Hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm mặc dù được xây dựng tương đối đầy đủ, tuy nhiên cần có thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích hơn nữa các DNBH đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội, sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp, sản phẩm bảo hiểm y tế.

- Năng lực quản trị, điều hành của một số DNBH, đặc biệt là các DN trong nước còn yếu. Một số DN phi nhân thọ trong nước hiện nay vẫn đang áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp trong khi đó, hệ thống công nghệ thông tin lại chưa được đầu tư đúng mức, thủ công dẫn đến hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.

- Các kênh phân phối tuy phát triển đa dạng song tính chuyên nghiệp chưa cao, chi phí dành cho các kênh phân phối lớn. Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TTBH giai đoạn 2016-2020 và Đề án tái cấu trúc TTBH giai đoạn 2017- 2020, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại trên, cụ thể:

- Về hoàn thiện khung khổ pháp luật: Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ DN đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ý nghĩa an sinh xã hội và có ý nghĩa đối với nền kinh tế như: Bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thủy sản...

Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến vào năm 2020.

- Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH: Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá, xếp loại các DNBH theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của DN.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang triển khai nghiên cứu mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro để từng bước áp dụng phù hợp với TTBH Việt Nam nhằm tăng cường tính chủ động cho DN trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường  đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.

- Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm: Hiện tại, Bộ Tài chính đang dự thảo để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm. Trên cơ sở Nghị định 27/2007/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn đối với bảo hiểm thương mại điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý giúp các DNBH đa dạng hóa kênh phân phối.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường hình thức thi tập trung nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý bảo hiểm, góp phần chuyên nghiệp kênh phân phối này.

- Về công tác quản lý, giám sát: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH, đảm bảo cho TTBH cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các DN tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm.

Triển vọng phát triển thị trường bảo hiểm năm 2018

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong năm 2018 TTBH cần tập trung vào hai mục tiêu sau: TTBH tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư tham gia vào TTBH; Nâng cao hơn nữa vai trò của TTBH đối với nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. 

Để đạt được những mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc chung tay, góp sức của cả cơ quan quản lý và các DNBH.

Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tập trung vào việc tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích DN đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới mọi đối tượng khách hàng.

Đồng thời, công tác quản lý, giám sát cũng cần đổi mới theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với DN để nắm bắt sát sao tình hình của DN, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động.

Về phía các DNBH cũng cần tự rà soát, điều chỉnh các quy trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và chất lượng phục vụ, phát triển sản phẩm theo hướng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc phát triển chiều rộng phải được đi kèm cùng phát triển chiều sâu thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị DN, chú trọng tới chất lượng của đội ngũ đại lý và các kênh phân phối, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Với những nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kỳ vọng năm 2018, TTBH Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư có uy tín, đồng thời thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Năm 2018, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kỳ vọng, TTBH vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%.