Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2016, triển vọng năm 2017

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2/1/2017

Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.... Trong bối cảnh đó, thị trường bảo hiểm đã duy trì được đà tăng trưởng; các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thị trường bảo hiểm đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu bảo hiểm

Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), thị trường bảo hiểm đã đạt được những kết quả nhất định. Đến hết đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm và 13 DN môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu khởi sắc, thị trường bảo hiểm đã cho thấy những kết quả phát triển khá tích cực. Cụ thể, tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 239.413 tỷ đồng (tăng 18,2%). Tổng doanh thu bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 101.767 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 86.049 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 15.718 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 25.872 tỷ đồng.

Kết quả này cho thấy, thị trường bảo hiểm phát triển ổn định; tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân.

Về công tác xây dựng chế độ, chính sách

Trong năm qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chủ trì dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 01 Nghị định và 03 Thông tư, cụ thể:

- Nghị định 73/2016/NĐ-CP (ngày 01/7/2016) quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nghị định mới được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, tạo môi trường pháp luật thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DNBH phát triển.

- Thông tư số 52/2016/TT-BTC thay thế Quyết định 96/2007/QĐ-BTC với  nội dung chính là giảm quy định về điều kiện đối với đại lý bán bảo hiểm liên kết chung, hướng dẫn rõ hơn về dự phòng nghiệp vụ. Việc xây dựng và ban hành Thông tư 52/2016/TT-BTC cho thấy, cơ quan quản lý đã chủ động, tích cực sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho DNBH tăng khả năng tiếp cận với khách hàng qua các đại lý hiện đang hoạt động, từ đó tăng số lượng người tham gia bảo hiểm, phát triển thị trường.

- Thông tư 43/2016/TT-BTC (ngày 03/03/2016) sửa đổi, bổ sung Thông tư 116/2014/TT-BTC, giảm thiểu thủ tục và thời gian đối chiếu số liệu định kỳ giữa các DNBH đồng bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

- Thông tư 22/2016/TT-BTC (ngày 16/02/2016) được ban hành thay thế Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với nội dung chính là đơn giản hóa các thủ tục bồi thường đối với các vụ tai nạn nhỏ; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm (25% và 43%) để phù hợp hơn với thực tế; tăng phí bảo hiểm (10-20%) của 13 dòng xe có rủi ro cao trên cơ sở số liệu thống kê thực tế; tạo thuận lợi cho các bên trong việc triển khai chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng được hoàn thiện nhằm thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an sinh – xã hội.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 105/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và DN kinh doanh bảo hiểm.

Với việc không ngừng hoàn thiện phát triển hoạt động kinh doanh bền vững của các DNBH trên thị trường, thị trường bảo hiểm đang ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Về việc thực hiện các đề án, chính sách trọng tâm

Trong năm 2016, các đề án lớn, quan trọng liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được triển khai, cụ thể:

Thứ nhất, việc tái cấu trúc các DNBH đã cơ bản hoàn thành theo yêu cầu đặt ra tại Quyết định 1826/QĐ-TTg. Ngày 9/9/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1932/VPCP-KHTH đồng ý với các giải pháp tái cấu trúc trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Thứ hai, về bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, kết quả triển khai tính đến 31/10/2016, đã có 28/28 tỉnh, thành phố phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 53.344 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm ước đạt 547 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 20.112 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 200.412 thuyền viên; tổng số tiền bồi thường ước đạt 127 tỷ đồng.

Thứ ba, về bảo hiểm nông nghiệp, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương về hướng triển khai bảo hiểm nông nhiệp. Trên cơ sở đó, ngày 15/9/2016, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng dự thảo Nghị định.

Thứ tư, thúc đẩy các DNBH tham gia mua trái phiếu chính phủ dài hạn. Với đặc thù kinh doanh là bảo đảm năng lực tài chính, đáp ứng các cam kết dài hạn, lĩnh vực bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, do vậy, năm 2016 (tính đến 31/10/2016), các DNBH tiếp tục tham gia các đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn lớn hơn 10 năm (15 năm, 20 năm và 30 năm), cụ thể:

- Đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm: Các DNBH nhân thọ đã đấu thầu thành công 21.622,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89,8% tổng số lượng phát hành của Kho bạc Nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2016, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và Kho bạc Nhà nước đã hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Bảo hiểm nhân thọ Cathay (Công ty mẹ của Cathay Life Việt Nam) đấu thầu thành công 300 triệu USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm.

+ Đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm: Các DNBH nhân thọ đã đấu thầu thành công 1.391,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,2% tổng số lượng phát hành của Kho bạc Nhà nước.

+ Đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 15 năm: Các DNBH nhân thọ đã đấu thầu thành công 6.030,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,1% tổng số lượng phát hành của Kho bạc Nhà nước.

Về công tác thanh tra, kiểm tra

Cơ quan quản lý đã hoàn thành kiểm tra chuyên đề 05 DNBH nhân thọ (Manulife, AIA, Chubb, Great Eastern và Prevoir); 04 DNBH phi nhân thọ (BIC, ABIC và Fubon, VBI) và kiểm tra 05 DN (Toyota Tsusho, Marsh, JLT và Aon); đồng thời, đã tổ chức triển khai thanh tra 07 DNBH: Liberty, Bảo Long, BSH, Dai-ichi, Prudential, Cathay và MIC.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời các vi phạm; đồng thời phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Từ đó, môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các DN, giúp bảo vệ và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, duy trì thị trường ổn định, an toàn, hiệu quả.

Giải pháp cho thị trường bảo hiểm năm 2017

2017 là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại quốc tế và góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ...

Năm 2017, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm như: Nghiên cứu chuẩn bị sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12; tiếp tục triển khai hoàn thiện các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm vi mô; nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai...

Đồng thời, bám sát tình hình hoạt động của DN, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ về hoạt động kinh doanh của DNBH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH.

Trong năm 2017, với những nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để cải thiện môi trường đầu tư, thị trường bảo hiểm Việt Nam được kỳ vọng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% và thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư có uy tín, đồng thời hoạt động hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.