Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Tiếp đà tăng trưởng

PHÙNG ĐẮC LỘC – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

(Tài chính) Với những nỗ lực tái cấu trúc của Bộ Tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 tiếp tục đạt được sự phát triển vượt bậc, tạo tiền đề vững chắc cho sự đột phá mới trong năm 2015.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 tiếp tục đạt được sự phát triển vượt bậc. Nguồn: internet
Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 tiếp tục đạt được sự phát triển vượt bậc. Nguồn: internet

Điểm nhấn năm 2014

Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song với việc Bộ Tài chính tích cực đẩy mạnh tái cấu trúc và nhanh chóng, xây dựng chính sách chế độ, quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng như sự chủ động của các DNBH, thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều điểm nhấn đáng chú ý, sau đây:

Thứ nhất, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng so với các năm trước. Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10,5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%. Xét riêng hoạt động môi giới bảo hiểm, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới trong năm 2014 ước đạt 5.996 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2013; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 476,6 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2013. Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của toàn thị trường năm 2014 ước là 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2013, trong đó, số tiền của các DNBH nhân thọ là 8.199 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2013, số tiền của các DNBH phi nhân thọ là 10.353 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2013.

Thứ hai, niềm tin gia tăng của đối tượng tham gia bảo hiểm vào cơ quan quản lý, thị trường bảo hiểm cũng như môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam đặc biệt sau khi Bộ Tài chính và các DNBH đã tích cực trong việc giải quyết bồi thường, giúp các DN bị thiệt hại vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong đó đích thân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các vụ gây rối liên quan đến sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Các DNBH đã phối hợp với khách hàng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngăn chặn tổn thất phát sinh thêm, tổ chức giám định tổn thất, tạm ứng tiền bồi thường và hoàn thiện hồ sơ để giải quyết bồi thường cho khách hàng theo đúng hợp đồng bảo hiểm đã cam kết.

Thứ ba, năm 2014, hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan tiếp tục được tập trung hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 68/2014/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP, quy định bổ sung loại hình nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, tạo điều kiện cho thị trường phát triển, mở rộng sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành kịp thời Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về nghiệp vụ bảo hiểm phát triển thủy sản (Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm; Thông tư số 116/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DNBH); Thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DNBH nhân thọ (Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014).

Thứ tư, DNBH đã đẩy mạnh khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm bảo lãnh. Đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau 3 năm thí điểm thực hiện, số hộ tham gia bảo hiểm là 304.017 hộ với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 707,4 tỷ đồng. Đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, sau 3 năm thực hiện, các DNBH đã cấp được 46 hợp đồng bảo hiểm với tổng doanh thu phí bảo hiểm là 17,23 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng. Việc triển khai đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại một số DNBH đã góp phần gia tăng doanh thu cho toàn thị trường.

Thứ năm, Bộ Tài chính đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các DNBH (bao gồm cả thanh tra, kiểm tra toàn diện và theo chuyên đề). Qua công tác này, Bộ Tài chính không chỉ phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mà còn phát hiện bất cập trong cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung từ đó tạo môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần làm cho thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả. Trong năm 2014, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã kiểm tra 4 DNBH phi nhân thọ, 5 DNBH nhân thọ, 3 DN môi giới bảo hiểm và tổ chức 4 đoàn kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới, thanh tra và xử phạt 1 DN môi giới bảo hiểm (Marsh)...

Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Tiếp đà tăng trưởng - Ảnh 1

Giải pháp phát triển thị trường năm 2015

Dự báo, trong năm nay toàn thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng từ 12-15%, trong đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể tăng trưởng 12% – 14%, bảo hiểm nhân thọ có thể tăng trưởng 20% - 22%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra tại Hội nghị ngành Tài chính được tổ chức vào ngày 24/12/2014, cụ thể:

Một là, phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong năm 2015 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của cả thị trường ổn định từ 12 đến 15%/năm.

Hai là, nâng cao tính công khai minh bạch, nâng cao tiêu chí, điều kiện trong việc cấp phép thành lập DN; nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành DNBH.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng: Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm như biện pháp đảm bảo ổn định tài chính; khuyến khích DNBH cung cấp các dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, vùng sâu, vùng xa cho cho người dân có thu nhập thấp. Trong năm 2015, triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Bốn là, tiếp tục thực hiện các biện pháp để tái cơ cấu DNBH, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, hiệu quả và bền vững, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các lĩnh vực kinh tế và dân cư, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Tin tưởng rằng, trong năm 2015 với những giải pháp này và nỗ lực từ phía cơ quan quản lý cũng như sự vươn lên vượt khó của chính DNBH sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển và đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.