Thị trường bảo hiểm Việt Nam triển khai mạnh các cam kết mở cửa hội nhập

PHÙNG NGỌC KHÁNH - Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính

Trong bối cảnh hội nhập, nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường thế giới, cơ quan quản lý bảo hiểm đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện, liên tục cập nhật, sửa đổi cơ chế chính sách nhằm đảm bảo phù hợp với quá trình mở cửa, tiến tới chuẩn mực quốc tế song vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nước cũng như quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Lĩnh vực bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có mức độ cam kết mở cửa thị trường khá rộng trong dịch vụ tài chính. Nguồn: internet
Lĩnh vực bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có mức độ cam kết mở cửa thị trường khá rộng trong dịch vụ tài chính. Nguồn: internet

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập

Lĩnh vực bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có mức độ cam kết mở cửa thị trường khá rộng trong dịch vụ tài chính. Kể từ năm 2008 đến nay (sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hệ thống pháp luật chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm đã được rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xoá bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các DNBH có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng cho các DNBH thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Trong giai đoạn này, 01 Luật, 07 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 Thông tư được ban hành.

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm đã từng bước hoàn chỉnh theo hướng ngày càng chi tiết, rõ ràng, minh bạch, cụ thể hoá các quy định đối với từng lĩnh vực bảo hiểm (thậm chí đến từng loại hình nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm đặc thù), phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế. Cụ thể:

- Các tiêu chí cấp phép được qui định công khai, minh bạch và được lượng hoá (về năng lực tài chính và năng lực quản trị điều hành của chủ đầu tư) nhằm đảm bảo sàng lọc, lựa chọn các chủ đầu tư thực sự có uy tín, có năng lực tài chính và tiềm năng phát triển mạnh, cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

- Các rào cản, phân biệt đối xử được xóa bỏ, tạo sự bình đẳng cho các chủ đầu tư góp vốn thành lập DNBH theo đúng các nghĩa vụ đã cam kết về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc. Các công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài đều được điều chỉnh bởi cùng một khung pháp lý. Các quy định về gia nhập thị trường như vốn tối thiểu, ký quỹ, thủ tục cấp phép, các quy định về đảm bảo khả năng thanh toán đều được áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một số lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn nhà đầu tư trong nước quy định tại các văn bản trước đây đã được xóa bỏ sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

- Khung pháp lý cho việc thành lập chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam và việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới được xây dựng theo đúng lộ trình cam kết (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12, Nghị định 123/2011/NĐ-CP, Thông tư 124/2012/ TT-BTC).

- Sửa đổi quy định về chế độ kế toán áp dụng cho các DNBH phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam (Thông tư số 232/2012/TT-BTC).

- Hệ thống chỉ tiêu giám sát DNBH được sửa đổi theo hướng tăng cường tính tự chủ của DN trong quá trình quản trị tài chính, cho phép DN tự xác định và bổ sung nguồn vốn cần thiết tương ứng với quy mô và rủi ro hoạt động của DN. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ tiêu cũng cho phép cơ quan quản lý đánh giá, phân loại DN để từ đó có cơ chế quản lý, giám sát phù hợp (Thông tư 195/2014/TT-BTC).

- Các quy định về chế độ tài chính của DNBH được đưa ra nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của thị trường, hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế tài chính tác động lên các DNBH, bao gổm: quy định nguồn vốn chủ sở hữu phải tương ứng với quy mô và rủi ro hoạt động của DN; hoạt động đầu tư được kiểm soát cả về tài sản đầu tư và hạn mức đầu tư; biên khả năng thanh toán phải được duy trì, đảm bảo trong suốt quá trình hoạt động; những tài sản có tính thanh khoản thấp, rủi ro cao phải được loại trừ khi xác định biên khả năng thanh toán của DN...

Ngoài ra, các quy định về công tác quản trị điều hành như xây dựng và thực hiện các quy trình nghiệp vụ, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ và công khai hoá thông tin tài chính DN... được ban hành đã góp phần cải thiện công tác quản trị DN, từng bước chuẩn hoá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý điều hành của DN.

Thị trường bảo hiểm với sự phát triển kinh tế, xã hội

Trước khi thực hiện mở cửa, hội nhập, thị trường bảo hiểm chỉ có duy nhất 1 DNBH nhà nước là Bảo Việt, đến nay, thị trường bảo hiểm đã có sự tham gia của 61 DN, trong đó có tới 26 DNBH có vốn đầu tư nước ngoài, hầu hết là các DNBH hàng đầu trên thế giới. Tổng doanh thu phí của toàn thị trường giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng bình quân 12%/ năm, cao hơn so với tốc độ tăng GDP. Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, cụ thể như sau:

Góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, củng cố các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế

Thị trường bảo hiểm đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế, góp phần củng cố cân đối lớn của nền kinh tế về đầu tư và tiết kiệm.

Theo thống kê của các DNBH, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần triển khai thành công chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Góp phần vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường bảo hiểm đã đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh với việc thực hiện tái cơ cấu toàn diện các DNBH về bộ máy, tổ chức, mạng lưới kinh doanh, năng lực tài chính, sản phẩm bảo hiểm và năng lực quản trị DN theo Quyết định 1826/2012/QĐ-TTg.

Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội

Cho đến hết năm 2014, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho trên 400.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Ngoài ra, hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ . Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư

Theo báo cáo của các DNBH, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD). Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế

Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam, bảo hiểm là một trong các điều kiện đàm phán quan trọng góp phần vào thành công của tiến trình đàm phán. Các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong các Hiệp định thương mại đã góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài, của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

Ngoài ra, bảo hiểm cũng góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ thông qua các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, xây dựng chương trình bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử.

Định hướng phát triển thị trường trong bối cảnh mở cửa, thực hiện các cam kết quốc tế

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định và có những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tuy nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm vẫn còn rất lớn. Mức độ thâm nhập của bảo hiểm hiện nay mới chỉ đạt 2,44% so với GDP thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,55%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%).

Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, các hiệp định thương mại tự do với các đối tác chiến lược của nền kinh tế thế giới đang trong quá trình kết thúc đàm phán, thị trường bảo hiểm có nhiều cơ hội để phát triển như gia tăng nhu cầu đối với bảo hiểm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường bảo hiểm, sự thâm nhập của phương thức quản lý mới... Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm cũng gặp khá nhiều thách thức như: tăng sức ép cạnh tranh giữa các DNBH trong nước với các tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài vốn cónhiều kinh nghiệm vàưu thếvượt trội; năng lực tài chính của nhiều DNBH trong nước chưa thực sự vững mạnh, công nghệ quản trị điều hành chưa được hiện đại hoá...

Trên cơ sở đánh giá cơ hội, tiềm năng và những thách thức đặt ra trong thời gian tới, chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung vào các mục tiêu sau: Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định (trên 10%/năm), phấn đấu tổng doanh thu thị trường đạt tỷ lệ 3-4% so với GDP vào năm 2020; Hoàn thiện khung khổ pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đáp ứng được các cam kết hội nhập; Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN; Nâng cao tính chuyên nghiệp của hệ thống đại lý, phát triển các kênh phân phối mới; Khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm...

Để nắm bắt được những tiềm năng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thành được những mục tiêu về phát triển thị trường bảo hiểm đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cả phía cơ quan quản lý và DNBH.

- Về phía cơ quan quản lý, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường phát triển bình đẳng, bền vững, đảm bảo không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, triển khai xây dựng các quy định pháp lý theo đúng lộ trình đã cam kết nhằm vừa thực hiện cam kết, vừa bảo đảm cho sự an toàn của thị trường và các DN trong nước. Cơ chế chính sách được xây dựng theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích DN đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới mọi đối tượng khách hàng.

Phương thức quản lý, giám sát sẽ được đối mới theo hướng tăng cường đối thoại trực tiếp, nắm bắt sát sao tình hình của DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động; Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý, giám sát với các cơ quan quản lý giám sát các nước; Tận dụng các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như IAIS, WB, ADB để tăng cường năng lực quản lý, giám sát của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực quản trị DN cho thị trường bảo hiểm.

- Về phía các DNBH, để có thể đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập, các DN cần tự rà soát, điều chỉnh các quy trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và chất lượng phục vụ, phát triển sản phẩm theo hướng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc phát triển chiều rộng phải được đi kèm cùng phát triển chiều sâu thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị DN, chú trọng tới chất lượng của đội ngũ đại lý và các kênh phân phối, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia tính phí.