Thị trường bảo hiểm Việt Nam và giải pháp công nghệ thông tin

ThS. Trần Mạnh Tiến

Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đặt ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang tập trung thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định trong giai đoạn mới, phấn đấu tổng doanh thu thị trường đạt tỷ lệ 3 - 4% so với GDP vào năm 2020. Để đạt được các mục tiêu này, việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cho toàn thị trường, đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm là rất cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tính đến 31/12/2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp (DN) (trong đó, 29 DNBH phi nhân thọ, 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 17 DNBH nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm).

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng (trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng; tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng, trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỷ đồng).

Hiện nay, gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Với những kết quả nêu trên, thị trường bảo hiểm đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đặt ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015. Cụ thể là:

- Về chỉ tiêu tổng doanh thu bảo hiểm: Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.506 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,8%/năm. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 13,41%/năm; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 22,9%/năm.

- Về chỉ tiêu quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm: Tính đến hết năm 2015, tổng dự phòng nghiệp vụ nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các DNBH đạt 119.540 tỷ đồng, tăng 2,16 lần so với năm 2010.

- Về chỉ tiêu tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH: Tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH đạt 160.466 tỷ đồng, tăng 2,02 lần so với năm 2010.

- Về chỉ tiêu đóng góp vào NSNN: Trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp vào NSNN 7.558 tỷ đồng, trong đó các DNBH nhân thọ đóng góp 3.215 tỷ đồng, các DNBH phi nhân thọ đóng góp 4.344 tỷ đồng. Con số đóng góp vào NSNN năm 2015 tăng gấp 1,85 lần so với năm 2010.

- Về chỉ tiêu tuân thủ 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội quốc tế các nhà quản lý bảo hiểm ban hành: Hiện nay, theo báo cáo tự đánh giá với Diễn đàn các nhà quản lý bảo hiểm Đông Nam Á, Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm theo thông lệ quốc tế (đạt 50%).

Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thời gian tới

Mục tiêu chiến lược đến năm 2020 là thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định, phấn đấu tổng doanh thu thị trường đạt tỷ lệ 3-4% so với GDP. Để đạt được các mục tiêu trên, cơ quan quản lý đề ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm: Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm số 61/2010/QH12 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng điều chỉnh mở rộng và đồng bộ hơn.

Thứ hai, nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH: Giám sát, đôn đốc DNBH tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của DN; Nghiên cứu triển khai mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro nhằm tăng cường tính chủ động cho DN trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn, phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù kinh doanh của từng DN.

Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm: Tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, chú trọng phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng, an sinh xã hội cao và các sản phẩm bảo hiểm cho phép điều chỉnh linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng cá nhân...

Thứ tư, đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm: Mở rộng hình thức thi đại lý bảo hiểm trực tuyến tập trung; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại lý. Đồng thời, nghiên cứu ban hành hướng dẫn đối với các kênh phân phối mới (như: Phân phối bảo hiểm qua thương mại điện tử, phân phối bảo hiểm qua điện thoại di động...) nhằm giúp DNBH đa dạng hóa kênh phân phối.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH và sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với với thực tế; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, giám sát.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm: Tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia phát triển về bảo hiểm; Phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu, bám sát các mục tiêu Chiến lược và giải pháp phát triển của thị trường bảo hiểm; Triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, các chương trình hợp tác đang thực hiện với các tổ chức và đối tác quốc tế.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm giai đoạn 2016-2020

Để thực hiện tốt Chiến lược Phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam đến 2020 và những năm tiếp theo, việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chung cho toàn thị trường, đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết phải đạt được các mục tiêu sau:

 - Xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (Bộ Tài chính) với các DNBH và các tổ chức liên quan.

- Xây dựng Kho dữ liệu bảo hiểm tập trung có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện phục vụ cho việc phân tích, dự báo, tính phí bảo hiểm.

- Xây dựng mô hình phân tích, dự báo cho các chỉ tiêu quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Hệ thống ứng dụng CNTT cần phải phát triển trên nền tảng cơ sở dữ liệu hiện đại, sử dụng lâu dài, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời, chính xác, đáp ứng không những đối với cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà còn giúp cho DNBH trong công tác quản trị DN và giúp cho người dân tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất, gồm:

+ Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Hệ thống cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc khai thác và phân tích dữ liệu chuyên sâu, phân tích dữ liệu theo chủ đề và công tác thống kê, dự báo; phục vụ cho công tác quản lý, giám sát từ xa, tại chỗ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

+ Về phía các DNBH: Hệ thống CNTT hỗ trợ trong việc tương tác với cơ quan quản lý trong việc gửi và nhận thông tin báo cáo theo quy định, thụ hưởng các kết quả phân tích, thống kê dữ liệu chung của thị trường qua đó hỗ trợ DN trong công tác quản lý, quản trị DN, quản lý điều hành, giảm thiểu việc trục lợi bảo hiểm, tăng khả năng cạnh tranh...

+ Về phía người dân: Hệ thống CNTT phục vụ người dân tiếp cận dịch vụ bảo hiểm của DNBH một cách đơn giản, thuận tiện, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhanh chóng.

Với mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo hiểm giai đoạn 2016-2020 thành công, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2016;

2. Thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm: Thành công và những vấn đề đặt ra, Doãn Thanh Tuấn, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 4/2016;

3. Bảo hiểm Việt Nam: Thực hiện thành công các giải pháp chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Phùng Ngọc Khánh, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 4/2016;

4. Bàn về cơ chế quản lý giám sát thị trường bảo hiểm, Nguyễn Quang Huyền, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 4/2016.