Thị trường chứng khoán: Duy trì sự ổn định và phát triển bền vững

H. Trang

Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển với sự gia tăng nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Những thành công mà thị trường chứng khoán có được như hiện nay không thể không nhắc đến vai trò “bà đỡ” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển với sự gia tăng nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Nguồn: internet
Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển với sự gia tăng nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Nguồn: internet

Điểm sáng năm 2015

Năm 2015, trước những biến động của nền kinh tế thế giới như sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, vấn đề tỷ giá, dịch chuyển dòng vốn quốc tế, giá dầu…, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những biện pháp kịp thời nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường trong năm qua. Điển hình là Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh; Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/5/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán…

Công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy. Đến nay, số lượng công ty chứng khoán hoạt động bình thường là 81 công ty (giảm khoảng 23% tổng số công ty chứng khoán). Số lượng tài khoản nhà đầu tư là 1,5 triệu tài khoản (tăng 105 nghìn tài khoản so với cuối năm 2014), trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 17.644 (tăng 5,44%). Nhờ đó, các công ty chứng khoán đã nâng cao hơn về quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật ngày càng tốt hơn, dịch vụ cho khách hàng ngày càng được cải thiện đảm bảo các phiên giao dịch được vận hành suôn sẻ. Bên cạnh đó, sau 3 năm thực hiện đề án tái cấu trúc, số lượng quỹ đại chúng tăng lên nhanh chóng, sản phẩm quỹ mở đã thay thế hoàn toàn quỹ đóng với mô hình hiện đại, minh bạch hơn, được giám sát bởi hệ thống ngân hàng giám sát và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt hơn.

Trong năm 2015, tình hình huy động vốn được nhận định khả quan. Năm vừa qua có 47 công ty niêm yết mới và thực hiện 253 đợt niêm yết bổ sung cho các doanh nghiệp trên 2 Sở; có 33 công ty hủy niêm yết. Bên cạnh đó, thực hiện đăng ký giao dịch mới cho 72 công ty trên UPCoM (gấp 2 lần so với năm 2014) nâng tổng số mã cổ phiếu giao dịch lên 243 mã với tổng giá trị là 47.574 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2014. Công tác cổ phần hóa đã được đẩy mạnh, tính đến hết tháng 11/2015, trên 2 Sở đã tổ chức đấu giá cho 112 doanh nghiệp với giá trị đạt 6.830 tỷ đồng.

Một điểm nhấn trong công tác điều hành thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2015 là sự kiện đăng cai tổ chức thành công Hội nghị tham vấn Quản trị công ty khu vực Đông Nam Á lần thứ 2 của OECD nhằm thúc đẩy thực hiện các thông lệ quản trị tốt tại nhóm 4 nước Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam và tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ đã góp phần đưa hình ảnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên trường quốc tế. Đây là bước ngoặt trong công tác hợp tác quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và chương trình công tác năm 2016, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực với mức vốn hóa thị trường hơn 1.325 nghìn tỷ đồng, tương đương 34% GDP; Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 4.964 tỷ đồng, trong đó, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng/phiên, giao dịch trái phiếu đạt 2.470 tỷ đồng/phiên. Tổng giá trị huy động vốn 11 tháng đạt hơn 204 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa là 24 nghìn tỷ đồng (tăng 46,6% so với 2014).

Giữ vững đà phát triển

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán là mục tiêu và nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới. Theo đó, bước sang năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển theo chiều sâu và hoàn tất công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường minh bạch trên thị trường và xây dựng phát triển các sản phẩm mới, kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, chuẩn bị đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trong đó, chú trọng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; chuẩn bị đưa thị trường chứng khoán phái sinh vận hành theo đúng lộ trình đã đặt ra; quan tâm hơn nữa tới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững, phục vụ tốt cho việc tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn mới, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay làtiếp tục thực hiện tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và hiện đại hóa cấu trúc thị trường. Theo đó, tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các công ty chứng khoán yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; Cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% công ty chứng khoán trong nước; Hợp nhất các Sở giao dịch Chứng khoán và phát triển; Đào tạo, tuyên truyền quảng bá về thị trường và các sản phẩm mới…

Trong bối cảnh mới hiện nay, để tăng khả năng cạnh tranh của thị trường chứng khoán, Việt Nam cần có các biện pháp hữu hiệu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm đến lợi nhuận và quyền lợi của nhà đầu tư. Tăng cường minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin, thông tin cung cấp cần đảm bảo tính chính xác, có ý nghĩa và kịp thời tới các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và cộng đồng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển thị trường thứ cấp có chất lượng và thực hiện lộ trình niêm yết theo đúng thông lệ tạo cơ sở tốt cho việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp. Trước tiên, cần triển khai nâng hạng thị trường chứng khoán trên bảng MSCI để nâng cao uy tín trên thị trường chứng khoán quốc tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao vai trò và khuyến khích của các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả. Đây chính là các tổ chức có thể tạo ra sự đồng thuận, hình thành những nền tảng đạo đức nghề nghiệp mang tính nguyên tắc, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường;