Thị trường mía đường - Bài toán vùng nguyên liệu và chính sách

Theo Thông tin Tài chính số 12 (kỳ 2 tháng 6/2014)

(Tài chính) Chuẩn bị cho vụ sản xuất mía đường 2014 - 2015, các nhà máy chế biến đường đã ký lại hợp đồng với các nông dân trồng mía nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trong khi cố gắng đảm bảo giữ vững nguồn nguyên liệu, ngành mía đường Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn khách quan, khiến cho các nhà sản xuất lo ngại năm 2014 sẽ là một năm khó khăn đối với ngành mía đường Việt Nam.

Thị trường mía đường - Bài toán vùng nguyên liệu và chính sách
Ngành mía đường Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn khách quan. Nguồn: internet

Hàng lậu lũng đoạn thị trường

Theo các số liệu mới nhất, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường lên tới trên 400.000 tấn và tiếp vụ sau hướng tăng lên. Nguyên nhân gây ra tình trạng tồn kho "khủng" này do ngành đường đang phải chịu sức ép từ hai nguồn cung không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và đường tạm nhập nhưng không tái xuất.

Theo thông tin thị trường và kiểm chứng bằng thống kê đường nhập vào Việt Nam và Campuchia của Tổ chức Đường Thế giới (ISO), hàng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam ước xấp xỉ 500.000 tấn, tương đương khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành mía đường Việt Nam. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay làm lũng loạn thị trường đường trong nước, khiến Nhà nước hàng năm thất thu ngân sách khoảng 650 tỷ đồng bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Cơ quan quản lý cho biết, việc đường nhập lậu với số lượng lớn vào Việt Nam ngày càng gia tăng và thủ đoạn buôn lậu càng tinh vi trong khi các biện pháp và chế tài xử phạt của cơ quan chức năng đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Các chủ hàng luôn dùng nhiều biện pháp đối phó với các ngành chức năng như thay đổi bao bì ngay từ bên kia biên giới, lén lút vận chuyển vào các kho ven sông dọc theo tuyến biên giới, hợp thức hoá hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán… nên rất khó phát hiện. Một số địa phương còn cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất chế biến đường nhưng họ không có nhà máy sản xuất đường và không có vùng mía nguyên liệu, mà chỉ có phương tiện sang chiết bao. Các cơ sở này dùng đường nhập lậu từ Thái Lan sang bao và kẹp hoặc in một nhãn hiệu nhỏ tên cơ sở mình là xem như đường hợp pháp để phân phối tiêu thụ.

Bên cạnh đường nhập lậu, các nhà máy mía đường còn phải đối mặt với một khó khăn khác. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không kể đường nhập lậu, theo dự kiến tổng cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường. Sau khi cân đối cung cầu, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã đề nghị cho xuất khẩu tiểu ngạch 500.000 tấn trên lượng dư 646.080 tấn, không phân biệt chủng loại đường luyện RE hay đường kính trắng RS.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lấy lý do nhằm đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sử dụng đường RE để chế biến thực phẩm nên ra văn bản yêu cầu chỉ cho xuất đường kính trắng RS và ngừng xuất đường tinh luyện RE với số lượng 200.000 tấn và thời gian thực hiện đến hết ngày 30/6/2014. Động thái này đã tạo thêm sức ép về giá và tiếp tục đưa ngành đường đứng trước áp lực tồn kho lớn.

Các nhà sản xuất đường cho rằng, trong khi khách hàng đang có nhu cầu mua cả hai loại đường, việc Bộ Công Thương chỉ cho phép xuất đường RS mà không cho xuất đường RE gây thêm tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE, buộc các doanh nghiệp phải tung đường RE ra bán trên thị trường nội địa với giá thấp. Việc này sẽ đẩy giá đường RS tụt xuống và như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà máy sản xuất đường RE lẫn RS. Ngoài ra, việc Bộ Công Thương khống chế thời gian được phép xuất khẩu tiểu ngạch, sẽ dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất đường bị khách hàng nước ngoài ép giá nếu họ nắm được thời hạn mà các doanh nghiệp được phép xuất chỉ đến tháng 6/2014. VSSA cũng đã kiến nghị xin phép cho xuất luôn cả hai loại đường và không giới hạn thời gian xuất khẩu.

Hiện nay, ngành mía đường vẫn đang chờ những biện pháp ngăn chặn được đường nhập lậu hiệu quả, đồng thời có cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh xuất khẩu đường hợp lý nhằm giải phóng hàng tồn kho. Nếu các vấn đề này không được thực hiện tốt thì trước hết ảnh hưởng đến nhà sản xuất đường và sau đó ảnh hưởng chung tới nền kinh tế.

Vùng nguyên liệu với bài toán giá đường

Sản xuất mía đường gồm hai mảng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp. Mảng công nghiệp chế biến được thực hiện khá tốt. Để tạo lợi thế cạnh tranh, hiện toàn bộ các nhà máy đường trong VSSA đều đã đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc theo công nghệ hiện đại, sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng và chủng loại. Tuy nhiên, mảng công nghiệp chế biến chỉ chiếm khoảng 20 - 25 % giá thành phẩm.

Trong khi đó, mảng nông nghiệp đóng vai trò chính, chiếm tỷ lệ lớn từ 70 - 80% trong cơ cấu giá thành, lại gặp khá nhiều trắc trở. Từ năm 1995, chương trình mía đường của Việt Nam được khởi động nhưng còn hạn chế do lãng phí lớn trong chế biến và sản xuất đường của các cơ sở thủ công. Việc xây dựng, hình thành các nhà máy sản xuất đường trong nước không chỉ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường nội địa mà còn đóng góp rất lớn nguồn lực cho vùng nông thôn, góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội trong khu vực có nhà máy đường.

Tuy nhiên, khi hình thành nên các nhà máy đường, việc xây dựng nên các vùng mía nguyên liệu tập trung chưa được chú trọng đúng mức, cây mía chưa được trồng trong các nông trại tập trung mà lại xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Điển hình như tại tỉnh Bến Tre, diện tích trồng mía ban đầu khoảng 10.000 ha, với sản lượng hàng năm khoảng 800.000 - 900.000 tấn mía nguyên liệu. Nhưng gần đây, qua kiểm tra của nhà máy, hiện tại chỉ còn khoảng 3.100 ha, do một số cây trồng khác như cây dừa, ca cao chiếm chỗ. Mô hình canh tác theo nông hộ ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi tưới và tiêu nước. Các công đoạn từ khâu trồng, làm đất, đặt hom, chăm sóc, thu hoạch đều làm thủ công nên không chỉ làm tăng cao chi phí trong sản xuất mà cả hai phần chữ đường và năng suất cây mía cũng thấp.

Theo các doanh nghiệp chế biến mía đường ở Tây Ninh, để bù vào sản lượng mía thiếu hụt, năm 2014 các doanh nghiệp ngành mía đường của tỉnh đã chi gần 200 tỷ đồng đầu tư trồng mía tại các tỉnh Svayrieng, Kompongcham của Campuchia theo phương thức đầu tư ứng vốn, mua lại sản phẩm. Trước đó, niên vụ 2013 - 2014, các doanh nghiệp mía đường của tỉnh Tây Ninh đã đầu tư sang Campuchia được 5.581 ha mía, thu hoạch được 230.000 tấn mía.

Ngoài việc tìm vùng nguyên liệu mới, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh khâu cơ giới hóa. Công ty TNHH Hưng Thịnh, một trong những doanh nghiệp lớn có diện tích trồng mía trên 1.500 ha, đã trực tiếp đầu tư trên 60 tỷ đồng để mua máy cày đất, máy kéo, máy trồng, máy bón phân, máy thu hoạch mía... nhằm cơ giới hóa toàn diện trên cánh đồng mía của mình theo quy chuẩn cánh đồng mẫu mía lớn. Theo tính toán của công ty, chỉ riêng việc đầu tư mua máy thu hoạch mía cũng đã giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm gần 5 triệu đồng/ha/vụ.

Trong tình hình diện tích trồng mía ngày càng giảm mạnh, nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến, cơ quan chức năng và các nhà máy đường đang tìm nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người trồng mía an tâm sản xuất và ổn định vùng nguyên liệu, việc các doanh nghiệp tự tìm tòi cho mình những giải pháp khả thi nhằm phát triển cây mía theo hướng thâm canh để tăng năng suất, chất lượng là hết sức cần thiết và thiết thực trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực tự cứu, các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam rất cần những sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Sự hỗ trợ này không chỉ là để xây dựng các vùng mía nguyên liệu tập trung nhằm tăng hàm lượng chữ đường trong cây mía để từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hạt đường Việt Nam mà còn là việc đưa ra những quy định và hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển cho ngành mía đường Việt Nam trong tương lai.