Thị trường tiền tệ quốc tế năm 2012: Dự báo và gợi ý chính sách cho Việt Nam

TS. Lê Thị Thùy Vân - Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng khó khăn và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2012. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức 3,8% (năm 2011) xuống còn 3,3% trong năm 2012 và dự báo ở mức 3,6% trong năm 2013 (theo IMF, tháng 10/2012); đồng thời đối mặt với 3 rủi ro chính: (i) khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro diễn biến căng thẳng trở lại; (ii) khó khăn của Mỹ trong việc thoát ra được tình trạng hiểm nguy hiện nay, cái gọi là "vách đá tài khóa'"; và (iii) căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi có thể tạo ra cú sốc giá dầu. Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ quốc tế đã có nhiều biến động thất thường.

Thị trường tiền tệ quốc tế năm 2012: Dự báo và gợi ý chính sách cho Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, đồng Yên Nhật sau khi tăng giá mạnh trong giai đoạn 2010 - 2011 đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trong năm 2012. Đồng USD biến động thất thường trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao; trong khi đó, đồng EUR lại biến động theo hướng phục hồi trở lại trong 6 tháng cuối năm 2012 sau khi giảm giá trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, với những diễn biến căng thẳng và nhiều thách thức vẫn còn tồn tại trong việc hướng đến một liên minh tiền tệ châu Âu thống nhất và hội nhập hơn, nguy cơ tan rã của đồng EUR vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này vừa đối mặt với khủng hoảng nợ công vừa phải ứng phó với nguy cơ khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, về xu hướng điều chỉnh chính sách, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh các điều kiện kinh tế trong và ngoài nước đều yếu đi và lạm phát thấp.

Đối với Việt Nam, cũng như các nước, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều trong bối cảnh chính sách tài khóa cũng đã bị thu hẹp. Xét trong bối cảnh áp lực lạm phát có thể quay trở lại trong năm 2013 sau những nỗ lực nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong khi cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu hơn, rõ ràng, dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng là hầu như không còn.

Bài viết điểm lại những xu hướng chính trên thị trường tiền tệ quốc tế năm 2012 và dự báo cho năm 2013 - 2014. Trên cơ sở đó, đưa ra một số nhận định về xu hướng điều chỉnh và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

Thị trường tiền tệ quốc tế năm 2012 và dự báo 2013-2014

Đồng USD biến động thất thường, Yên Nhật giảm giá mạnh trong năm 2012

Chỉ số giá đồng USD (1) biến động theo xu hướng tăng giá trong nửa đầu năm 2012, sau đó giảm giá trở lại từ tháng 7/2012 trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu (chỉ đạt 1,3% trong quý II/2012) và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (trên 8%).

Tính chung trong năm 2012 (theo số liệu của Reuters, đăng ngày 31/12/2012), chỉ số giá của đồng USD đã giảm 0,4% trong năm 2012. Đồng USD giảm giá 4,7% so với Bảng Anh và đóng cửa ở mức 1 GBP = 1,6251 USD trong phiên giao dịch ngày 31/12/2012. Đồng USD cũng giảm giá 2,3% so với đồng EUR; 2% so với Đôla Úc; và giảm giá 6,2% so với Đôla Singapore và đóng cửa lần lượt ở các mức 1 EUR = 1,3194 USD; 1 AUD 1 1,0393 USD; 1 USD = 1,221 SGD trong phiên giao dịch ngày 31/12/2012.

Tuy nhiên, đồng USD tăng giá tới 12% so với đồng Yên Nhật trong năm 2012 (mức giá bình quân năm là 1 USD = 79,8 JPV) sau khi giảm giá liên tục với Yên Nhật trong năm 2010 - 2011 với mức giảm lên tới 18% trong 2 năm này. Đồng Yên Nhật cũng giảm giá tới 14,5% so với đồng EUR trong năm 2012 và đạt mức giá bình quân năm 2012 là EUR/JPY = 102,7.

Xu hướng giảm giá này của đồng Yên Nhật trong năm 2012 được ghi nhận sau những nỗ lực của BOJ trong việc bơm tiền vào nền kinh tế trong nửa đầu năm 2012 nhằm ngăn chặn đà tăng giá của Yên Nhật trong hai năm trước đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, đồng Yên Nhật cũng giảm giá trong bối cảnh NHTW nước này muốn thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng tối đa nhằm chống lại giảm phát và đạt được mục tiêu lạm phát 1% trong năm 2012.

Dự báo: Đồng USD được dự báo sẽ phục hồi trở lại so với các đồng tiền chủ chốt trong vòng 1 năm tới, khi gói QE3 (2) của Mỹ có thể giúp nền kinh tế này lấy lại những tín hiệu khả quan về tăng trưởng và việc làm trong năm 2013. Kết quả khảo sát của Reuters thực hiện đối với 62 - 64 tổ chức, ngân hàng, công ty tài chính (12/2012) cho thấy đồng USD sẽ phục hồi trở lại so với Bảng Anh, EUR và Yên Nhật trong vòng 1 năm tới. Theo đó, tỷ giá EUR/USD được dự báo ở mức 1,585 trong vòng 1 năm tới.

Đồng Yên Nhật được dự báo tiếp tục giảm giá trong năm 2013 trong bối cảnh BOJ muốn nâng lạm phát mục tiêu từ 1 % lên 2%. Reuters (12/2012) dự báo đồng Yên Nhật sẽ giảm giá nhẹ so với USD, EUR và GBP trong năm 2013 xuống lần lượt các mức 1 USD = 85 JPY (cao hơn mức giá bình quân 79,8 của năm 20121, 1 EUR = 106,3 JPY (cao hơn mức giá bình quân 102,7 JPY/EUR của năm 2012) và 1 GBP = 134.7 JPY trong vòng 1 năm tới.

Dự báo của các hãng Morgan Stanley, DZ Bank, RBS và Deutsche Bank thậm chí còn cho rằng đồng Yên sẽ giảm giá hơn nữa so với đồng USD trong năm 2013 về mức 90 - 93 JPY/USD vào cuối năm 2013, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2010.

Đồng Euro phục hồi trở lại trong năm 2012, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tan rã

Kể từ khi ra đời, giá trị của đồng EUR so vớĩ USD, GBP và JPY đã không ngừng tăng lên. Tính toán theo số liệu của Reuters cho thấy, đồng EUR đã tăng 19% so với đồng USD trong giai đoạn 13 năm kể từ khi ra đời (tính đến ngày 31/12/2012).

Tuy nhiên, đồng tiền chung này đã giảm giá mạnh kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt khi châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công từ năm 2009. Tính chung trong vòng 4 năm (1/2009 - 12/2012), chỉ số giá EUR (3) đã giảm 11,8%. Đồng Euro giảm giá 3,2% so với USD, giảm 18,3% so với Bảng Anh, giảm 6% so với JPY, giảm 19,3% so với Franc Thụy Sỹ và giảm 24,1% so với Đôla Canada trong giai đoạn 2009 - 2012.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây (2011 - 2012), chỉ số giá đồng EUR giảm 14% so với các đồng tiền chủ chốt. Vai trò và vị thế của đồng tiền chung này cũng suy giảm theo, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng xã hội và thể chế, khiến khu vực đồng EUR phải đối mặt với nguy cơ tan rã. Điều này khiến khả năng tồn tại của đồng EUR cũng được đặt nghi vấn.

Mặc dù vậy, với những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như những bước đi cải cách cần thiết trong khu vực nhằm hướng đến một khối Eurozone là một thực thể kinh tế và chính trị hoàn toàn thống nhất, đồng EUR đã phục hồi trở lại trong 6 tháng cuối năm 2012. Chỉ số giá EUR đã tăng 3,8% trong 6 tháng cuối năm sau khi giảm 1,6% trong 6 tháng đầu năm 2012, khiến chỉ số EUR cả năm tăng lên 2,2%. Tuy nhiên, nguy cơ tan rã của đồng tiền chung này vẫn tiềm ẩn bởi khu vực đồng EUR vẫn phải đôi mặt với những khó khăn và thách thức trong nỗ lực cải cách, xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Trước hết, khu vực này cần những giải pháp hữu hiệu hơn để có thể giải quyết bền vững vấn đề nợ của các nước PIIGS (gồm: Bồ Đào Nha, Italia, Ailen, Hy Lạp và Tây Ban Nha). Mặt khác, Hiệp ước Maatstrict thiết lập một đồng tiền chung dựa trên liên minh tiền tệ và các quy tắc ngăn chặn tình trạng mất cân bằng ở khu vực công, trong khi chưa tính đến các quy tắc điều chỉnh đối với các thể chế tài chính ngân hàng của khu vực cũng như biến động trên thị trường tiền tệ. Khả năng thanh khoản và định mức tín nhiệm của các ngân hàng trong khu vực giảm sút, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng tăng lên. Hơn nữa, để vượt qua khủng hoảng, khu vực này cần điều chỉnh được tình trạng mất cân bằng trong một thập kỷ qua để hướng đến cải cách tài chính bền vững hơn, lấy lại niềm tin của các thị trường tài chính.

Nếu không vượt qua được những thách thức trên, khu vực đồng Euro và đồng tiền chung của khu vực có thể sẽ phải đối mặt với sự tan rã trong những năm tới. Và theo như nhận định của ông Joseph Stiglitz - kinh tế gia đoạt giải Nobel: “Các chuyên gia kinh tế sẽ không còn phải thảo luận câu hỏi liệu đồng Euro có sụp đổ hay không nữa, mà là khi nào và bao giờ điều đó sẽ xảy ra". Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công vẫn còn có thể lan rộng và gây hậu quả nghiêm trọng, hầu hết các dự báo đều cho rằng đồng Euro sẽ tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt trong năm 2013.

Dự báo: Kết quả khảo sát của Reuters (12/2012) cho thấy đồng Euro sẽ yếu đi so với Đôla Mỹ trong vòng 1 năm tới, mặc dù sẽ phục hồi nhẹ so với Bảng Anh và Yên Nhật. Tỷ giá EUR/USD sẽ giảm xuống mức 1,250 trong vòng 12 tháng tới. Dự báo của các tổ chức, tập đoàn tài chính gồm Barclays Capital, UBS, Nomura, Scotiabank và Standard Charters (tháng 12/2012) cho thấy triển vọng bi quan hơn của đồng EUR trong vòng 1 năm tới. Theo đó, tỷ giá EUR/USD có thể giảm xuống mức 1,15 - 1,60 vào cuối năm 2013.

Chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng ở nhiều nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng (giảm lãi suất, hạ dự trữ bắt buộc và tiếp tục áp dụng các gói nới lỏng định lượng)

NHTW các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh các điều kiện kinh tế trong và ngoài nước đều yếu đi và lạm phát thấp. Nhìn chung, với dư địa chính sách tiền tệ rộng lớn hơn, các nước mới nổi và đang phát triển có xu hướng nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm lãi suất và hạ dự trữ bắt buộc (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Philippines, Indonesia, Nam Phi, Hungary, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan), trong khi các nền kinh tế phát triển thực thi chính sách tiền tệ mở rộng thông qua các gói nới lỏng định lượng và các mức lãi suất chính sách thấp (hoặc tiếp tục giảm lãi suất nếu còn dư địa) (Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Khu vực đồng EUR, Thụy Điển, Úc). Cụ thể tại một số nước và khu vực:

Tại Mỹ: FED tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0 - 0,25% từ tháng 12/2008 và cam kết sẽ duy trì cho đến giữa năm 2015 nhằm hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi các điều kiện kinh tế Mỹ vốn đang xấu đi trong năm 2012. Ngoài ra, để cải thiện kinh tế và hỗ trợ thị trường việc làm, ngày 13/9, FED đã công bố áp dụng gói nới lỏng định lượng QE3 với việc mua vào chứng khoán thế chấp với quy mô 40 tỷ USD/tháng cho đến khi thị trường việc làm cải thiện (4).

Tại châu Âu: Tăng trưởng kinh tế trì trệ đã buộc NHTW một số nền kinh tế (Khu vực đồng EUR, Thụy Điển, Na Uy) điều chỉnh giảm lãi suất chính sách trong năm 2012. NHTW châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 1% xuống còn 0,75% (ngày 5/7) trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu bắt đầu rơi vào suy thoái với mức tăng trưởng 0% trong quý I và -0,2% trong quý II/2012

NHTW Thụy Điển cũng 2 lần cắt giảm lãi suất và NHTW Na Uy cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm 2012, đưa lãi suất chính sách các nước này lần lượt xuống còn 1,25% và 1,5%. Tại các nước khác trong khu vực, các NHTW vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bằng việc giữ nguyên các mức lãi suất thấp trong bối cảnh tăng trưởng vẫn thấp, lạm phát đang được kiểm soát tốt và cuộc khủng hoảng nợ công lây lan có thể khiến khu vực đồng EUR rơi vào suy thoái (Anh, Canada…).

Tại Nhật: NHTW Nhật vẫn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục từ 0 - 0,25% trong năm 2012, đồng thời đưa ra mức lạm phát mục tiêu 1% cho năm 2012. Ngoài ra, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, BOJ đã mở rộng chương trình cho vay lãi suất thấp từ mức 3.500 tỷ Yên lên 5.500 tỷ Yên (ngày 13/3/2012) (5).

Tại Trung Quốc: Chính sách tiền tệ Trung Quốc tiếp tục hướng ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng khi NHTW nước này (PBoC) thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Cụ thể: (i) 2 lần cắt giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi xuống lần lượt còn 6%/năm và 3%/năm từ ngày 5/7; (ii) 2 lần hạ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước, xuống còn 20% từ ngày 12/5; (iii) giảm 2 điểm phần trăm (2%) tỷ lệ dự trữ bắt buộc của 379 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp so với các NHTM khác từ ngày 25/3 (6); (iv) cho phép các NHTM được phép ấn định mức lãi suất tiền gửi cao đến mức 110% lãi suất cơ bản của PBoC; (v) nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá NDT lên ±1 % từ ngày 16/4.

Tại các nước mới nổi khác (Philippines, Indonesia, Brazil, Ấn Độ...): Trong khi NHTW Brazil (4 lần); Philippines (2 lần); Indonesia (1 lần) và Nam Phi (1 lần) giảm lãi suất chính sách thì Ấn Độ kết hợp vừa hạ lãi suất (1 lần) vừa hạ dự trữ bắt buộc (2 lần) nhằm kích thích kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.

Dự báo: Chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng yếu ở nhiều nền kinh tế phát triển trong khi có thể sẽ phải tạm dừng ở một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trước nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại. Theo dự báo của Reuters, ECB có thể tiếp tục hạ lãi suất từ 0,75% xuống còn 0,5% vào quý II/2013 nếu rủi ro tiếp tục tăng lên đối với tăng truởng của khu vực này. Lãi suất FED được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục hiện tại cho đến giữa năm 2014, trong bối cảnh phục hồi kinh tế còn yếu kém và nhiều rủi ro. NHTW (BOJ) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp hiện tại và có thể sẽ thực hiện các hỗ trợ thanh khoản dưới hình thức mua tài sản tư nhân. Trong khi đó, các nước mới nổi mặc dù phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng nhưng áp lực lạm phát có thể quay trở lại trong hai năm tới. Do đó, NHTW các nước mới nổi sẽ khó có thể giảm tiếp lãi suất và dự trữ bắt buộc, mà phải buộc duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ trong năm 2013 - 2014.

Nhận định về xu hướng điều chỉnh và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Nhìn chung, hiện nay, sau những nỗ lực nới lỏng tiền tệ trong năm 2012, NHTW các nước đang phải đối mặt với thách thức lớn do không gian chính sách tiền tệ của các NHTW bị hạn chế. Sau hàng loạt các can thiệp nhằm hỗ trợ tăng trưởng ở các nền kinh tế với các công cụ truyền thống (giảm lãi suất, dự trữ bắt buộc) và công cụ phi truyền thống (nới lỏng định lượng), các NHTW (đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển) đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị hạn chế trong khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Nguyên nhân là lãi suất của các NHTW các nền kinh tế lớn hiện đã ở các mức thấp trong lịch sử (tiêu biểu: Nhật, Mỹ và Khu vực đồng EUR) trong khi bảng cân đối kế toán của các NHTW đang ngày càng "phình to" do việc mua vào các trái phiếu, bơm tiền ồ ạt vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát vẫn có thể quay trở lại ở các nước mới nổi và đang phát triển sau một năm nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ. Chính vì vậy, thách thức lớn hơn đối với các NHTW trong năm 2013 là điều hành chính sách tiền tệ sao cho vừa hướng đến mục tiêu duy trì kỳ vọng lạm phát ở mức thấp trong khi vẫn đảm bảo ổn định tài chính.

Điều này đòi hỏi các nước cần tiếp tục duy trì các điều khoản hỗ trợ thanh khoản cần thiết được duy trì trong bối cảnh cầu trong nước và ngoài nước đều yếu, trong khi vẫn phải đảm bảo kiểm soát được những rủi ro có thể phát sinh trong thời kỳ lãi suất thấp và mở rộng tín dụng. Theo IMF (10/2012), yêu cầu chính sách tiền tệ sẽ khác nhau đối với các nền kinh tế. Cụ thể:

 Đối với nhiều nước phát triển: không gian chính sách tiền tệ sẽ được nới rộng hơn nếu kỳ vọng lạm phát được neo tốt. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách nên khuyến khích thực hiện các chương trình hỗ trợ thanh khoản và tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng, chẳng hạn như: chương trình cung cấp tín dụng (FLS) của NHTW Anh nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp (công bố trong tháng 7/2012) (7)

Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển: Với những nước có không gian tài khóa ít hơn, IMF khuyến nghị nên tiếp tục nới lỏng tiền tệ với điều kiện cần có các biện pháp thận trọng vĩ mô đi kèm nhằm giữ cho tăng trưởng tín dụng ở mức có thể kiểm soát được, ngăn ngừa khả năng bong bóng tín dụng (chẳng hạn: trong bất động sản) có thể quay trở lại.

Đối với Việt Nam, cũng như các nước, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều trong bối cảnh chính sách tài khóa cũng đã bị thu hẹp. Các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu đã được điều chỉnh giảm 6 điểm phân trăm trong năm 2012, từ mức tương ứng 15%/năm và 13%/năm tại thời điểm tháng 1/2012 xuống còn 9%/năm và 7%/năm trong tháng 12/2012. Trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm (cuối kỳ) cùng đã được điều chỉnh giảm dần từ mức 14%/năm vào đầu năm xuống còn 8%/năm vào tháng 12/2012. Mặt bằng lãi suất cho vay do đó đã giảm mạnh về mức lãi suất bình quân khoảng 11,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 16,2%/năm đối với các khoản vay dài hạn (so với mức bình quân tương ứng 17%/năm và 18,5%/năm vào đầu năm 2012).

Chính sách tiền tệ nới lỏng được NHNN thực hiện trong năm 2012 nhằm mục đích hỗ trợ tích cực cho mở rộng tín dụng và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/12/2012, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp với mức dư nợ ước tăng chỉ 6,45% so với cuối năm 2011 (thấp hơn mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 8 - 10% của NHNN đặt ra cho năm 2012). Trong khi đó, khả năng mở rộng tín dụng sẽ tiếp tục rất khó khăn do cầu hàng hóa trong và ngoài nước đều thấp, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn và nợ quá hạn cao.

Tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) cuối năm 2012 tăng khoảng 20% so với cuối năm 2011, đạt mức tăng trưởng hợp lý khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 6,81 % (dưới mức mục tiêu 8%) và tăng trường kinh tế giảm xuống 5,03% trong năm 2012. Tỷ giá USD/VND và thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong năm 2012. Tính toán theo số liệu của Reuters cho thấy, đồng VND biến động nhẹ theo hướng tăng giá khoảng gần 1% so với đồng USD trên thị trường chính thức và tăng giá khoảng 0,7% với đồng USD trên thị trường tự do. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức ổn định 20.828 USD/VND với biên độ dao động ±1%. Tuy nhiên, xét về dài hạn, áp lực giảm giá đồng VND vẫn tồn tại trong bối cảnh lạm phát có thể tăng trở lại trong năm 2013 và việc cải thiện niềm tin thị trường vẫn sẽ tiếp tục là một thách thức không nhỏ trong dài hạn.

Như vậy, xét trong bối cảnh áp lực lạm phát có thể quay trở lại trong năm 2013 sau những nỗ lực nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của NHNN, trong khi cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu hơn, rõ ràng dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng là hầu như không còn. Chính vì vậy, về mặt định hướng và chính sách, Việt Nam cần xem xét các vấn đề sau:

Một là, khơi thông nguồn vốn tín dụng nên là một nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2013 nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% mặc dù đây sẻ là nhiệm vụ khó khăn và nhiều thử thách trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị hạn chế. Cần khẳng định rằng tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với chất lượng và hiệu quả. Do đó, nguồn vốn tín dụng nên hướng đến tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng phải tiếp tục tái cơ cấu, tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với mức giá hợp lý.

Hai là, theo khuyến nghị của ADB (10/2012), để cải thiện niềm tin thị trường, Chính phủ cần có cam kết rỏ ràng hơn về việc thực hiện lộ trình cải cách và tái cấu trúc. Trong đó, việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của Chính phủ.

Ba là, xây dựng lộ trình cụ thể phục vụ cho việc triển khai tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, gắn với việc xử lý nợ xấu. Nhiều tổ chức quốc tế (IMF, ADB) coi đây là vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam và cho rằng cần ưu tiên xử lý trong năm 2013.

Bốn là, tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh.

Năm là, bên cạnh các điều chỉnh chính sách tiền tệ trên, cần tăng cường các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy cầu nội địa, xúc tiến thương mại và phát triển tiêu dùng trong nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh cầu từ các nền kinh tế lớn suy giảm.

_________________

(1) Chỉ số giá USD đo lường sự biến động của đồng USD so với một rổ tiền tệ gồm 6 loại: EUR, JPY, GBP, CAD, CHF, SEK.

(2) Gói kích thích kinh tế QE3 được FEĐ công bố ngày 13/9 với giá trị không giới hạn.Theo đó, FED dự kiến mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng cho đến khi thi trường lao động Mỹ được cải thiện một cách bền vững.

(3) Chỉ số giá EUR đo lường sự biến động của đồng EUR so với một rổ tiền tệ gồm 6 loại  USD, JPY, GBP, CAD, CHF, SEK.

(4)  Mặc dù vậy, theo kết quả khảo của Wall Street Journal đối với 47 chuyên gia kinh tế, một chương trình mua trái phiếu trị giá 500 tỷ USD chỉ có thể giúp tăng khoảng 2% trong GDP và giảm được 0,1% tỷ lệ thất nghiệp.

(5) Hơn nữa, theo kế hoạch này, BOJ sẽ cung cấp một số thỏa thuận cho vay bao góm cả việc sử dụng tới quỹ dự trữ ngoại tệ cho các khoản đầu tư và tín dụng bằng ngoại tệ.

(6) Áp dụng ở 4 tỉnh, gồm: Hắc Long Giang, Hà Nam, Hà Bắc và An Huy. So với các ngân hàng thương mại khác kể từ ngày 25/3/2012.

(7) Các yêu cầu chính sách cụ thể cho cả nền kinh tế chủ chốt được đặt ra như sau (i) FED có thể tiếp tục duy trì việc thưc hiện các can thiệp ngoài thông lệ trong thời gian qua nếu cuộc cải cách trên thị trường nhà đất và việc giảm nợ có thế chấp cho các hộ gia đình có kết quả; (ii) ECB có thể có các điểu chỉnh mạnh mẽ hơn nhằm duy trì lãi suất chính sách thấp hoặc tiếp tục cắt giảm lãi suất; (iii) BOJ cũng có thể nới lỏng tiền tệ hơn nữa bằng cách mua vào trái phiếu Chính phủ Nhật với kỳ hạn thanh toán dài hơn, cũng như chọn lọc mua vào các giấy tờ có giá của khu vực tư nhân.

(8) Trong năm 2013, mức lạm phát bình quân năm của Việt Nam theo dự báo của IMF là 8,1% và ADB là 9,1%. Trong khi đó, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện đã giảm xuống 8% (kể từ ngày 24/12/2012). Như vậy, khả năng tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2013 là khó xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

1. ADB - Asian Development Outlook 2012 Update (10/2012)

2. IMF (2012). World Economic Outlook. Oct 2012.

3. IMF (2012) Global Financial Stability Report. Oct 2012.

4. http://www.sbv.gov.vn

5. http://portal.hpd.global.reyters.com/auth/login.aspx

6. http://www.imf.org/external/data.htm (IMF Database)

7. http://www.fxstreet.com

8.http://forecasts.org

9. http://www.bloomberg.com

10. http://online.wsj.com