Khi các ngân hàng thương mại dư thừa tiền

Tình trạng dư thừa vốn đang rất rõ tại các NHTM, được biểu hiện qua diễn biến trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất trên thị trường này liên tục giảm và duy trì ở mức thấp, giao dịch ảm đạm và ít NHTM có nhu cầu đi vay qua đêm.

Tính đến đầu tháng 03/2013, lãi suất các kỳ hạn ngắn qua đêm cho đến 1 tuần dao động trong khoảng 2,5%-3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng dao động quanh mức 5%/năm. Có những thời điểm lãi suất qua đêm giảm xuống dưới mức 2%/năm và nguồn chào ra là khá dồi dào. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải giảm lượng cho vay trên thị trường mở đồng thời tiếp tục phát hành tín phiếu để tránh tình trạng vốn ứ đọng quá nhiều trên thị trường liên ngân hàng.

Tính đến ngày 28/02/2013, dư nợ trên thị trường mở của các NHTM chỉ còn ở mức 95 tỷ đồng, giảm rất mạnh từ mức hơn 51 nghìn tỷ đồng vào thời điểm ngày 07/02/2013. Trong khi đó, tổng lượng tín phiếu phát hành ra tính cho đến thời điểm ngày 28/02/2013 đã đạt tới con số hơn 273 nghìn tỷ đồng, lượng chưa đáo hạn còn lưu hành trên thị trường đạt giá trị hơn 107 nghìn tỷ đồng.

Thị trường tiền tệ và xu hướng lãi suất: Những động thái đáng quan tâm  - Ảnh 1

Trên thị trường huy động, các NHTM cũng không còn chạy đua lãi suất mà các sản phẩm huy động được thiết kế chủ yếu để quảng bá hình ảnh thu hút dòng vốn trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết Nguyên đán.

Các hình thức ưu đãi, khuyến mại cũng không còn tập trung tặng tiền mà chủ yếu tập trung vào tặng phẩm kích cầu tiêu dùng. Theo báo cáo về hoạt động ngân hàng tuần từ 18 - 23/2/2012 của NHNN, lãi suất huy động của các NHTM là khá ổn định.

Một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi dưới 1 năm về mức 7-7,5%, giảm lãi suất tiền gửi trung dài hạn xuống 10,5%/năm từ mức 11-12%/năm trước đây. Hiện tượng vượt trần lãi suất không còn phổ biến và các NHTM yếu kém thanh khoản đã được sắp xếp tái cơ cấu và sáp nhập.

Đầu ra của vốn tín dụng tiếp tục khó khăn

Kinh tế tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp (DN) không có nhiều nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến cho nhu cầu vay vốn trong những tháng đầu năm 2013 thực sự thấp.

Tính đến ngày 21/3/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,31% so với cuối tháng trước, riêng tín dụng VND tăng 0,69%. Con số này khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2013, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.

Thị trường tiền tệ và xu hướng lãi suất: Những động thái đáng quan tâm  - Ảnh 2

Về mặt tăng trưởng, theo HSBC, chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam trong tháng 2/2013 đạt mức 48,3 điểm, thấp hơn mức 50,1 của tháng 1/2013 và thấp hơn cả mức 49,3 điểm của tháng 12/2012. Đây là con số đã điều chỉnh các yếu tố mùa vụ bao gồm cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, do vậy chỉ số này báo hiệu sự tụt dốc của nền kinh tế. Con số 48,3 thấp hơn mức 50 và cũng đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2012.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thì doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tính chung hai tháng đầu năm 2013 ước tính đạt 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 3,6%. Mức tăng này là rất thấp so với các năm trước, đặc biệt khi hai tháng đầu năm có dịp Tết Nguyên đán (năm 2012 là 22% và 4,4%, năm 2011 là 23,7% và 10,2%). Đây là dấu hiệu phản ánh sức mua của người tiêu dùng yếu và cho thấy các DN sẽ khó lòng mở rộng sản xuất. Với tình hình như vậy, nhu cầu vay vốn của các DN sẽ vẫn ở mức thấp.

Đó là chưa kể đến việc, các DN sẽ khó khăn trong tiếp cận vốn do không có tài sản thế chấp đủ chất lượng để vay vốn. Tài sản đảm bảo quen thuộc như bất động sản và hàng tồn kho hiện không thực sự có sức hút đối với các NHTM. Tình trạng trên đã đẩy nhiều NHTM hoạt động mạnh mẽ hơn trên thị trường trái phiếu.

Trong hai tháng đầu năm 2013, các NHTM vẫn đang phải lựa chọn trái phiếu để tăng trưởng tài sản và tìm kiếm lợi nhuận. Tỷ lệ gọi thầu thành công của trái phiếu Kho bạc Nhà nước luôn ở mức 100% đối với các kỳ hạn ngắn 2-3 năm, và tỷ lệ đăng ký trên khối lượng gọi thầu đối với trái phiếu ở các kỳ hạn này cũng luôn trên 200% cho thấy thực trạng dư thừa vốn của các NHTM.

Tuy nhiên, với mức lãi suất khoảng trên 8% của trái phiếu và xu hướng giảm dần còn tiếp diễn trong năm 2013 thì sẽ rất khó cho các NHTM có thể tiếp tục mua trái phiếu do chi phí đầu vào của vốn huy động tính bình quân sẽ vượt qua lãi suất của trái phiếu.

Hạ lãi suất cho vay, cùng DN gỡ khó…

Ngày 25/3/2013, NHNN đã ban hành Quyết định số 643/QĐ-NHNN về việc giảm các mức lãi suất chủ chốt thêm 1%; ban hành Thông tư số 08/2013/ TT-NHNN giảm 0,5% trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng (8%/năm xuống 7,5%/năm), lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ do các tổ chức tín dụng tự ấn định trên cơ sở cung cầu vốn trên thị trường.

NHNN cũng ban hành Thông tư số 09/TT-NHNN giảm 1% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 11%/năm. Đây là bước tiếp theo trong gói giải pháp tổng thể, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh CPI tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng 2, trong khi nhu cầu tiêu dùng yếu, hàng tồn kho còn nhiều và DN chưa thoát khỏi khó khăn.

Các NHTM và DN chắc chắn sẽ phải chia sẻ khó khăn với nhau. Khi tình hình kinh tế chưa có sự chuyển mình rõ rệt, thì việc đòi hỏi các DN trả được nợ là điều không tưởng. Chính vì vậy, xu hướng cơ cấu lại các khoản nợ là việc cần phải làm, thực tế giảm được 2% nợ xấu từ cơ cấu lại các khoản nợ đã chứng minh được tính hiệu quả của phương án cùng chia sẻ khó khăn. Các NHTM cần cơ cấu lại các khoản nợ bằng lãi suất thấp hơn cho các DN đang vay vốn, tạo điều kiện giúp DN trả được nợ. NHTM chấp nhận lãi suất thấp hơn để đổi lấy việc giảm bớt chi phí dự phòng cho nợ xấu và giải phóng bớt lượng vốn nhàn rỗi không có đầu ra.

Đối với những DN muốn có nhu cầu vay thêm vốn để sản xuất kinh doanh, các NHTM cũng cần hạ bớt điều kiện cho vay và lãi suất cho vay; Thực hiện thẩm định phương án dựa trên tính hiệu quả của phương án và sử dụng dòng tiền làm tài sản đảm bảo để tạo điều kiện giúp DN vay vốn, đối với các phương án kinh doanh có hiệu quả thì cần có lãi suất ưu đãi phù hợp. Việc sử dụng các gói cho vay lãi suất thấp với điều kiện đi kèm dành cho một nhóm đối tượng khách hàng nên được các NHTM sử dụng nhiều hơn trong thời gian tới.

Thời gian tới, các NHTM sẽ buộc phải quay lại kênh cho vay truyền thống để giải phóng lượng vốn nhàn rỗi. Các NHTM tìm cách nâng cao chất lượng tín dụng để cho vay, đồng thời sử dụng công cụ lãi suất cho vay để cạnh tranh cho vay với các khách hàng tốt. Do vậy, giảm lãi suất cho vay sẽ là xu hướng tất yếu.

Tín hiệu khả quan là thị trường tài chính đã có dấu hiệu khởi sắc, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, an toàn và đang có xu hướng phát triển bền vững. Với dấu hiệu tích cực này, cộng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn cho DN, hy vọng từ quý II/2013, tín dụng sẽ tăng trở lại, góp phần tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm nay.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Thị trường tiền tệ và xu hướng lãi suất: Những động thái đáng quan tâm

ThS. Nguyễn Tùng Lâm

(Tài chính) Trước tình trạng chênh lệch giữa cung vốn dồi dào của các ngân hàng thương mại (NHTM) và cầu vốn khá yếu từ phía các doanh nghiệp, dự báo lãi suất cho vay sẽ được các NHTM chủ động điều chỉnh để phù hợp với thị trường.

Xem thêm

Video nổi bật