Thị trường truyền hình trả tiền: Thực tiễn quốc tế và liên hệ tới Việt Nam

ThS. Lương Quốc Huy - Đài Truyền hình SCTV

Triển vọng phát triển thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là rất lớn. Trong tổng số 20 triệu thuê bao truyền hình, Việt Nam mới chỉ đạt 3,7 triệu thuê bao trả tiền, chiếm 13,5%. So với tỷ lệ của các nước châu Á là từ 40 - 60% thì tỷ lệ này tương đối thấp. Do đó, khoảng trống thị trường còn rộng và tỷ lệ này dự báo tăng trưởng lên 20 - 25% vào năm 2025. Liên hệ thực trạng truyền hình trả tiền trên thế giới và trong nước, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hiệu quả thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Hình thức truyền hình trả tiền bắt đầu xuất hiện tại Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1948 với hệ thống truyền hình cáp - vi ba kết hợp. Từ đó đến nay đã phát triển nhiều loại hình như truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình internet. Tính đến quý II/2017, truyền hình trả tiền toàn cầu đã đạt tới mức 1,05 tỷ thuê bao đăng ký, trong đó tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, mức tăng trưởng đạt 8%, là mức cao nhất trong tất cả các thị trường.

Tình hình phát triển truyền hình trả tiền trên thế giới

Theo Báo cáo của Grandviewresearch và Dataxis, quy mô thị trường truyền hình trả tiền (Pay TV) đã đạt 210,99 tỷ USD doanh thu vào năm 2016 và 1,05 tỷ thuê bao, trong đó, riêng năm 2016 đã tăng lên 60 triệu thuê bao và đến quý II/2017 đạt mốc 1,05 tỷ thuê bao.

 Các số liệu thống kê cho thấy, sự tăng trưởng của truyền hình qua giao thức internet (Internet protocol televison - IPTV và Over the top - OTT) đang trên đà đi lên, với mức tăng trưởng nổi bật là 24% và 44%, mặc dù sự tham gia của 2 giao thức này chỉ đem lại 1% tổng thu nhập từ truyền hình trả tiền (Hình 1).

Thị trường truyền hình trả tiền: Thực tiễn quốc tế và liên hệ tới Việt Nam - Ảnh 1

Tuy nhiên, có thể thấy thị trường truyền hình cáp đang tăng trưởng âm khi truyền hình số vệ tinh (DTH) và truyền hình số mặt đất (DTT) trở nên ngày càng trì trệ. Các nhà cung cấp dịch vụ hiện tại tập trung vào việc cung cấp các nội dung có độ phân giải cao (HD) nhằm tìm kiếm lợi thế cạnh tranh trong Ngành.

Việc chuyển đổi thuê bao sang dịch vụ OTT đã được coi là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia nơi có internet tốc độ cao với mức giá phải chăng. Một số lý do khác dẫn tới sự thay đổi này bao gồm tăng chi phí lập trình cho truyền hình trả tiền truyền thống, giảm khả năng chi trả đa kênh và các giao dịch hấp dẫn được cung cấp với việc bán các thiết bị OTT như Chromecast và Amazon Fire TV. 

Cũng theo báo cáo của Dataxis, tính đến quý II/2017, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tăng trưởng nhanh chóng nhất, đạt 8% so với quý trước, trong đó nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt 48% tổng số thuê bao trả tiền trên tổng số thuê bao toàn cầu trong quý II/2017. Trong khi đó, thị trường Bắc Mỹ có mức tăng trưởng âm và tất cả các khu vực khác giao động khoảng 1% - 4% (tính đến giữa quý II/2016 và quý II/2017). Thống kê trên hứa hẹn về một sự phát triển bùng nổ loại hình truyền hình trả tiền ở các nước châu Á- Thái Bình Dương, đi cùng với nó sẽ là những cuộc chiến khốc liệt giữa các DN, các đại gia truyền hình.   

Tình hình phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam

Tính đến hết năm 2016, số thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 12,5 triệu thuê bao. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng, trong đó, riêng SCTV đạt doanh thu 3.420 tỷ đồng.

Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến nay đã có 15 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam được cấp giấy phép, trong khi con số này tính đến cuối năm 2016 là 30 DN, như vậy trong vòng nửa năm, số DN tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền đã giảm 1 nửa. Bên cạnh những gương mặt “lão làng” trong lĩnh vực truyền hình như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+, thị trường truyền hình trả tiền cũng đã xuất hiện một gương mặt mới, đó là Công ty Vietnamnet Icom (tên viết tắt ICOM), được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép (Giấy phép số 194/GP-BTTTT) cung cấp dịch vụ truyền hình internet trả tiền trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 10/3/2017.

Để có thể tham gia vào thị trường này hiệu quả, các DN cần phải bố trí nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng bộ phận marketing, mua bản quyền, khấu hao… Điều này khiến cho lợi nhuận từ cạnh tranh trong thị trường không cao. Cuộc cạnh tranh về giá cũng khiến các thuê bao nhảy mạng, hoặc bỏ mạng để đăng ký sang dịch vụ mạng khác, khiến cho việc kinh doanh của các DN ngày càng trở nên khó khăn.

Theo Asia Plus, người trẻ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để xem các video online như Youtube, Zing TV, Nhaccuatui.com… Thống kê cho thấy, có tới 45% người trả lời khảo sát cho biết, họ xem ti vi ít hơn cách đây một năm. Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam dành ra đến 134 phút để lướt internet trên máy tính, 103 phút lướt web trên di động và chỉ dành 91 phút để xem ti vi.

Một báo cáo khác của Nielsen vào năm 2016 cho thấy, Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến, mỗi tuần với 92% người được hỏi nói rằng, họ xem video trực tuyến hàng tuần. Điện thoại thông minh và máy tính bảng đang là hai thiết bị được sử dụng nhiều nhất để xem video trực tuyến.

Những thể loại yêu thích của người Việt luôn là các nội dung như: phim ảnh, ca nhạc, phim truyền hình nước ngoài đến tin tức thời sự. Tính đa dạng, sinh động và hấp dẫn của các video trực tuyến là một điểm mạnh mà các mạnh xã hội mang lại khiến cho người dùng ngày càng gắn kết.

Rõ ràng, để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình trong nước cần phải sáng tạo hơn về mặt nội dụng, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ. Một số đài như: K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Mức phí của gói tivi trực tuyến này cũng gần tương đương với các gói dịch vụ truyền hình truyền thống mà các đài này cung cấp…

Một thách thức khác cho các đài còn đến từ tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan – một đặc trưng của thị trường Việt Nam mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Mới đây, giải bóng đá hàng đầu châu Âu là Champions League (C1) chính thức dừng phát sóng tại Việt Nam, vì chưa xử lý dứt điểm vấn đề bản quyền. Chưa rõ điều này chắc chắn gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VTV Cab – đơn vị độc quyền sở hữu bản quyền phát sóng Champion Leagues, bởi Cúp C1 châu Âu là chương trình thu hút lượng lớn người xem trong nhiều năm qua.

Để phát triển thị trường truyền hình trả tiền trong nước

Từ thực tế phát triển thị trường truyền hình trả tiền trong nước và quốc tế, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, các DN cung cấp dịch vụ lớn luôn thực hiện việc xây dựng nội dung chương trình chuyên nghiệp và xác định rõ đối tượng khách hàng nhằm quy hoạch và đưa ra những chiến lược cụ thể cho từng nhóm khách hàng khác nhau.

Thứ hai, Chính phủ các nước quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cũng có cơ chế chính sách khuyến khích triển khai công nghệ mới. 

Thứ ba, các DN cần cân đối các phương thức xem truyền hình trả tiền phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - kỹ thuật thực tế của đất nước.

Thứ tư, tại các nước phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền tách biệt rõ ràng hai hình thức truyền hình công và truyền hình thu phí. Mở cửa thị trường truyền hình trả tiền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các nhà khai thác dịch vụ.

Để có thể chọn lọc, linh hoạt ứng dụng những bài học kinh nghiệm trên, đồng thời, giúp thị trường truyền hình trả tiền phát triển hiệu quả tại Việt Nam, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số nội dung sau:

- Đối với các DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo nâng cấp cơ sở mạng cũ; xây dựng chuẩn hệ thống cho dịch vụ mới, đầu tư nâng cấp hệ thống phát, băng thông dịch vụ. Đồng thời, liên kết hợp tác với các tổ chức truyền hình quốc tế; chủ động tham gia các hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trong các sản phẩm của các nhà đài.

Các đài truyền hình trong nước cần phải sáng tạo hơn về mặt nội dụng, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ, điều này có thể thực hiền bằng cách chú trọng đến việc nghiên cứu thị trường và tâm lý khách hàng hơn.

Bên cạnh đó, các DN cần đẩy mạnh các hoạt động marketing dịch vụ truyền hình trả tiền, như tạo ra các nhóm sản phẩm linh hoạt, các gói cước với mức giá phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng; Có thể thay đổi hoặc bổ sung cách thức thanh toán, phân phối sản phẩm tới tay khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng mua và sử dụng sản phẩm.

Các DN cần xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên viên tư vấn, quản trị điều hành nghiệp vụ theo hướng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, cần quan tâm đến chất lượng nguồn lao động hiện tại và có kế hoạch phát triển, vấn đề tổ chức quản lý nguồn lao động cũng cần được chú trọng hơn nữa, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lao động của DN.

- Đối với Nhà nước: Thị trường truyền hình trả tiền phát triển thành công ở Việt Nam không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, là một giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng hoặc không thu được tín hiệu truyền hình vô tuyến của nhiều hộ dân Việt Nam. Sự phát triển của thị trường truyền hình trả tiền đem lại lợi ích to lớn cho người dân và Nhà nước, do vậy, để thị trường này phát triển hơn nữa, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng, hoàn thiện chính sách thích hợp để quản lý tần số, quản lý truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình, Luật Phát thanh truyền hình. Mặc dù môi trường pháp lý của Việt Nam về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng đã được công khai, tuy nhiên, vấn đề thực thi vẫn còn là một bài toán đối với các nhà hành pháp. Bởi vậy, cần có chế tài phù hợp để quản lý việc vi phạm bản quyền trên thị trường, bảo vệ các DN cung cấp dịch vụ.

Hai là, xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng thiết bị và dịch vụ dành riêng cho truyền hình trả tiền. Quy hoạch về tần số, chỉ tiêu kỹ thuật cho các thiết bị thu phát sóng, chất lượng dịch vụ truyền dẫn.

Ba là, ban hành các quy chế quản lý về đầu tư và khai thác truyền hình trả tiền trên cả nước. Song song với đó, tạo môi trường thuận lợi cho các DN, tăng cường tính tự chủ, từng bước nới lỏng các quy định mang tính chất hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền.

Thị trường truyền hình trả tiền là một thị trường hấp dẫn và đem lại lợi nhuận lớn cho các DN tham gia vào lĩnh vực này. Ở các nước trên thế giới việc hưởng lợi từ môi trường cạnh tranh công bằng và chính sách mở đã tạo điều kiện thuận lợi để thị trường truyền hình trả tiền phát triển. Tuy nhiên, trong khi hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, trước mắt, các nhà cung cấp dịch vụ cần tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng và trong tương lai gần, các chính sách về hoạt động này cần sớm được kiện toàn.    

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trường Giang (2013), Phát triển thị trường cáp trả tiền tại Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn 2020;

2. doanhnhanonline.com.vn, Khốc liệt cuộc đua truyền hình trả tiền, tại đường dẫn: http://doanhnhanonline.com.vn/khoc-liet-cuoc-dua-truyen-hinh-tra-tien/;

3. soha.vn, Truyền hình trả tiền “đau đầu” chuyện thuê bao rời mạng http://soha.vn/truyen-hinh-tra-tien-dau-dau-chuyen-thue-bao-roi-mang-20170208134642593.htm;

4. Broadband TV News, Global pay tv subscriber reach 1.05 billions in Q2 2017, tại đường dẫn: https://www.broadbandtvnews.com/2017/09/26/global-pay-tv-subscriber-reached-1-05-billion-in-q2-2017/.