Thị trường vàng: Chờ động lực mới

Theo baocongthuong.com.vn

Sau một thời gian dài sụt giảm và luôn thấp hơn giá thế giới, thị trường vàng trong nước hai ngày qua đã có sóng lớn khi tăng khoảng 1,6 triệu đồng/lượng rồi cũng bất ngờ giảm tới cả triệu đồng/lượng. Vấn đề thành lập sàn giao dịch vàng vật chất và cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng một lần nữa lại được xới xáo.

Từ đầu tháng 11 đến nay giá vàng đã bật tăng mạnh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Từ đầu tháng 11 đến nay giá vàng đã bật tăng mạnh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không hứng thú đầu tư vàng

Tháng 9 vừa qua chứng kiến sự sụt giảm mạnh của thị trường vàng, có lúc xuống 35 triệu đồng/lượng. Bước sang tháng 10, tình hình thị trường cũng không có nhiều đột biến khi mức giá chỉ trên dưới 36 triệu đồng/lượng, các giao dịch mua - bán cũng không sôi động.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, nương theo thị trường vàng thế giới, giá vàng đã bật tăng mạnh mà đỉnh điểm là ngày 3/11 tăng khoảng 1,6 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó, lên trên 37 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ tháng 7 đến nay. Thế nhưng cơn sóng này cũng không giữ được lâu, chỉ vài tiếng sau, vàng mất ngay 1 triệu đồng/lượng, nhanh như lúc nó bùng sóng.

Theo đánh giá của giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), thị trường vàng thời gian gần đây dường như đã “tách” ra khỏi kênh đầu tư của người dân. Sự sôi động bán - mua, lướt sóng đã không còn như trước. Vàng tăng giá cao cũng không vội xếp hàng mua mà giảm giá thấp cũng không hồ hởi bán. Nguyên nhân chính là do giá vàng trong nước không tuân theo bất cứ quy luật nào, “vì thế, người dân mua tích trữ là chính chứ không còn hào hứng đầu tư”- vị giám đốc khẳng định.

Chính vì nguồn vàng tích trữ trong dân được xem là rất lớn nên mới đây, việc khơi thông dòng vốn từ vàng thông qua sàn vàng vật chất được đề cập lại. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý, đồng thời xây dựng đề án cho tổ chức được huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân để phát triển kinh tế - xã hội.

Kiến nghị cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng

Cuối tháng 10/2016, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) có gửi đến NHNN bản tổng kết, đánh giá Nghị định 24/NĐ-CP với những kiến nghị cụ thể. Theo VGTA, việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng gây ra chênh lệch bất hợp lý giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế. Điều này không chỉ gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn làm khó cho DN gia công, xuất khẩu vàng trang sức, do phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi ở thị trường trong nước với giá cao.

VGTA cũng cho rằng: Việc đăng ký cấp phép bổ sung địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, và thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng phải xin phép NHNN đã tạo ra giấy phép con không cần thiết, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo VGTA, thị trường vàng Việt Nam hiện đã cơ bản ổn định và một số luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành, nên một số quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 là rất cần thiết để tạo điều kiện cho thị trường vàng Việt Nam phát triển bền vững và ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế.

VGTA đề nghị NHNN bãi bỏ quy định cấp giấy phép đối với một số hoạt động gồm: Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để tái xuất khẩu, và nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.