Thiết lập kênh trợ giúp, gỡ vướng cho doanh nghiệp

Theo chinhphu.vn

Các doanh nghiệp (DN) tại TP. Hồ Chí Minh đã có riêng một kênh trợ giúp để được kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của mình, đó là “Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp doanh nghiệp”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ, TP. Hồ Chí Minh đã ra mắt Cổng thông tin kết nối hỗ trợ DN với tên gọi “Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN” với chức năng lắng nghe để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) về hoạt động của Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN này.

Thưa ông, các DN tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được lợi gì khi kết nối với Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN TPHCM?

Trước đây, TPHCM đã có nhiều phương thức giao tiếp với DN nhưng chỉ dừng lại ở mức độ hỏi-đáp, trong khi DN gặp khó về quy trình, thủ tục chưa có cá nhân, đơn vị nào đứng ra đồng hành. Do đó, cổng thông tin sẽ đóng vai trò kết nối với sự đồng hành của HUBA để vướng mắc, trở ngại trong thủ tục hành chính của DN với các sở, ngành được giải quyết nhanh chóng, khách quan và minh bạch.

Với cổng thông tin này, nếu DN gặp vướng trong thủ tục hành chính mà cho rằng sở, ngành chưa hỗ trợ hết mình, thì HUBA sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, theo sát cùng doanh nghiệp, đề nghị các cơ quan sở, ngành giải quyết. Nếu có vướng mắc lớn hơn thì HUBA kiến nghị lãnh đạo Thành phố giải quyết.

Ngoài ra, với thông tin qua cổng thông tin, các DN cũng có thể chấm điểm, đánh giá mức độ hài lòng chất lượng dịch vụ công về các dịch vụ của sở, ban, ngành.

Trước mắt, cổng thông tin sẽ tiếp nhận qua 3 hình thức bao gồm tiếp nhận trực tiếp tại trụ sở của HUBA trong giờ hành chính, tiếp nhận qua điện thoại số: 08. 35129097, tiếp nhận qua trang điện tử  http://hotro.hiephoidoanhnghiep.vn/.

Xin ông cho biết cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN sẽ được Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh vận hành như thế nào?

Nguồn lực chuyên trách của Hiệp hội mặc dù rất hạn chế nhưng chúng tôi sẽ bố trí ít nhất là 2 biên chế trong giờ hành chính để nhận tiếp nhận của DN. Chúng tôi cũng có câu lạc bộ hỗ trợ pháp lý, câu lạc bộ hỗ trợ quản lý thuế, trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ... Các đơn vị này sẽ có nguồn lực để đồng hành với DN, hỗ trợ DN.

Trong chức năng của mình, Hiệp hội của chúng tôi còn có chức năng giám sát, nếu như trong quá trình giám sát, chúng tôi nhận thấy các sở, ngành chưa làm đúng chức năng của mình, chúng tôi sẽ rất khách quan để báo cáo định kỳ cho UBND Thành phố về tình hình thỏa mãn của DN đối với các cơ quan của Thành phố.

Sự phối hợp giữa Hiệp hội và các sở, ngành như thế nào để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp nhanh và hiệu quả, thưa ông?

Hiệp hội gắn kết rất chặt chẽ với các sở, ngành trong các công việc. Chúng tôi có "Cà phê doanh nhân thứ Bảy" được tổ chức định kỳ 2 tuần 1 lần vào sáng thứ Bảy. Đến nay, chương trình đã tổ chức được 11 kỳ. Những kỳ gặp trước, thường chỉ là thành viên Hiệp hội gặp nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ những khó khăn và thông qua HUBA gửi những kiến nghị của họ đến lãnh đạo Thành phố. Tuy nhiên, gần đây trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, HUBA đã tổ chức cho DN trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Thành phố cũng như các sở, ngành liên quan. Trong buổi gặp gỡ này, chúng tôi vừa giao lưu, vừa lắng nghe, vừa giải đáp trực tiếp cho DN.

Tại đó, chúng tôi cũng tổ chức thảo luận các vấn đề. Có rất nhiều chủ đề được mang ra thảo luận để DN cùng nhau hợp tác, cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh. Mỗi buổi "Cà phê thứ Bảy" là một chủ đề khác nhau, như: Doanh nhân, DN TPHCM với APEC 2017; vấn đề thuế và quyết toán thuế đối với DN; thuê CEO, tuyển chọn nguồn nhân lực trong thời đại 4.0...

Đặc thù của TP. Hồ Chí Minh là có số lượng DN rất lớn. Vì vậy, mối quan hệ giữa lãnh đạo và DN trong việc bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đóng góp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN rất cần thiết. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều chương trình kết nối hữu ích hơn để giải tỏa vướng mắc, khó khăn cho các DN.

Để giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động tại TP. Hồ Chí Minh trong năm nay, Hiệp hội dự định sẽ xúc tiến những công việc gì, thưa ông?

Chủ đề này trong các buổi "Cà phê doanh nhân thứ Bảy", chúng tôi cũng thường xuyên đề cập đến. Chúng tôi đã thực hiện những cuộc thảo luận với DN về nhu cầu việc làm của người lao động, để từ đó mỗi DN tìm ra các giải pháp nâng cao đời sống cho người lao động, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn.

Trong Quyết định 3907 về Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển DN của TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội được giao nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu, đề xuất xây dựng một hệ thống DN mạnh, dẫn đầu Thành phố, có thương hiệu mạnh trên trường quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, làm việc với Sở Kế hoạch & Đầu tư để lên danh sách 200 DN hàng đầu dựa vào quy mô vốn, doanh số, nguồn nhân lực... Chúng tôi sẽ khảo sát, nghiên cứu, làm việc với những DN này để rồi có đề án tham mưu cho Thành phố, xây dựng phương thức đồng hành riêng trong sự phát triển các DN mạnh, các tập đoàn kinh tế mạnh.

Khi phát triển những DN này lớn mạnh thì đó là điều kiện để thêm công ăn, việc làm cho người lao động của Thành phố.