Thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo giá thị trường

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang được các tập đoàn, tổng công ty tích cực triển khai nhưng đến nay, mới chỉ thoái vốn được một số ít các khoản vốn hoặc tài sản có giá thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu.

Hoàn thành việc thoái vốn sẽ có tác động rất lớn, tạo niềm tin trong xã hội về sự quyết tâm tái cơ cấu các DNNN. Nguồn: internet
Hoàn thành việc thoái vốn sẽ có tác động rất lớn, tạo niềm tin trong xã hội về sự quyết tâm tái cơ cấu các DNNN. Nguồn: internet

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn lại đang gặp khó khăn do phải tuân thủ yêu cầu về bảo toàn vốn đã đầu tư theo quy định, ảnh hưởng lớn tới tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung. Chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ý kiến với TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Phóng viên: Đến thời điểm này, 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu, ba tập đoàn kinh tế đã dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và chuyển đổi tương ứng thành các tổng công ty, 101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Theo ông, những con số này có nói lên điều gì về tiến độ tái cơ cấu DNNN không?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, đây mới chỉ là một bước trong tiến trình tái cơ cấu các DNNN. Còn trên thực tế, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy rõ sự thay đổi trong hệ thống DNNN. Tôi muốn nói đến những thay đổi về chất, thay đổi về phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như sức cạnh tranh của DNNN thì chưa thấy rõ, khiến ai cũng thấy chậm, thấy sốt ruột.

Nhìn chung, tái cơ cấu DNNN chưa thiết lập hệ thống thể chế và động lực khuyến khích thúc đẩy phân bố lại nguồn lực hiện có theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. So với yêu cầu thúc bách của cuộc sống thì quá trình tái cơ cấu này vẫn còn chậm.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân. Tôi chỉ xin lấy dẫn chứng về một nội dung trong tái cơ cấu DNNN, đó là thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty. Thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào các ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính là vấn đề ai cũng đồng ý là việc cần làm, thậm chí trong đề án tái cơ cấu DNNN còn đưa ra mục tiêu đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành việc thoái vốn. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai thì đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trước hết là quan niệm, cách nhìn nhận về vai trò của thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Thoái vốn thực chất là phân bố lại nguồn lực theo cơ chế thị trường trên phạm vi toàn quốc và nền kinh tế, nhằm chuyển những nguồn lực của Nhà nước hiện đang nằm "chết" ở đâu đó, hoặc sử dụng không hiệu quả sang những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, được quản lý hiệu quả...

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải là thay đổi nguồn lực theo hướng chuyển vốn từ DNNN này sang DNNN khác, không phải là sự sắp xếp lại.

Thế nhưng trên thực tế, việc thoái vốn đang làm hiện nay có vẻ như là thoái vốn để cắt lỗ, nghĩa là những khoản đầu tư ngoài ngành nào chưa lỗ thì chưa bán, thậm chí ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước. Và ngay chuyện cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được với giá cao. Tài sản xấu đã ít người mua rồi, thậm chí đòi bán giá cao thì làm sao bán được, thực tế nhiều khi bán tài sản xấu này, cho không người ta còn không lấy bởi vì nếu mua thì người mua phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để xử lý.

Từ tư duy, cách thức thực hiện như vậy thì rõ ràng không lãnh đạo doanh nghiệp nào dám làm, không yên tâm làm, cho dù rất muốn làm. Đấy là chưa kể tới những vướng mắc về pháp lý, về kỹ thuật... Thoái vốn là việc dễ làm nhất, đồng thuận nhất trong xã hội, thế mà thực tế triển khai lại chậm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nói chung.

Như ông nói thì một trong những vướng mắc cản trở tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty chính là tư duy, tiêu chí và cách thức thực hiện bảo toàn và phát triển vốn nhà nước chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Vậy cần giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc này?

Thông qua việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chúng ta có thể huy động được một lượng vốn khá lớn đang "nằm chết" hoặc đang sử dụng không hiệu quả để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới đầy triển vọng...

Hoàn thành việc thoái vốn này sẽ có tác động rất lớn, tạo niềm tin trong xã hội về sự quyết tâm tái cơ cấu các DNNN. Vì vậy, nếu không thay đổi tư duy, cũng như không sửa đổi những quy định, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý phù hợp để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện được việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo giá thị trường thì khó có thể hoàn thành việc thoái vốn theo đúng mục tiêu đề ra.

Các nội dung cần phải có quy định hướng dẫn ít nhất bao gồm: sử dụng giá thị trường của vốn làm tiêu chí đo lường mức độ bảo toàn vốn (giá trị vốn chủ sở hữu ở doanh nghiệp được bảo toàn, khi lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ít nhất bằng bình quân lãi suất trái phiếu dài hạn của Chính phủ; hoặc giá thị trường của cổ phần, phần góp vốn của công ty tăng lên ít nhất bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ); Các loại vốn có thể thoái vốn, phương thức thoái vốn tương ứng; Khách hàng tiềm năng, điều kiện và giới hạn đối với người mua (nếu có); Thẩm quyền và quy trình ra quyết định thoái vốn; Cơ chế định giá đối với các loại vốn cần thoái...

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Điều 21, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định về điều kiện chào bán cổ phần của cổ đông lớn trong công ty đại chúng phải là "hoạt động kinh doanh của năm năm liền kề trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán".

Hoặc Điều 6, Khoản 2.2 Thông tư 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ Tài chính quy định việc thoái vốn các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá trên sổ sách kế toán của đơn vị có vốn góp.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, việc áp dụng các quy định nói trên đối với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã làm cho quá trình thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp trở nên bế tắc, không thể thực hiện được.