Thoái vốn ngoài ngành: Định giá tài sản sai lệch, vô căn cứ

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Thoái vốn ngoài ngành ngoài việc thúc giục thì phải có chính sách cụ thể để tránh chuyện đánh giá nội bộ rồi bán cho công ty sân sau.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ điều này khi hay tin Thủ tướng thúc giục các tập đoàn rút vốn.

Phóng viên: Thưa ông, mới đây Thủ tướng tiếp tục yêu cầu rà soát việc đầu tư ngoài ngành, nhắc nhở các tập đoàn, DNNN phải rút vốn về. Động thái này thể hiện quyết tâm cao của Thủ tướng trong việc xử lý vấn đề này. Theo ông, những nguyên nhân nào khiến Thủ tướng phải nhiều lần đưa ra chỉ đạo trực tiếp về vấn đề này như vậy? Tình hình thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện nay có đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng không?

Thoái vốn ngoài ngành: Định giá tài sản sai lệch, vô căn cứ - Ảnh 1

TS. Lê Đăng Doanh,
nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
TS. Lê Đăng Doanh: Việc thoái vốn ngoài ngành đã được đề ra từ lâu rồi nhưng các doanh nghiệp, tập đoàn vì lý do này lý do khác đã tiến hành chậm quá nên Thủ tướng phải nhắc nhở.

Theo tôi thì điều quan trọng là bên cạnh việc nhắc nhở cần có các quy chế để giúp các tập đoàn có thể thực hiện được. Cần phải có những quy định cụ thể hơn về việc thoái vốn ngoài ngành.

Ví dụ các tài sản được bán với giá nào. Giá cả thị trường biến động, bất động sản cũng xuống thấp nên nếu bắt họ bán theo giá sổ sách thì sẽ rất khó.

Cho nên ngoài việc thúc giục thì phải có chính sách cụ thể. Muốn như vậy theo kinh nghiệm thế giới là phải có công ty vấn đánh giá độc lập. Công ty này phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá đó để tránh việc đánh giá, tránh chuyện đánh giá nội bộ rồi bán cho công ty sân sau của mình rồi tẩu tán tài sản.

Cũng theo nhiều chuyên gia, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp vướng mắc vì yêu cầu phải bảo toàn vốn. Theo ông, vướng mắc này có thể được xử lý như thế nào? Liệu có thể yêu cầu công khai, minh bạch bán tài sản để thu hồi tối đa tiền ngân sách, quy rõ người chịu trách nhiệm phần vốn bị thất thoát và đưa ra hình thức xử lý đích đáng được không?

Theo tôi yêu cầu công khai minh bạch thì được chứ còn đòi bảo toàn vốn thì rất khó khăn. Giá thì biến động. Ví dụ kho café của Trường Ngân đầu tiên định giá là 100 tỉ nhưng sau lại cho rằng định giá đó là không có căn cứ rồi bán ra thị trường vẫn cứ cố giá đó thì không thể được.

Tôi nghĩ cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể mới được. Để có thể quy rõ người chịu trách nhiệm phần vốn bị thất thoát và đưa ra hình thức xử lý đích đáng thì cần phải công khai minh bạch. Cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia.

Ví dụ bên nào tư vấn thì phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và căn cứ đánh giá của mình. Giống như việc mua ụ nổi trong vụ đại án Vinalines gần đây được nói nhiều và vụ việc chỉ đến khi xảy ra chuyện lớn mới biết là đánh giá không có căn cứ.

Gần đây, Thủ tướng đã yêu cầu xử lý cả trách nhiệm người về hưu để xảy ra kinh doanh thua lỗ. Dư luận tin tưởng, động thái này chứng tỏ quyết tâm của Thủ tướng sẽ xử lý đích đáng các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, đầu tư ngoài ngành gây mất vốn. Ông có chung niềm tin này không và tại sao ạ?

Tôi đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng bởi vì theo quy định bình thường của quốc tế thì có những quyết định có giá trị 15 năm, có cái 30 năm.

Tức là sau khi ông về hưu rồi vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không phải xong việc là phủi tay đứng lên.

Thông điệp này của Thủ tướng đánh động những người đã về hưu và cả những người đang đương chức cũng phải cảnh giác với việc chi tiêu quá tay của mình. Họ cũng phải xác định không có chuyện cứ làm bậy rồi lại "hạ cánh an toàn".

Chỉ thị của Thủ tướng đã có tác dụng nhắc nhở cả những người đương chức rằng ông cứ tham ô đi, nhưng kể cả ông về hưu rồi thì cũng vẫn lôi ra để điều trần, đối chất và chịu trách nhiệm.

Trong một diễn biến mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước vừa phải ra văn bản yêu cầu thanh tra việc cho vay dưới lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã lên tiếng, đối tượng được vay dưới lãi suất là các doanh nghiệp con thuộc tập đoàn nhà nước. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Và theo ông, việc này phải xử lý ra sao để không ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay?

Đây là hai câu chuyện khác nhau. Một là ngân hàng muốn thực hiện quyền pháp định của mình tức là ấn định lãi suất để tránh đầu cơ lãi suất, cho vay dưới giá vốn.

Mặt khác các tập đoàn lại có những lý do của họ mà chấp nhận trong kinh doanh có những phi vụ lỗ để đổi lấy phi vụ lãi khác là chuyện bình thường.

Tôi cho rằng tái cấu trúc phải bắt đầu từ tái cấu trúc về tài chính. Do vậy với những trường hợp như thế này cũng phải minh bạch, rõ ràng để giải quyết cho thấu đáo.

Nếu tái cấu trúc tài chính không thực hiện được tốt thì sẽ rất khó tái cấu trúc các lĩnh vực khác như sản phẩm, cơ cấu quản lý sẽ rất phức tạp. Bởi vì ai sẽ là người đứng ra gánh số nợ này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!