Thoái vốn ngoài ngành: Nỗi ám ảnh được giải thoát

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính mới đây đã phát tín hiệu "bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhanh chóng hơn, khi dự định sẽ cho phép các tập đoàn, tổng công ty được phép bán vốn nhà nước dưới mệnh giá.

Bộ Tài chính đang đang nghiên cứu tính đến các giải pháp thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đang đang nghiên cứu tính đến các giải pháp thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá. Nguồn: internet
Nỗi niềm của các "ông lớn”

Trong một đánh giá về tiến trình tái cơ cấu DNNN trong ngành của Bộ Công Thương mới đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã phải thừa nhận, việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN vẫn diễn ra chậm chạp, một mặt do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, song mặt khác, tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn Nhà nước, sợ trách nhiệm vẫn đang đè nặng lên các DN.

Là một trong những "ông lớn” có số vốn đầu tư ngoài ngành khá "khủng” và đang gặp khá nhiều mắc mớ đối với việc thoái vốn khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (AB Bank), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  không giấu nổi lo lắng khi phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát vốn của Nhà nước. Báo cáo của Tập đoàn này cho biết, các khoản đầu tư của EVN tại AB Bank và một số DN thuộc lĩnh vực bất động sản… hiện đang gặp khó khăn, do đó để đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát vốn Nhà nước EVN rất cần có thêm thời gian.

Một trong những đại gia khá "tai tiếng” với những khoản đầu tư ngoài lĩnh vực chính không kém EVN – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có nỗi lo tương tự EVN khi bày  tỏ "nỗi niềm” rằng, thực tế thị trường hiện nay đang không thuận lợi cho việc thoái vốn. 

Như vậy, có thể thấy,  một trong những điểm nghẽn khiến cho tiến trình tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm chạp chính là yêu cầu các DN phải bảo toàn vốn nhà nước khi thoái vốn.

Điều đó đang dẫn đến một hệ lụy là, không chỉ nguồn vốn khó đến được với khu vực DN tư nhân, mà còn trực tiếp làm cho nền kinh tế bị thụt lùi, khó có thể phát triển được. Thực tế này đã được cảnh báo, nếu thực trạng này cứ ỳ trệ và không có nhiều cải thiện, dòng vốn sẽ chỉ chảy vào các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không còn.

Giải thoát

Có lẽ, nhận ra được những mâu thuẫn trong chính sách, khi một mặt yêu cầu DNNN phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhanh để thúc đẩy  tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, mặt khác vẫn muốn bảo toàn nguồn vốn nhà nước là bất hợp lý, Bộ Tài chính đã có những động thái nhằm "giải thoát” gánh nặng này của các DN.

 Cụ thể, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, Bộ Tài chính đang đang nghiên cứu tính đến các giải pháp thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và sắp tới sẽ có những quy định cụ thể. Đồng thời, Bộ cũng sẽ ban hành những quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư tại những công ty chưa niêm yết; nghiên cứu sửa đổi quy định chào bán cổ phần tại các DNNN nước đã đầu tư. Với quy định mới này, có lẽ các "ông lớn” DNNN, tập đoàn, tổng công ty sẽ gỡ bỏ được gánh nặng đè trên vai bấy lâu nay, và hơn hết cả là giải thoát được nỗi sợ trách nhiệm mà các "ông lớn” lúc nào cũng canh cánh bên mình. 

Trao đổi về động thái "bật đèn xanh” của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, đây là giải pháp hợp lý nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung. Bởi nếu theo quy định như trước đây sẽ khiến bản thân các DN e sợ, như vậy không những làm chậm mục tiêu tái cơ cấu DNNN mà chính Nhà nước cũng chẳng thu lại được gì.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, đối với những DN mà Nhà nước đang nắm cổ phần hoạt động kinh doanh không hiệu quả thì cần phải bán, thậm chí là bán dưới mệnh giá và điều quan trọng là cơ chế giá bán phải theo giá thị trường. Thậm chí, yếu tố chấp nhận lỗ đã được đặt ra, song thà Nhà nước chịu lỗ còn hơn vốn cứ để ngâm trong DN mà không phát huy được hiệu quả gì, trong khi nhiều lĩnh vực khác cũng đang rất cần vốn để phát triển. 

Như vậy, rõ ràng sự chậm trễ trong tiến trình thoái vốn ngoài ngành của DN một phần không nhỏ do những bất hợp lý trong chính sách đưa ra. Giới chuyên gia bày tỏ hy vọng, động thái lần này của nhà quản lý sẽ  là "liều thuốc” giải tỏa những "nỗi ám ảnh” của các DN con cưng. Song những gì đang diễn ra thời gian qua trong tiến trình tái cấu trúc DNNN, tập đoàn, tổng công ty, một lần nữa chỉ càng khẳng định thêm những yếu kém trong nội tại hoạt động của khu vực DNNN mà thôi.