Quyết tâm lớn

Được xác định là một trong ba trụ cột của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu thành công doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) theo mục tiêu đề ra đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT giai đoạn 2011- 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai thực hiện.

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài chính đã có Công văn số 10800/BTC-TCDN ngày 10/8/2012, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các TĐ, TCT triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu DN.

Theo đó: Xây dựng Đề án tái cơ cấu từng TĐ, TCT và DNNN; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu từng TĐ, TCT, DNNN sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức báo cáo tình hình triển khai thực hiện tái cơ cấu DN. Đồng thời, để triển khai các nhiệm vụ được phân công theo lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2015/ QĐ-BTC ngày 13/8/2012 về kế hoạch triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ theo các nội dung, hoàn thiện cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính; Tham gia ý kiến với các cơ quan trong công tác hoàn thiện cơ chế chính sách; Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN tại các bộ, địa phương, TĐ, TCT…

Đây được xác định là “khung” để các TĐ, TCT làm căn cứ xây dựng và tổ chức thực hiện đề án của từng DN theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Tính đến hết tháng 9/2012, đã có khoảng 30 TĐ, TCT được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chủ yếu là các TCT thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn lại hầu hết các TĐ, TCT đang trong quá trình xây dựng Đề án theo Quyết định số 929/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 10800/BTC-TCDN, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan hoặc đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cùng với việc triển khai xây dựng, phê duyệt Đề án tái cơ cấu từng TĐ, TCT thì hệ thống các cơ chế chính sách được giao cho các bộ, ngành cũng đang được khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện như: Nghị định về phân công, phân cấp của chủ sở hữu đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); cơ chế cổ phần hóa quy định tại Nghị định 59/2011/ NĐ-CP…

Để việc tái cơ cấu và thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành thành công theo đúng lộ trình đề ra, hầu hết các TĐ, TCT đều đã phát đi thông điệp thể hiện sự quyết tâm cao. Mới đây, TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ 2012 – 2015 được thực hiện 100% với 43 công ty, thoái một phần vốn ở 12 công ty. Tổng số vốn dự kiến thu hồi 2.528 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ 2016 - 2020, VRG tiếp tục thoái vốn để giảm vốn tập đoàn tại 8 công ty với số vốn dự kiến thu hồi 1.743 tỷ đồng. Cùng với VRG, TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã lên tiếng về kế hoạch tái cơ cấu và thoái vốn của mình từ nay đến năm 2015.

Theo đó, đến năm 2015 PVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại OceanBank; đồng thời, thoái vốn khỏi TCT cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) và thoái vốn tại TCT cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) ) xuống còn từ 10% đến 20%. TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, từ nay đến năm 2015 sẽ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã đầu tư khoảng 1.102 tỷ đồng trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn và sẽ không tham gia đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Theo lộ trình thoái vốn của TĐ Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trong năm 2012, TĐ này sẽ thoái xong vốn ở các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đường cao tốc BIDV; trong các năm 2013 - 2014, Vinacomin sẽ thoái vốn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực còn lại...

Lực cản cần vượt qua

Mặc dù việc đẩy mạnh tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được nhiều TĐ, TCT đẩy mạnh thực hiện từ đầu năm 2012 đến nay, song thực tế kết quả vẫn chưa như mong muốn, do nguyên nhân khách quan mang lại. Cụ thể như, giá trị đầu tư tài chính trước đây của các TĐ, TCT cao hơn giá thị trường hiện tại, nhất là cổ phiếu của ngân hàng, công ty chứng khoán và bất động sản… nên khó bảo toàn được vốn theo quy định. Mặt khác, tình hình thị trường chứng khoán trong thời gian dài có những biến động bất lợi cho việc thoái vốn nên tìm kiếm các nhà đầu tư để chuyển nhượng với số lượng lớn là không khả thi.

Đơn cử như việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB của Vinacomin đã rất chật vật. Phiên đấu giá bán cổ phần của Vinacomin để thoái vốn tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB đã buộc phải hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Hoặc, sự quyết tâm tái cơ cấu thông qua thoái vốn của VRG được thể hiện rất cao nhưng đối mặt với thực tiễn khó khăn hiện nay, VRG vẫn phải “thòng” theo điều kiện thị trường tài chính, nền kinh tế khởi sắc trở lại, nếu không khó có thể thoái vốn theo đúng lộ trình. Tại EVN, số vốn phải thoái từ nay đến năm 2015 là khoảng 1.102 tỷ đồng trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Trong lĩnh vực ngân hàng, EVN sở hữu 24,3% vốn của Ngân hàng An Bình nhưng đang rất khó bán vì giá cổ phần của ngân hàng này trên thị trường OTC chỉ khoảng 7.000 - 7.200 đồng/cổ phần trong khi EVN trình Chính phủ kế hoạch bán với giá gốc là 10.000 đồng/cổ phần. Trong lĩnh vực chứng khoán, EVN cũng đang mắc kẹt vì đầu tư vào đây 575 tỷ đồng nhưng chưa bán và dự kiến phải đến năm 2015, EVN mới có cơ hội thoái hết vốn.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc thoái vốn thành công với các TĐ, TCT là chuyện không hề dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.                                                                                   

Thoái vốn ngoài ngành: Quyết tâm về đích

ThS. Trần Tuấn Anh

(Tài chính) Theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đây là nhiệm vụ đang được Bộ Tài chính cùng các tập đoàn,tổng công ty quyết liệt triển khai…

Xem thêm

Video nổi bật