Thoát “bẫy” thu nhập trung bình: Thách thức đối với Việt Nam

Theo eFinance

Nhờ nỗ lực tăng trưởng hai quý cuối năm 2012, mà tốc độ tăng trưởng cả năm không giảm quá sâu dừng ở mức 5,03%. Năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Tính từ khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của 2012 chỉ cao hơn năm 1999 và 2009 (là hai năm nền kinh tế phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới do tác động các cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và toàn cầu năm 2008). Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.

Thoát “bẫy” thu nhập trung bình: Thách thức đối với Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giảm sút tăng trưởng của Việt Nam khá khác biệt

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 12/2012, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá: Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I và II/2012 đạt mức thấp (so với thực hiện cùng kỳ các năm trước đó) nhưng sau đó đã tăng hơn vào quý III và quý IV/2012 (5,4% và 6,5%). Việc tốc độ tăng GDP sau mỗi quý trong năm 2012 là không theo thông lệ của tăng trưởng quý. Trong những năm gần đây, diễn biến tương tự chỉ xảy ra một lần trong năm 2009, khi nền kinh tế thực hiện gói kích thích cứu nền kinh tế khỏi ảnh hưởng tiêu cực do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008). Trong điều kiện nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, khởi đầu không được thuận lợi như năm 2012, các mức tăng trưởng quý đạt được là một cố gắng của nền kinh tế nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường 6 tháng cuối năm.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên số 1 trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2012, nhưng mức tăng trưởng 5,03% là một mức thấp so với mục tiêu đề ra 6% và so với mục tiêu trung hạn (6% - 6,5% trong kế hoạch 5 năm 2011-2015), thấp so với mức tăng GDP trung bình của các nước điển hình trên thế giới thành công trong việc thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 1977-1987 nền kinh tế thế giới đã có mức tăng trưởng ngoạn mục 8%, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD lên 3.368 USD. Tương tự, Singapore cũng duy trì mức tăng trưởng 8% trong vòng 7 năm từ 1971-1978, riêng Hồng Kông mức tăng trưởng là 10% đây là con số đáng nể để thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.

Nhìn chung, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam theo xu hướng chung của tăng trưởng thế giới, nhưng ngược với xu hướng tăng trưởng của các nước xung quanh. So với tình hình phát triển của nền kinh tế các nước trong khu vực, thì dấu hiệu giảm sút tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 khá khác biệt.

Thực tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, nhưng nước bạn Lào vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở mức 8,3% và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2012. Cùng với đó, Thái Lan cũng đã phục hồi tăng trưởng “đáng nể”, sau khi suy giảm xuống mức thấp vào năm 2011. Cụ thể, ngày 26/12/2012, Văn phòng Chính sách Tài chính Thái Lan đã thông báo mức tăng GDP của nước này là 5,7%. Việt Nam, Campuchia và Indonesia nằm trong nhóm các nước có mức độ tăng trưởng thấp hơn năm 2011, tuy nhiên, cùng trong nhóm này, Việt Nam lại là nước có mức tăng trưởng giảm sâu nhất âm 0,7 điểm và là nước duy nhất trong nhóm suy giảm tốc độ tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2010 đến nay.

Các luồng vốn có quay lại?

Thực tế, trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam luôn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2011 nguồn vốn này thường chiếm trên 25% trong tổng vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bắt đầu từ năm 2009, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chỉ còn 23 tỷ USD, bằng khoảng 30% so với năm trước.

Tính đến 24/12/2012, FDI thu hút mới đạt 7,8 tỷ USD và số vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,92 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng thêm, FDI của 12 tháng đạt 12,72 tỷ USD. Vốn thực hiện cả năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD, giảm 4,9% so với 2011. Riêng trong tháng 12/2012, vốn giải ngân và thực hiện FDI đạt trên 500 triệu USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi vốn FDI suy giảm, các nhà đầu tư gián tiếp cũng “chần chừ” bỏ vốn đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam. Dòng vốn này dường như đã ngừng chảy vào thị trường Việt Nam, trong khi các dự án bất động sản, tài nguyên khoáng sản hay ngân hàng, tài chính, có nhu cầu vốn rất lớn. Nhu cầu huy động vốn quốc tế là bài toán đặt ra đối với Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với dự án tốt. Dự báo, tình trạng khó khăn trong tiếp cận vốn sẽ phải kéo dài đến hết 2013.

Nguyên nhân chính khiến tình hình vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây sụt giảm được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải: “Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến tình hình đầu tư của các nước. Cùng với đó, sự cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Myanmar cũng khiến cơ cấu dòng FDI dịch chuyển. Dù Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến của dòng vốn FDI, tuy nhiên, việc lựa chọn vẫn cần có thời gian nghiên cứu, cân nhắc. Sắp tới, ngoài sự suy thoái chung của bối cảnh kinh tế toàn cầu, thì các yếu tố chưa hoàn thiện do những yếu kém trong nước như cơ sở hạ tầng chậm cải thiện, chất lượng lao động, môi trường đầu tư, đặc biệt là chính sách thu hút thiếu nhất quán… cũng là rào cản nhà đầu tư nước ngoài, khiến lợi thế của Việt Nam đang bị giảm sút, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.”

Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2013 sẽ sụt giảm, ảnh hưởng không thuận đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, vì Nhật Bản không chỉ là một trong 3 nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam mà còn là nước có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất.

Cũng theo dự báo, năm 2013 với thuận lợi khách quan như: kinh tế thế giới phục hồi nhẹ, dòng vốn FDI, ODA năm 2013 sẽ được tập trung chảy vào khu vực ASEAN do tăng trưởng khu vực này vẫn khá cao và ổn định trong khi kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu sụt giảm, môi trường đầu tư hai nước này không còn hấp dẫn các dòng vốn đầu tư bên ngoài như các năm trước. Hy vọng dòng vốn vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012, giúp cho kinh tế Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc còn phục thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.

PGS.TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Riêng đối với Việt Nam, phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2013, nhất là phân tích xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, ODA từ một số nước vào các nước ASEAN có thể thấy rằng dư địa để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển kinh tế vẫn còn nhiều. Trong năm 2013, tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tổng vốn đầu tư phát triển được dự báo có nhiều khả năng tăng cao hơn. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển năm 2013 phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và phản ứng chính sách của Chính phủ nhằm tận dụng cơ hội đón dòng vốn đầu tư FDI và ODA đang được dịch chuyển từ một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ vào các nước ASEAN. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI được cải thiện sẽ dẫn đến cán cân vốn tiếp tục tăng. Dự báo năm 2013 cán cân vốn Việt Nam đạt 5,956 tỷ USD, tăng so với năm 2012 (con số này là 5,7 tỷ USD).

So với nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn này do môi trường chính trị - xã hội Việt Nam ổn định; nguồn lao động trẻ dồi dào; giá nhân công thấp và nhất là Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để khắc phục những hạn chế của môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Dòng vốn quốc tế, với vai trò chất xúc tác đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao cần được hút lại. Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng đạt mức 5,67% như kế hoạch đề ra, Việt Nam cần quan tâm tới những yếu tố bất lợi trong việc thu hút FDI như thủ tục hành chính kéo dài, nguồn nhân lực qua đào tạo còn yếu, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu… Không thu hút vốn FDI bằng mọi giá, tuy nhiên, cần phải có những chính sách kinh tế dài hạn và nhất quán. Để chống lại tình trạng suy giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời, đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ… vào các nước ASEAN, có thể sửa ngay các chính sách về ưu đãi đầu tư, chính sách về đất đai.

“Trong thời gian qua, các chính sách của Việt Nam mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu, thu hút đầu tư, mà chưa chú ý tới việc hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép, giữ chân doanh nghiệp ở lại Việt Nam trước những sức hút mới nổi từ các nước trong khu vực. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cần định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của đầu tư FDI lên công đồng doanh nghiệp trong nước”. – ông Hoàng nhấn mạnh.

Mặt khác, Chính phủ vẫn cần duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt. Chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công. Đồng thời, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, cần có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu ngân hàng cần được thực hiện triệt để và quyết liệt, không chỉ nhằm giải quyết một phần vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mà quan trong hơn là làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.