Thống đốc NHNN nói về xử lý nợ xấu

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Thông qua biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổng số nợ được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.

 Thống đốc NHNN nói về xử lý nợ xấu
Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nguồn: internet

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề giải quyết nợ xấu, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần đánh giá rõ, thực chất về hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp. Theo đại biểu, nếu chỉ đơn thuần xử lý về mặt kỹ thuật là cơ cấu lại các nhóm nợ của doanh nghiệp thì chưa giải quyết được căn bản vấn đề. Trong đó không loại trừ khả năng sau thời gian cơ cấu lại nợ mà các doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ thì khả năng nợ xấu sẽ lại tăng lên.

Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu

Trả lời chất vấn trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Để xử lý nợ xấu, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Chính vì vậy, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp tổng thể cần triển khai đến năm 2015, bao gồm: Nhóm giải pháp đối với TCTD; nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Trước đó NHNN cũng đã chỉ đạo toàn ngành triển khai quyết liệt các giải pháp tự xử lý nợ xấu, như: Cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, tập trung trích lập dự phòng rủi ro...

Các giải pháp này cùng với kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu được xử lý một bước, tốc độ gia tăng nợ xấu giảm dần từ cuối năm 2012.

Như vậy, giải pháp cơ cấu lại nợ không phải là giải pháp duy nhất để xử lý nợ xấu, nhưng đây là một trong các giải pháp quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường và nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, giải pháp này đã góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn. Đồng thời cũng không làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Nhất là, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng vay bị suy giảm và việc huy động nguồn tài chính từ bên ngoài để xử lý nợ xấu không thuận lợi.

300.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại

Theo Thống đốc, thông qua biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng được giữ nguyên nhóm. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã được hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính do không phải trả lãi phạt và đảm bảo điều kiện tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng.

Thực tế cho thấy, đến nay tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu. Nếu không thực hiện giải pháp này thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%.

Thống đốc khẳng định, các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD, trong đó có biện pháp cơ cấu lại nợ đã mang lại những kết quả tích cực và thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng các giải pháp này chưa bảo đảm nợ xấu của các TCTD được xử lý một cách vững chắc, triệt để. Cũng như chưa ngăn chặn được hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại nếu các giải pháp khác về kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại doanh nghiệp, xử lý hàng tồn kho, phát triển thị trường bất động sản… không được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

TCTD tự nguyện bán nợ xấu cho VAMC

Chính vì vậy, ngay sau khi Đề án xử lý nợ xấu được ban hành, NHNN đã chủ động đề nghị các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ đã được phân công. Đồng thời, ban hành và thực hiện kế hoạch hành động triển khai đề án xử lý nợ xấu; thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Ngày 26/7, VAMC đã chính thức đi vào hoạt động. Hành lang pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu qua VAMC đã cơ bản hoàn thành. Đồng thời, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD rà soát, lập danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện và hoàn chỉnh các hồ sơ đề nghị bán nợ cho VAMC.

Thống đốc cho biết: Tính đến ngày 31/10, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của 14 ngân hàng với số dư nợ gốc 14.019 tỷ đồng và giá mua là 11.119 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Việc VAMC mua được nợ xấu và tiếp nhận ngày càng nhiều đề nghị bán nợ tự nguyện từ nhiều ngân hàng, trong số này có nhiều ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, chứng tỏ các TCTD đã sẵn sàng bán nợ xấu. Tâm lý e ngại của các TCTD trong việc bán nợ xấu đã được xóa bỏ đáng kể khi hiểu được rõ ràng hơn những lợi ích đem lại của việc tham gia xử lý nợ xấu qua VAMC.

Về phía các TCTD, ông Bình cho hay: Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các TCTD đã tích cực thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động; hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ, tích cực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro và chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng này…

Hết năm 2015 sẽ cơ bản xử lý nợ xấu

Thống đốc cho biết, trong thời gian tới NHNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng của các TCTD, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của TCTD.

Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ; tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm so với năm trước. Trong đó, nếu không thực hiện cơ cấu nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 thì nợ xấu toàn hệ thống các TCTD đến cuối tháng 9/2013 lên tới 12,7%.

Thống đốc NHNN bày tỏ tin tưởng rằng: Nếu 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ nêu trên được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015.