Thống nhất cách quản lý Quỹ Bảo hiểm Y tế

Theo daibieunhandan.vn

Tại Phiên giải trình về việc triển khai lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) gia tăng từ cả phía người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh đã được tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Các đại biểu quan tâm đến những hiện tượng nêu trên cũng do Quỹ BHYT đã bắt đầu bội chi sau một thời gian dài kết dư (ước bội chi trong năm 2016 là 5.130 tỷ đồng). Chưa kể, nếu thực hiện thông tuyến KCB BHYT đến cấp tỉnh (dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2021), số lượng bệnh nhân nội trú tuyến tỉnh sẽ tăng mạnh, khó tránh khỏi tình trạng tăng chi hơn nữa.

Theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi thực hiện thông tuyến BHYT đến tuyến tỉnh sẽ khiến gia tăng chi Quỹ thêm khoảng 3.125 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHYT. Nói cách khác, nguy cơ mất an toàn Quỹ BHYT sẽ gia tăng hơn khi thực hiện thông tuyến đến tỉnh. Do vậy, phải sớm tìm ra giải pháp ngăn chặn những hiện tượng này.

Bên cạnh những hành vi lợi dụng, lạm dụng “cũ” của cơ sở KCB như:  Tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X - quang, thuốc...; hay, những hiện tượng mới được cơ quan chức năng phát hiện ra là người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc; đại diện cơ sở KCB huyện được mời tham gia Phiên giải trình đã đưa ra thêm một số hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT khác.

Cụ thể, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa Mai Thị Thanh cho biết, phòng khám tư nhân thường tư vấn chuyển lên tuyến tỉnh khi thấy không có khả năng điều trị, không xem lại danh mục kỹ thuật của các bệnh viện trong huyện có làm được không. Tư vấn này nhanh chóng được đưa ra vì phòng khám sẽ thu tiền xe vận chuyển bệnh nhân, dù gây tăng chi phí KCB (do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến huyện không giảm).

Từ thực tiễn nêu trên, bà Thanh đề nghị, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng kết nối thông tin về danh mục kỹ thuật của các cơ sở KCB, để khi bệnh nhân đến một cơ sở không có điều kiện chữa bệnh, sẽ có thể được xem xét khả năng giải quyết của cơ sở KCB ban đầu, giúp giảm chi phí cho gia đình người bệnh.

Bộ Y tế phối hợp với các địa phương sớm kiểm tra việc các trạm y tế, phòng khám tư nhân chuyển tuyến vượt cấp, qua đó nhanh chóng “bịt kẽ hở” dễ gây tiêu cực nêu trên. Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội phối hợp với các Sở Y tế tỉnh, thành phố để quản lý người hành nghề y bằng phần mềm, giúp ngăn chặn tình trạng phòng khám tư nhân mượn bằng cấp, đánh bóng thương hiệu, từ đó thu hút người bệnh đến, tăng tần suất khám bệnh, và dễ trục lợi Quỹ BHYT.  

Ghi nhận kiến nghị từ cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ rõ, Bộ Y tế cần nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, để đưa ra quy định thống nhất về phân tuyến cơ sở KCB; ban hành văn bản quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả; phân tuyến và xếp hạng bệnh viện tư nhân...

Thực tế cho thấy, nhiều vướng mắc trong thực hiện thông tuyến KCB BHYT và quản lý Quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có nguyên nhân từ thiếu những văn bản này. “Nếu ban hành được những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ thì những vướng mắc giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ được tháo gỡ”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

BHYT là chính sách xã hội có ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, và là cơ chế tài chính giúp người dân thoát khỏi nguy cơ nghèo đói vì bệnh tật. Quỹ BHYT được hình thành nhằm tập trung nguồn lực tài chính, qua đó giúp bảo đảm luôn bám sát mục tiêu của chính sách này. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau, bàn và thống nhất cách quản lý Quỹ một cách hiệu quả và thiết thực nhất, trước khi việc thông tuyến KCB BHYT được mở rộng.