Thu hút đầu tư nước ngoài: Cần chính sách thống nhất, công bằng

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Sau 30 năm mở cửa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tại Hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, ngày 7/12 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần ổn định chính sách và luật pháp để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI cho mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Công nhân Công ty LGE trên dây chuyền lắp ráp máy điện thoại xuất khẩu	Ảnh: Duy Thính/daibieunhandan.vn
Công nhân Công ty LGE trên dây chuyền lắp ráp máy điện thoại xuất khẩu Ảnh: Duy Thính/daibieunhandan.vn

Góp phần phát triển kinh tế 

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào tháng 12/1987, đến nay đã trải qua 3 lần sửa đổi và 3 lần thay thế bằng luật mới với những điều chỉnh giữa các giai đoạn về quan điểm, mục tiêu thu hút và phương thức quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Nội, tính đến hết tháng 11/2017, cả nước có hơn 24.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 316 tỷ USD. Vốn giải ngân đạt hơn 170 tỷ USD. Chỉ tính 11 tháng của năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết: “Các doanh nghiệp FDI là một yếu tố quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nguồn vốn FDI đóng góp lớn khi cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI”. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội Adam Sitkoff cho biết, các thành viên của AmCham lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sitkoff cũng đưa ra những quan ngại về những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dẫn ví dụ Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia, theo ông Sitkoff yêu cầu này hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm và dịch vụ trong nước và quốc tế khi họ quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên các nền tảng xuyên biên giới như Google...

Từ thực tế đó, ông Adam Sitkoff  kiến nghị, các chính sách của Việt Nam phải được thiết kế thống nhất và bảo đảm thực thi công bằng. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường. Đây cũng là vấn đề quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam của AmCham Herbert Cochran cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nỗ lực trong cải cách khuôn khổ pháp lý và hành chính nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các chính sách đổi mới đôi khi tạo ra những thách thức hoặc tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và các ngành nghề cụ thể.

Theo ông Cochran, việc thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Một nhà đầu tư khi đưa ra các quyết định đầu tư hoặc mở rộng ở một quốc gia, họ sẽ xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hạn để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được.

Định hướng, chính sách mới về FDI

Theo số liệu thống kê, đến giữa năm 2017 nước ta có trên 640 nghìn doanh nghiệp tư nhân hoạt động, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, Vinamilk, TH True Milk... không những đang thực hiện dự án quan trọng trong nước, mà đã đầu tư ra một số nước. Do đó khi lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án phát triển cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đạt được tiêu chí tương tự với doanh nghiệp FDI.

Theo Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường Đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6, Việt Nam được xếp hạng thứ 47/147 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với 2016. Trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường...

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần hình thành định hướng và chính sách mới về FDI, cần coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị năng lượng lớn như công nghệ cao... coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục các nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội cho rằng, bên cạnh việc tận dụng các lợi thế vốn có để duy trì FDI truyền thống, Việt Nam cần có sự điều chỉnh về thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài để bảo đảm việc quản lý, thu hút FDI có giá trị gia tăng cao hơn, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế bền vững.