Thu hút FDI - Mấu chốt là kết quả giải ngân

Lưu Đức

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Việt Nam trong quý I/2019 đa thiết lập mức kỷ lục so với cùng kỳ kể từ năm 2016 đến nay. Niềm vui này chưa thể trọn vẹn khi tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Điểm sáng trong nền kinh tế

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) ngoài vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2019.

Với con số 10,8 tỷ USD vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2019, FDI đã lập mức kỳ lục mới về con số so với cùng kỳ ba năm gần đây. Cụ thể, quý I/2016 đạt 4,03 tỷ USD; quý I/2017 đạt 7,71 tỷ USD; quý I/2018 là 5,8 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng tạo con số 10,8 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt 3,82 tỷ USD, tăng 80,1%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, điểm sáng đáng ghi nhận là nguồn FDI đổ vào mua cổ phần, góp vốn đã tạo bước bứt phá mạnh mẽ. Tâm điểm là Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage đã có giá trị lên tới 3,85 tỷ USD.

Trong quý I, cả nước có 785 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018; Có 279 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 1,3 tỷ USD, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I, đã xuất hiện thêm dự án của nhà đầu tư đến từ quốc gia Đông Phi đó là Djibouti. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, cho thấy sự lan tỏa của môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới.

Tính chung trong quý I/2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,57 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 7,06 tỷ USD không kể dầu thô.

Bên cạnh lượng vốn đăng ký đầu tư, trong 3 tháng đầu năm cả nước đã giải ngân được 4,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kết quả khá ấn tượng, góp phần quan trọng tăng thêm năng lực, tạo điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam quý I/2019.

 Mấu chốt là kết quả giải ngân

 FDI đăng ký đổ vào Việt Nam trong quý I đã đạt kỷ lục nhưng kết quả chung của cả năm 2019 có đạt kỷ lục? Kết quả giải ngân có tỷ lệ thuận với mức tăng vốn đăng ký? mới là mấu chốt của vấn đề.

Trong báo cáo gần đây lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo việc dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2019 sẽ có nhiều biến động, chủ yếu do căng thẳng thương mại leo thang, có thể khiến các công ty đa quốc gia trì hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch đầu tư do môi trường đầu tư thiếu ổn định. Hoặc cũng có những sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Các yếu tố này chắc chắn sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

“Là điểm sáng của khu vực và trên thế giới về thu hút FDI, nhưng, Việt Nam cần giải bài toán thúc đẩy giải ngân số vốn FDI đã cam kết”...

Nhấn mạnh điều này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI không thể hiện ở con số tổng vốn đăng ký mà phải là con số giải ngân, tức dòng tiền thực đã chảy vào Việt Nam. Ðiều đó mới đánh giá đúng thực chất hiệu quả của hoạt động đầu tư nước ngoài, đồng thời, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.

Hiện tại, tỷ lệ giải ngân trung bình của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng hơn 40% tổng vốn đăng ký. Việc giải ngân chậm có những nguyên nhân khách quan do tác động từ bên ngoài, nhưng cũng có những nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế, trong đó có vấn đề về năng lực tiếp nhận dự án của các địa phương, thủ tục hành chính...

Để nâng cao tỷ lệ giải ngân, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có các quy định về giám sát thực hiện dự án FDI nhằm rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân. Trong đó, quan tâm đến năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính của nhà đầu tư để bảo đảm tính minh bạch và thu hút được các dự án hoạt động hiệu quả. Ðồng thời, quy định về thời hạn góp vốn thực hiện dự án để các nhà đầu tư đều thực hiện giải ngân theo đăng ký.