Thu hút vốn đầu tư FDI: Thách thức và những cơ hội mới!

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 21,6 tỷ USD, tăng hơn 50% so với 2012. Năm 2014, để duy trì được thành tích này theo các chuyên gia, bên cạnh việc tận dung các cơ hội từ nền kinh tế trong nước và thế giới, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả hơn nữa.

Cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng có lựa chọn những DN đa quốc gia. Nguồn: internet
Cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng có lựa chọn những DN đa quốc gia. Nguồn: internet

Cần hạn chế những thách thức

Ngay những tháng đầu năm 2014 thông tin nhiều dự án FDI trị giá hàng tỷ USD xin thoái lui, như Công ty Tata Steel thuộc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã rút đơn xin đầu tư dự án thép có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD ở Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Hay tại tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) cũng đã đề nghị chấm dứt hợp tác với Công ty cổ phần ô tô Trường Hải trong dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải…

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương- cho rằng, trong các dự án rút vốn đầu tư gần đây, có những nhà đầu tư nhắm đến đất đai rẻ, môi trường tốt nhảy vào kiếm cơ hội đầu cơ, nhưng khi thấy không còn cơ hội thì thoái lui. Nhưng cũng có một nguyên nhân chủ quan là do chúng ta chưa có năng lực sàng lọc những dự án FDI có khả năng thực hiện thực sự. Việc phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng gây nên tình trạng chọn lựa các nhà đầu tư kém năng lực.

Vì thế nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng có lựa chọn những doanh nghiệp (DN) đa quốc gia, bởi đi cùng với họ thường là những DN phụ trợ thay vì đưa ra các ưu đãi. Bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần có hệ thống ưu đãi linh hoạt cho các nhà đầu tư mục tiêu, chủ động tiếp xúc, đàm phán và thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bên cạnh những ưu đãi môi trường đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Hiệp hội các DN Châu Âu tại Việt Nam đánh giá kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham trong quý 4/2013 cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam tiếp tục giữ ở mức trung bình 50 điểm (trong thang điểm 100), và các DN cũng lo ngại hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các quy định, luật đầu tư trong thời gian tới.

Cũng theo đánh giá của EuroCham, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là hạn chế các dự án thâm dụng lao động, thay bằng những dự án công nghệ cao nhưng sự sẵn sàng về nguồn lao động cho các lĩnh vực này lại rất yếu.

Tận dụng những cơ hội mới

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, bước sang năm 2014 - 2015, thu hút FDI có nhiều thuận lợi hơn nhờ kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng hơn (WB-World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014 - 2015 tương ứng là 3,0% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013), kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn.

Bên cạnh đó, việc sẽ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong thời gian tới sẽ mở ra triển vọng về thu hút FDI vào Việt Nam khi các rào cản về thương mại và đầu tư được dỡ bỏ dần. Đặc biệt nhiều chủ trương liên quan đến FDI đang được thực hiện như: sửa đổi hệ thống luật pháp, cải cách hệ thống thuế, đơn giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…

Liên quan đến việc thay đổi các quy định, hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi trong thời gian tới nhiều DN cho rằng cần xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thủ tục cấp phép, chính sách ưu đãi đầu tư...

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phó Trưởng ban soạn thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho biết: Việc sửa 2 dự thảo luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để DN yên tâm đầu tư. Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật đang tồn tại hiện nay, tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả hơn nhưng không gây cản trở cho DN và nhà đầu tư.