Thu nợ bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào khả thi

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Tại hội thảo: “Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)- thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” diễn ra ngày 15/10 tại Hà Nội, nhiều ý kiến nhận định, tình hình nợ BHXH diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng qua các năm cả về số đơn vị và số tiền nợ là do chế tài xử phạt của Việt Nam chưa mạnh, thậm chí còn có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp (DN) lợi dụng.

Thu nợ bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào khả thi
Tình hình nợ BHXH diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Nguồn: internet
Nợ đọng bảo hiểm còn cao
 
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2014, cả nước có 47. 315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu trong đó số đơn vị nợ BHXH lớn, chiếm tỷ lệ cao. Điều đáng nói là, trong số này có đến trên 8000 đơn vị đã ngừng hoạt động (trong đó, gần 7000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan bảo hiểm) với số lao động lên đến hơn 30.000 người. Đây là tồn tại gây khó khăn rất lớn cho cơ quan BHXH nhiều năm nay, bởi không có nguồn lực cũng như căn cứ để giải quyết quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
 
Không chỉ nợ đọng BHXH mà hiện nay tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT đang xảy ra ở khắp các địa phương, với mức độ ngày càng nhiều, phổ biến nhất là các DN ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh. Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia, tức còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH. Điều này đồng nghĩa với việc trên 5 triệu người này đã mất quyền an sinh xã hội cơ bản. Còn theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số trên 300.000 DN, tổ chức đang hoạt động, cơ quan bảo hiểm chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị. Như vậy có đến 50% số DN trốn đóng BHXH, với tình trạng này, các cơ quan e ngại nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động (SDLĐ) tuân thủ pháp luật về BHXH thì đến năm 2020 sẽ khó đạt được mục tiêu trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
 
Nguyên nhân khiến cho tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH gia tăng trong thời gian qua được xác định là do cơ chế, chính sách. Cụ thể, quy định mức đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, vô tình đã khuyến khích DN cố tình nợ BHXH để chiếm quỹ. Đã vậy, cơ quan BHXH lại không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Trong khi đó, việc thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời; kể cả khi Luật BHXH, BHYT đều có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật nhưng do trong Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh về BHXH, nên không xử lý được. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, SXKD đình đốn, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH. 
 
Giải pháp nào khả thi?
 
Để khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, tại hội thảo đại diện BHXH Việt Nam kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện; đảm bảo tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối quỹ BHXH. Đồng thời bổ sung thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực BHXH; quy định chi phí quản lý một cách linh hoạt để phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành BHXH trong từng thời kỳ. Đặc biệt cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự các chế tài cho tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động.
 
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI, kiến nghị, để khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước cần xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh nhưng đồng thời cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với các DN và người lao động. Theo đó, cần tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, giải thích, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật BHXH nhất là các nội dung về giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Về lâu dài, ông Dũng đề xuất, cần xây dựng lòng tin của người sử dụng lao động cũng như cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách pháp luật tại các DN đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động. Khi phát hiện sai phạm, cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
 
Chia sẻ kinh nghiệm, chuyên gia kinh tế đến từ Tổ chức Lao động thế giới khuyến cáo, không có mô hình cụ thể nào phù hợp cho từng quốc gia, tuy nhiên, để ngăn chặn gian lận cũng như sai phạm trong việc thu, chi quỹ BHXH thì hệ thống pháp lý hay nói cách khác là Luật BHXH cần dễ hiểu và dễ thực hiện hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được nộp BHXH chính là vì quyền lợi của chính họ.