Thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh

TS. Nguyễn Quang Tuấn, Bộ Khoa học và Công nghệ

(Tài chính) Trong những năm qua, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang được đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao chất lượng nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

 Thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ là một trong những đóng góp quan trọng bảo đảm cho công nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức 14%/năm. Nguồn: internet

Thực trạng chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ

Trong thời gian qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ là một trong những đóng góp quan trọng bảo đảm cho công nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức 14%/năm.

Trong sản xuất nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã tạo ra hàng trăm giống cây trồng mới có chất lượng và năng suất cao trong 5 năm gần đây. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn: trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới. Riêng 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu héc-ta đất canh tác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có năng suất tăng hơn các giống cũ 10%, đạt 4,86 tấn/ha, đã làm tăng sản lượng thêm 500.000 - 790.000 tấn, làm lợi cho bà con nông dân khoảng 1.200 - 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng đầu tư để nghiên cứu lai tạo các loại giống cây lương thực (trong đó có lúa) chưa đến 30 tỷ đồng. Ngoài ra, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã đem lại những thành tựu to lớn trong các ngành thủy sản, giao thông vận tải, xây dựng, y tế và các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, theo kết quả quan sát một cách khá toàn diện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở nước ta cho thấy việc áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Để tìm hiểu về thực trạng chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tác giả của nghiên cứu này và một nhóm cán bộ khoa học của Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ đã lựa chọn ngẫu nhiên 300 đề tài nghiên cứu trong tổng số gần 2.300 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ đã được nghiệm thu trong giai đoạn 2005 - 2011 ở một số lĩnh vực kinh tế, như công nghiệp hóa chất, cơ khí, nông nghiệp và thủy sản. Với 300 phiếu hỏi được gửi đi, trên 200 chủ nhiệm đề tài không trả lời nhóm nghiên cứu dưới bất kỳ hình thức nào (từ trả lời phiếu hỏi qua bưu điện, điện thoại đến trả lời phiếu hỏi qua thư điện tử). Trong số gần 100 chủ trì các đề tài nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu có thể tiếp xúc, khoảng 10% số chủ trì đề tài cho biết kết quả nghiên cứu của họ đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Ngoài việc khảo sát các chủ trì đề tài, nhóm nghiên cứu cũng trao đổi với một số cán bộ quản lý khoa học của một số ngành kinh tế về thực trạng chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh. Trong một ngành kinh tế, các cán bộ quản lý khoa học của ngành ước tính, trong lĩnh vực nghiên cứu của họ chỉ có khoảng 5 - 10% số đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 10% số đề tài có tiềm năng đưa vào sản xuất, kinh doanh, song do một số nguyên nhân, các kết quả của đề tài này chưa thể áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Những đề tài còn lại, một số cán bộ quản lý khoa học cho biết “có cho cũng không ai nhận”.

Kết quả điều tra khảo sát của tác giả cũng không có sự khác biệt lớn so với những phát hiện trong một số nghiên cứu trước đây. Ví dụ, theo đề tài “Nghiên cứu luận cứ khoa học cho các chính sách và giải pháp xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo cáo khoa học Tổng hợp đề tài cấp Nhà nước năm 2006”, tác giả Hồ Đức Việt - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, tỷ lệ các đề tài nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm từ 12 - 15%, đồng thời năng lực sáng tạo công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam chưa cao.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm ở đây là hiệu quả ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ. Có những đề tài sau khi đưa vào sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều lần so với đầu tư ban đầu của Nhà nước. Song, cũng có những kết quả nghiên cứu khi đưa vào sản xuất, kinh doanh chỉ mang lại lợi ích kinh tế bằng 1/2, 1/3 thậm chí không đáng kể so với kinh phí đầu tư cho đề tài.

Một số đề tài nghiên cứu được Nhà nước tài trợ chi phần lớn kinh phí để mua máy móc - công nghệ của nước ngoài và việc “nghiên cứu” ở đây chỉ là sự điều chỉnh không đáng kể, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp. Nếu tổ chức nghiên cứu là một tổ chức khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và kinh phí do doanh nghiệp bỏ ra thì đó là vấn đề bình thường của sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan tâm ở đây là viện nghiên cứu công lập với kinh phí do Nhà nước tài trợ, những nghiên cứu theo kiểu “mua” này cần được hạn chế và nên tập trung hơn vào những nghiên cứu mà doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong hàng trăm đề tài nghiên cứu đã được khảo sát, không có một đề tài nghiên cứu nào được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ (spin-offs). Với kết quả nghiên cứu khoa học như hiện nay, nước ta rất khó có thể đạt được mục tiêu 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2015 và 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 như đã đề ra trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Một số nguyên nhân

Nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng nêu trên là do “cầu” kết quả nghiên cứu và phát triển trên thị trường (tức là bên mua các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ). “Cầu” của các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trong các ngành/lĩnh vực là rất khác nhau. Có những ngành/lĩnh vực gần như thiếu vắng thị trường cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, trong ngành lâm nghiệp, với đối tượng nghiên cứu chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, phần lớn kết quả nghiên cứu của ngành sẽ không có thị trường. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu của ngành là các loài cây dài ngày khó có thể tìm được các nguồn đầu tư tư nhân vào nghiên cứu và phát triển. Trong trường hợp này, Nhà nước cần phải mua các kết quả nghiên cứu đó (việc Nhà nước cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu của ngành trong những năm qua là một hình thức mua của Nhà nước).

“Cầu” của thị trường phụ thuộc vào thu nhập của người mua trên thị trường. Sức mua thấp của các tác nhân tham gia trên thị trường hạn chế việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, trong ngành nông nghiệp nơi mà đối tượng mua chủ yếu là nông dân có thu nhập thấp so với các đối tượng khác trong xã hội, kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ khó có thể bán cho nông dân. Trong trường hợp này, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nông dân trên cơ sở chính sách mua của Nhà nước.

Ngoài những đặc thù về ngành nghề và thu nhập của bên mua trên thị trường, “cầu” kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước còn phụ thuộc vào tâm lý và sở thích của người mua trên thị trường. Ví dụ, tâm lý thích và tin tưởng vào công nghệ nhập từ nước ngoài cũng là một trở ngại cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các tổ chức khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Cảm nhận của doanh nghiệp về kết quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học và công nghệ cũng là một nguyên nhân hạn chế việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới thông thường thì các tổ chức khoa học và công nghệ lại tập trung vào những nghiên cứu mang tính hàn lâm. Những cảm nhận như vậy làm cho việc thu hẹp khoảng cách nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Nhóm nguyên nhân thứ hai thuộc về “cung” sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ, tức là bên bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ. Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở Việt Nam chủ yếu dựa trên những gì mà các nhà khoa học và công nghệ hiểu biết chứ chưa phải dựa trên nhu cầu thực sự của sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của các đề tài khó có thể áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Chất lượng nghiên cứu của các đề tài chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Rõ ràng, với những người mua có thói quen tin tưởng và thích công nghệ nhập từ nước ngoài, các đề tài nghiên cứu trong nước, nếu không có những tính năng vượt trội về chất lượng hoặc giá cả sẽ rất khó khăn trong thuyết phục người mua trên thị trường. Ngoài ra, phần lớn các đề tài nghiên cứu về công nghệ của Việt Nam là bắt chước và thích nghi các công nghệ của nước ngoài với chất lượng và giá cả khó có thể cạnh tranh được với công nghệ nhập khẩu.

Các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cá nhân các nhà khoa học chưa quan tâm đến việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học đồng nghĩa với việc kết thúc ý tưởng nghiên cứu và chuẩn bị các ý tưởng nghiên cứu tiếp theo. Cho đến nay, chưa có nhiều tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ quan sát và đánh giá các đề tài nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu. Các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng không đặt sự quan tâm đến việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của họ.

Nhóm nguyên nhân khác hạn chế việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh thuộc về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Hiện nay, cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế tài chính còn phức tạp và lạc hậu so với các nước công nghiệp phát triển và so với một số nước trong vùng. Với cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ như hiện nay, phần lớn kết quả nghiên cứu và phát triển của Việt Nam sẽ là những kết quả “hạng hai”, hơn nữa, còn làm cho các bên có liên quan trong hoạt động khoa học và công nghệ khó thực hiện đúng, tạo khe hở để một bộ phận những người tham gia nghiên cứu hợp lý hóa thành thu nhập cá nhân.

Chính vì thế, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 01-11-2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành có liên quan hiện đang tập trung nguồn lực đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ.

Một số biện pháp thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ

Một là, nhanh chóng xây dựng chính sách mua của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ. Đây là nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01- 11-2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chính sách mua của Nhà nước cần đạt được một số mục tiêu sau: (1) Gia tăng “cầu” của các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ, tạo cơ hội lớn hơn cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; (2) Xác định được hình thức mua của Nhà nước, những lĩnh vực Nhà nước mua và những lĩnh vực do thị trường quyết định; (3) Cơ cấu cũng như tỷ lệ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mà Nhà nước mua trong từng lĩnh vực cụ thể.

Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cần xây dựng cơ sở dữ liệu và các báo cáo về nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở các ngành và địa phương trong cả nước. Các báo cáo về nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ hình thành các ý tưởng nghiên cứu hướng nhiều hơn vào thị trường. Báo cáo về nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng là một tài liệu tham khảo cho việc mua hay đặt hàng của Nhà nước đối với các tổ chức khoa học và công nghệ.

Ba là, xác định mức độ công khai và công khai hóa các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh trên trang mạng của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Việc công khai các đề tài nghiên cứu (ít nhất công khai về tên đề tài, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và một số kết quả đạt được) góp phần tiết kiệm được kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, tránh việc nghiên cứu trùng lắp và tạo được sự tham khảo kế thừa trong nghiên cứu khoa học. Việc công khai này cũng có thể nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tiếp tục đầu tư cho một số đề tài trở thành các dự án phát triển và đưa ra thị trường.

Bốn là, cần xây dựng quy định bắt buộc đối với các tổ chức khoa học và công nghệ về việc lập hồ sơ và theo dõi các đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ. Cùng với việc lập hồ sơ theo dõi các đề tài sau khi nghiệm thu và công khai hóa, Nhà nước cần ban hành quy định việc khấu hao “siêu nhanh” đối với các đề tài nghiên cứu được thực hiện bằng kinh phí nhà nước. Ví dụ, một đề tài nghiên cứu có kết quả được công khai sau 3 - 5 năm mà chưa tìm được nhà đầu tư, Nhà nước nên chuyển giao không lấy tiền cho doanh nghiệp có khả năng hoặc mong muốn ứng dụng kết quả nghiên cứu đó vào sản xuất, kinh doanh.

Năm là, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cần xây dựng và ban hành một bộ chuẩn mực mang tính nguyên tắc đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu hài hòa với các chuẩn mực nghiên cứu quốc tế. Trên cơ sở các chuẩn mực mang tính nguyên tắc đó, Nhà nước khuyến khích và công nhận các chuẩn mực về nghiên cứu khoa học do các tổ chức khoa học và công nghệ đưa ra và vận dụng cho từng tổ chức khoa học và công nghệ, phù hợp với đặc thù của ngành/lĩnh vực nghiên cứu.