Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị: Không thể khoác chung “áo chính sách”

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Dù khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được đánh giá không yếu kém đến mức không thể tham gia chuỗi giá trị, song trên thực tế, khối doanh nghiệp này và khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang đi trên hai đường thẳng song song. Theo các chuyên gia, để khắc phục điều này không thể khoác chung một “chiếc áo chính sách” cho mọi doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Đi trên hai đường thẳng song song”

“Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn là điều xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo “Tham gia chuỗi giá trị: Cơ hội cho DNNVV do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 11/5.

Ông Mại dẫn Báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) để lý giải điều này: Năm 2017, Việt Nam đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ, tăng 3 bậc so với năm 2014.

Theo dự báo của KITA, Việt Nam sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hàn Quốc vào năm 2020 với kim ngạch 100 tỷ USD. Ngoài ra, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may từ 15,8 tỷ USD năm 2011 tăng lên 31 tỷ USD năm 2017; Việt Nam chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới, đứng hàng đầu về năng suất lao động của những nước xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy vậy, hiện chỉ có 21% DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Do đó, DNVVN ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.

“Chẳng hạn, Việt Nam sản xuất xe máy quy mô lớn với 3,2 - 3,5 triệu chiếc/năm; trong đó 80% linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, nhưng phần lớn là do doanh nghiệp FDI thực hiện, doanh nghiệp trong nước mới sản xuất được ắc quy, phụ tùng bằng nhựa.

Mặc dù đôi giày Nike in dòng chữ “Made in Vietnam” nhưng ý tưởng, thiết kế, công nghệ, thương hiệu, các bộ phận từ mũi, đế, da, dây, chỉ khâu, keo dán đến từ nhiều nước. Giá một đôi giày Nike hơn 100 USD thì phần của người Việt Nam chưa đến 10 USD”, ông Mại nói.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy, khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và DNNVV vẫn “đang đi theo hai đường thẳng song song. Không phải doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI không muốn hợp tác nhưng có gì đó trong cơ chế, cách làm, thực thi không thể giải quyết được bài toán này”, bà Thủy nói.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc tham gia vào cụm liên kết và chuỗi giá trị của khối DNNVV bị hạn chế. Theo Phó Trưởng phòng Tổng hợp và chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Bích Thủy, hiện chưa có chính sách cụ thể nào ngoài Luật Hỗ trợ DNNVV giúp doanh nghiệp tham gia liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Một phần khác, theo các chuyên gia, là vì doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực… Ngoài ra, sản lượng thị trường không đủ lớn khiến doanh nghiệp trong nước chưa thực sự mặn mà đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, như trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

Giải pháp phải đồng bộ

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày một sâu hơn thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, dòng vốn FDI tiếp tục mạnh lên, các doanh nghiệp trong nước chỉ có con đường chinh phục thị trường thế giới mới là nền tảng vững chắc để phát triển. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tham gia được vào liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, cần có sự đồng bộ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội. Theo đó, về phía Nhà nước, bên cạnh việc giảm chi phí đầu tư và kinh doanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách nền hành chính quốc gia, cũng đã đến lúc cần có thể chế, chính sách thích ứng với từng loại doanh nghiệp để không những tăng nhanh về số lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng.

“Chính phủ đã chỉ ra điểm yếu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là năng suất lao động, gắn với trình độ công nghệ và nhân lực. Thử hỏi đã có vị bộ trưởng nào đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục điểm yếu đó?”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Nguyễn Mại, mỗi loại hình doanh nghiệp đang đặt ra những đòi hỏi riêng về cơ chế, chính sách của Nhà nước, không thể dùng “một chiếc áo” cho mọi loại doanh nghiệp”.

Theo đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách khuyến khích mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước bằng cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính đối với những doanh nghiệp FDI có nhiều doanh nghiệp trong nước làm công nghiệp hỗ trợ là nhà cung ứng cấp I, đồng thời những doanh nghiệp cung ứng cấp I này cũng cần được hưởng ưu đãi tương tự.

Về phía doanh nghiệp không có con đường nào khác là đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và từng bước tích tụ vốn để tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải tiếp cận với tư duy quản lý theo hướng hiện đại, coi trọng chất lượng và hiệu quả, xây dựng lòng tin với đối tác và gây dựng uy tín của doanh nghiệp. Về phía hiệp hội cũng cần được Nhà nước coi trọng, vì trong chuỗi giá trị này thì hiệp hội phải đóng vai trò đầu tàu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình bổ sung, doanh nghiệp cần có chiến lược mạch lạc khi tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu và phải hướng tới sự bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp phải kết hợp được sản xuất và thương mại, tính toán đến việc hạ giá thành bởi làm tốt mà giá thành cao thì khó trụ vững.

Khi giảm bớt giá thành thì phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, phải cải tiến, đổi mới thì mới theo được mạng lưới sản xuất. Ngoài ra, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, DNNVV cũng cần quan tâm đến việc trau dồi khả năng ngoại ngữ, cách trình bày website quảng bá cũng như cung cấp thông tin cho khách hàng. Nếu không, cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp sẽ càng hạn chế.