Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển: Mấu chốt vẫn là cải cách thể chế

Theo daibieunhandan.vn

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, mấu chốt vẫn là nâng cao chất lượng thể chế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nhận định. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, cần đặt mục tiêu cao hơn là xóa bỏ mọi rào cản pháp lý; tập trung giảm thời gian, chi phí và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Trước hết, cần tiếp tục các giải pháp Chính phủ đã đề ra. Vấn đề là phải kiên quyết đạt đúng mục tiêu, đúng thời hạn.

Áp lực cải cách rất lớn

Năm 2017 chắc chắn là một điểm mốc được nhắc tới trong bước phát triển của đất nước bởi Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết 10 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây có phải là thời điểm để khẳng định sự phát triển của kinh tế tư nhân không, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ông Phan Đức Hiếu: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sự thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân có từ lâu, từ những năm 2000, với những dấu mốc quan trọng là Luật Doanh nghiệp 1999 và Đại hội lần thứ IX. Đây là thời điểm quan trọng, đòi hỏi cải cách thể chế thực sự, mạnh mẽ và mang tính chất đột phá để khu vực kinh tế tư nhân phát huy hết, tối đa tiềm năng và cơ hội.

Nếu không, chúng ta có thể mất đi một cơ hội để kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, phát triển khoa học công nghệ và cạnh tranh quốc tế ngày càng cao, ngày càng quyết liệt.

Gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách này trong thời gian qua?

Trước hết tôi cho rằng, Chính phủ đã thấy được sự cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển; phấn đấu đưa môi trường kinh doanh nước ta có chất lượng tương đương với các nước hàng đầu trong khu vực. Ví dụ, Nghị quyết của Chính phủ đã xác định mục tiêu cải cách là môi trường kinh doanh nước ta phải đạt chất lượng trung bình 4 nước ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Tuy đã được một số kết quả tích cực, nhưng là người theo dõi sát quá trình cải cách này, tôi thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa quyết tâm, mục tiêu với kết quả và tác động trên thực tế. Kết quả đạt được cho đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đã đề ra; đồng thời, cũng chưa đạt được yêu cầu sự phát triển cũng như sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và bên có liên quan.

Chúng ta cần hiểu rằng, áp lực cải cách hiện nay rất lớn, các nước xung quanh quyết tâm cải cách rất cao và họ cũng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Nước ta còn khoảng cách khá xa so với các nước hàng đầu khu vực, cả về môi trường kinh doanh và năng lực doanh nghiệp.

Mấu chốt vẫn là cải cách thể chế

Theo ông, khu vực kinh tế tư nhân đang gặp những vướng mắc, cản trở nào trong quá trình phát triển?

Ở đây cần xét trên hai khía cạnh là môi trường thể chế và bản thân năng lực của doanh nghiệp.

Xét về môi trường thể chế, nếu so sánh với các nước xung quanh và “cạnh tranh” trực tiếp với ta, thì đây một rào cản. Ví dụ, như về chất lượng môi trường kinh doanh, nước ta đứng thứ 81/189; đặc biệt nhiều lĩnh vực có chất lượng rất kém như trả thuế (xếp hạng 167/189), thương mại qua biên giới (93/189), mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ xếp hạng 88/128 - thấp nhất khu vực, chỉ hơn các nước như Nepal, Pakistan… Kiến nghị gần đây của CIEM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết - rào cản này đang làm gia tăng chi phí kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh, triệt tiêu sáng tạo, hạn chế gia nhập thị trường, làm méo mó cạnh tranh, tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ; hạn chế đáng kể sự ra đời, mở rộng kinh doanh và phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Về năng lực của doanh nghiệp, số liệu điều tra, thống kê gần đây cho thấy thực trạng này. Đó là quy mô nhỏ, hiệu quả cạnh tranh; năng suất lao động thấp; tỷ lệ lợi nhuận chưa cao, năng lực công nghệ thấp, trình độ lao động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hạn chế năng lực của doanh nghiệp có nguyên nhân từ chất lượng thể chế yếu kém. 

Cuộc cải cách đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, khơi nguồn sáng tạo cho những đổi mới trong phát triển kinh tế tư nhân trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo. Vậy, cần có định hướng, chính sách hỗ trợ nào để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thưa ông?

Từ phân tích trên, mấu chốt hiện nay vẫn là cải cách, nâng cao chất lượng thể chế. Tuy nhiên, cần đặt một mục tiêu cao hơn: Xóa bỏ mọi rào cản, tập trung vào giảm thời gian, chi phí và rủi ro pháp lý. Do đó, trước hết vẫn cần tiếp tục các giải pháp của Chính phủ đã đề ra. Vấn đề là phải kiên quyết đạt đúng mục tiêu và đúng thời hạn.

Ngoài ra, cần phải thay đổi căn bản phương thức quản lý nhà nước theo đúng nguyên tắc và cơ chế thị trường; chuyển mạnh, chuyển hoàn toàn từ thói quen quản lý cũ sang tư duy mới, quản lý kết quả đầu ra và áp dụng phương thức quản lý rủi ro.

Giảm sự can thiệp sâu, cứng nhắc của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh bằng cách cắt giảm, bãi bỏ các quy định bất hợp lý. Cuối cùng, cần có niềm tin vào thị trường và vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân.

Xin cảm ơn ông!