Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn:

Thúc đẩy phát triển thị trường vốn, đảm bảo an toàn vĩ mô

PV.

Việc xây dựng lộ trình tự do hóa dòng vốn cần được thực hiện đồng thời với việc xây dựng tổng thể các biện pháp phòng ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi, những bất ổn và rủi ro trong kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là một trong những yêu cầu đặt ra tại Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận về Đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn tại Việt Nam. Thực hiện kết luận của Thủ tướng và ý kiến các thành viên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện lại một số nội dung để trình Chính phủ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu lộ trình tự do hóa giao dịch vốn cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, tính đồng bộ của chính sách vĩ mô, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Lộ trình tự do hóa cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn không kiểm soát được mang lại.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra định hướng cơ bản đối với lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn, trong đó, đối với các giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn thông qua kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, hoàn thiện cơ chế báo cáo và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

Đối với giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Trường hợp điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

Tại Việt Nam, các quy định về quản lý dòng vốn hiện đã và đang hướng theo lộ trình tự do hóa các dòng vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, dựa trên bảng chấm điểm về tự do hóa tài khoản vốn do các thành viên ASEAN đưa ra và chỉ số hội nhập tài chính, Việt Nam được xếp vào nhóm tự hóa cao trong khu vực, tương đương với Thái Lan.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn theo đuổi chủ trương mở cửa dòng vốn một cách thận trọng hướng tới tăng trưởng bền vững và hạn chế rủi ro. Đồng thời gỡ bỏ dần các quy định hành chính hạn chế sự luân chuyển dòng vốn, tăng cường sử dụng các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô hơn là các biện pháp kiểm soát hành chính với dòng vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, tự hóa các giao dịch vốn mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính của một quốc gia nói riêng như: góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tri thức, tạo môi trường đầu tư minh bạch, tạo sự dịch chuyển hiệu quả các dòng vốn...

Tuy nhiên, việc này cũng mang lại những tác động tiêu cực khi các điều kiện tiền đề để tự do hóa chưa được bảo đảm, ví dụ như có thể gắn với những rủi ro kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng tín dụng đột ngột làm gia tăng tỷ giá thực, tạo ra áp lực lạm phát, gây bất ổn hệ thống tài chính, gây rủi ro đảo chiều dòng vốn đột ngột…

Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách cần hướng tới mục tiêu: Giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính; chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất,…; tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô; Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế.