Thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công

TRẦN ĐỨC THẮNG – CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN – BỘ TÀI CHÍNH

(Tài chính) Nhằm khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực dân sinh, để người dân có cơ hội thụ hưởng các dịch vụ ngày càng tốt hơn và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, một số cơ chế chính sách sẽ được điều chỉnh, xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

Các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn: internet
Các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn: internet

Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã đạt được một số kết quả như sau:

Một là, chính sách này bước đầu góp phần thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia vào hoạt động phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, môi trường.

Hai là, các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa.

Ngoài chính sách chung, một số địa phương có chính sách ưu đãi đặc thù như: hỗ trợ kinh phí cho các trường trung học phổ thông ngoài công lập mua sắm trang thiết bị dạy học; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa được giao đất, cho thuê đất trong các dự án, khu đô thị mới theo tỷ lệ (%) giá trị đầu tư.

Ba là, chính sách này đã thu hút được các thành phần kinh tế cùng với Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; mở rộng việc áp dụng các kỹ năng quản lý, quản trị tiên tiến; góp phần tăng nhanh về quy mô, số lượng, đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho xã hội. 

Bốn là, việc phát triển về quy mô, số lượng các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập đã tạo điều kiện thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của nhân dân với các loại hình dịch vụ này; góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực cho các dịch vụ sự nghiệp có vai trò thiết yếu đối với xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt đựợc, theo phản ánh của các địa phương, chính sách khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đất đai vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là:

Các chính sách đầu tư, thu hút đầu tư của xã hội cho phát triển khu vực ngoài công lập nhất là đối với đất đai chưa đủ mạnh, một số nội dung chưa rõ ràng để có thể huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Tuy đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính; về quy hoạch phát triển các cơ sở xã hội hóa còn chậm dẫn đến đầu tư tự phát; cơ chế giám sát chất lượng các dự án xã hội hóa chưa cụ thể, khó thực hiện…

Cơ chế hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư đã được quy định, tuy nhiên chưa được thực hiện đầy đủ, do địa phương không có sẵn quỹ đất sạch để giao và nhiều địa phương có ngân sách hạn hẹp.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 69, Nhà nước có trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng cho dự án xã hội hóa đồng thời với việc thực hiện ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho hầu hết các dự án xã hội hóa. Do đó, trên thực tế, đa số các địa phương không đủ nguồn lực tài chính để bố trí ngân sách cho nhiệm vụ chi này.

Trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; sau đó, làm thủ tục đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa, hiện nay Nghị định 69 chưa có quy định. Vì vậy, các địa phương còn lúng túng trong việc xác định nghĩa vụ tài chính cũng như xác định việc ưu đãi miễn, giảm về đất đai đối với các dự án thuộc trường hợp này.

Ngoài ra, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có sự thay đổi bổ sung, đan xen giữa chính sách mới, cũ dẫn đến gặp khó khăn khi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng trong cùng dự án. Hiện nay, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc cưỡng chế đối với những người bị thu hồi đất nhưng chây ỳ, không chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước (không cho kiểm đếm đất đai, tài sản, không chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt); chưa có hình thức xử phạt bổ sung đối với những trường hợp không phối hợp thực hiện chính sách thu hồi, bồi thường đất của Nhà nước… Vì vậy các địa phương gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất sạch để giao cho các dự án xã hội hóa.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự  án xã hội hóa cũng còn nhiều bất cập. Thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất theo Nghị định 69 còn chung chung nên các địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó là các văn bản quy phạm pháp luật và sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức về xã hội hóa chưa theo kịp với tình hình phát triển. Chính điều này đã làm cho không ít nhà đầu tư còn e ngại khi tham gia vào chủ trương này.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia dự án xã hội hóa nhiều hơn, tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ ngày càng tốt hơn và giúp giảm chi cho ngân sách nhà nước, một số cơ chế sẽ được sửa đổi, cụ thể:

Đối với các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa sẽ tiếp cận được với đất đai để đầu tư phát triển cơ sở xã hội hóa một cách “thật sự” thông qua cơ chế  cùng góp sức với nhà nước để tạo quỹ đất sạch hoặc tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đó đề nghị nhà nước cho chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời đối với các dự án xã hội hóa sử dụng đất đô thị sẽ được hưởng mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cao hơn so với quy định tại Nghị định số 69.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa cũng sẽ được tháo gỡ các thủ tục hành chính thông qua việc bổ sung cụ thể hóa quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn xác định điều kiện được hưởng chính sách xã hội hóa, phương thức xác định mức miễn, giảm cũng như việc xác định và thu nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai (nếu có) đối với các dự án xã hội hóa.

Đối với Nhà nước, chính sách được sửa đổi trên nguyên tắc Nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp trong phạm vi những khoản thu vào ngân sách nhà nước, đảm bảo tính khả thi trên cơ sở hỗ trợ cao nhất cho các đơn vị tham gia thực hiện chính sách xã hội hóa theo khả năng của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa thông qua các cơ chế thông thoáng ngay từ khâu quy hoạch sử dụng đất để dành quỹ đất cho phát triển xã hội hóa đến khâu hỗ trợ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Đối với người dân, bổ sung quy định về việc giám sát của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện các tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các dự án xã hội hóa trong suốt đời dự án, do đó, sẽ góp phần kiểm soát chất lượng của dịch vụ xã hội hóa nhằm bảo vệ người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, việc quy định doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa phải loại bỏ toàn bộ những hỗ trợ của nhà nước khỏi chi phí dự án sẽ gián tiếp hỗ trợ về giá cho người thụ hưởng dịch vụ xã hội hóa.