Thực hiện chính sách về các loại hình bảo hiểm xã hội ngắn hạn

PV.

(Tài chính) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách bắt buộc không chỉ riêng Việt Nam, mà là chính sách mang tính phổ biến ở tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Bắt buộc là hình thức, thái độ yêu cầu thực hiện, nhưng là yêu cầu thực hiện cho thái độ nhân đạo đối với con người trong cộng đồng, trong đó có cả trách nhiệm đối với chính người được bắt buộc thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau nhiều năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), các chế độ về BHXH ngắn hạn đã phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; góp phần bảo đảm tốt hơn thu nhập, đời sống cho đối tượng tham gia khi không may gặp rủi ro như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ BHXH ngắn hạn hiện nay vẫn còn có một số vướng mắc cần được tháo gỡ để bảo đảm hiệu quả của chính sách an sinh xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động là các chế độ BHXH ngắn hạn thuộc loại hình BHXH bắt buộc. Ba chế độ này thực hiện theo nguyên tắc lấy số đông bù cho số ít, có người đóng nhưng không hưởng; đóng thời gian nào, hưởng thời gian đó, thôi đóng thì thôi hưởng. Đơn vị sử dụng lao động được coi là đại diện trực tiếp chi trả các chế độ trên cho người lao động do đơn vị quản lý.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc quy định hồ sơ, trách nhiệm và thời gian giải quyết các chế độ BHXH theo Luật Bảo hiểm xã hội đã tạo ra sự thống nhất trong tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi cho cơ quan BHXH, người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ BHXH ngắn hạn hiện nay hiệu quả chưa cao do còn nhiều vướng mắc.

Cụ thể như, về chế độ ốm đau, thai sản, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động được giữ lại 2% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH; trong thời gian 3 ngày, phải giải quyết trả trợ cấp ốm đau, thai sản cho người lao động; tổ chức BHXH thực hiện quyết toán với người sử dụng lao động hàng tháng hoặc hàng quý. Quy định này thực tế không khả thi, người lao động không những không được thụ hưởng chế độ kịp thời mà còn bị kéo dài thời gian giải quyết chế độ, làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan BHXH cũng như đơn vị sử dụng lao động. Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động điều trị ngoại trú vẫn thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 11/1999 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã làm khó cho người lao động, vì không có cơ sở khám chữa bệnh nào ký hợp đồng với cơ quan BHXH về loại hình bảo hiểm này. Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày vẫn thực hiện theo các thông tư hiện hành không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH của người lao động. Về chế độ thai sản, quy định điều kiện để hưởng trợ cấp thai sản là người lao động phải có thời gian đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Như vậy, những trường hợp đã có thời gian tham gia BHXH nhiều năm, nhưng vì lý do nào đó không đủ điều kiện nêu trên, sẽ không được hưởng chế độ thai sản và không được tính thời gian nghỉ thai sản theo quy định. Chính sách thai sản đang có sự bất bình đẳng giữa các khu vực lao động nữ ở nông thôn, lao động nữ trong doanh nghiệp và lao động nữ trong khu vực nhà nước.

Về chế độ hưởng trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Luật quy định, để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản tai nạn giao thông. Thực tế không phải tất cả các vụ tai nạn giao thông được lập biên bản. Bên cạnh đó, chưa có văn bản quy định thủ tục hồ sơ tai nạn lao động đối với trường hợp bị tai nạn xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam; tai nạn giao thông đường thủy và đường không.

Ngoài ra, tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khó khăn, dẫn đến tình trạng nợ, trốn đóng BHXH xảy ra phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm trên 70% tổng số nợ, làm ảnh hưởng Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một bộ phận doanh nghiệp nhân cơ hội này luồn lách, làm trái quy định pháp luật như chỉ đóng BHXH cho người lao động với mức lương tối thiểu…

Để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó có các chế độ ngắn hạn nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, Nhà nước cần tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện BHXH, BHYT của các doanh nghiệp. Nghiên cứu áp dụng chế độ thai sản đối với BHXH tự nguyện để tăng nguồn thu và mở rộng đối tượng tham gia BHXH; ngân sách nhà nước xem xét hỗ trợ lao động nữ ở nông thôn, phụ nữ nghèo được tham gia, thụ hưởng chế độ thai sản. Điều chỉnh chính sách tiền lương đóng BHXH, nâng bậc lương đối với nữ để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ; giảm điều kiện hưởng thai sản đối với những người có thời gian đóng BHXH nhiều năm; có chi phí quản lý cho doanh nghiệp thực hiện chế độ ngắn hạn.

Những năm qua, ngành BHXH đã tiếp nhận, giải quyết chế độ BHXH bắt buộc cho gần 1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; gần 3 triệu người hưởng trợ cấp BHXH một lần và trên 20 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Năm 2012 và 2013, có gần 14 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, trong đó, gần 240 nghìn người hưởng BHXH hàng tháng, hơn 7 triệu lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần và khoảng gần 12 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.