Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014: Nhiệm vụ không dễ dàng

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Mặc dù đã có một số điểm sáng đáng chú ý như kiềm chế lạm phát ở mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, khống chế được xuất siêu, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh… song "bức tranh" kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn còn nhiều mảng tối. Để vượt qua những thách thức và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực vượt bậc.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014: Nhiệm vụ không dễ dàng
"Bức tranh" kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn còn nhiều mảng tối. Nguồn: internet
Bức tranh đan xen

GDP cả nước tăng 5,42% so với năm trước và diễn biến tăng dần qua từng quý, cho thấy nền kinh tế đang có bước hồi phục khá đều nhưng chậm. Đây là mức tăng thấp hơn so với kế hoạch. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm ngoái. Một số ngành có bước tăng khá, như dệt may, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, xe có động cơ, thiết bị điện…

Tuy nhiên, một số DN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồn đọng sản phẩm. Mặc dù, cả nước có thêm gần 77.000 DN thành lập mới trong năm 2013, tăng 10,1% về số DN, nhưng vốn đăng ký lại giảm 14,7% so với năm ngoái, trong khi số DN khó khăn, ngừng hoạt động hoặc giải thể là 60.737 DN. Trên thực tế, sự gắng gượng của các DN mới chỉ là cầm cự, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dù tăng 12,6%, nhưng theo các chuyên gia nhận định đây vẫn là mức tăng thấp, cho thấy nhịp độ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xã hội chưa được cải thiện, thị trường kém sôi động. Đặc biệt là tổng thu ngân sách chỉ đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% so với dự toán và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước ở mức 5,3% GDP, tức vượt 4,8% so với mức cho phép. Đây là điểm yếu của nền kinh tế bên cạnh những tồn tại khác như DN tồn đọng sản phẩm, sự trầm lắng của thị trường bất động sản và chứng khoán, nợ xấu ngân hàng…

Điểm sáng đáng chú ý là lạm phát đã được chặn đứng trong năm 2013, với mức tăng là 6,04% so với năm trước là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Kết quả này đã góp phần ổn định đời sống dân sinh, bình ổn thị trường. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục khẳng định vị thế, với tổng kim ngạch đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, vượt xa so với chỉ tiêu thông qua từ đầu năm.

Hàng Việt tiếp tục được đón nhận, khẳng định sức cạnh tranh tại những thị trường truyền thống cũng như thâm nhập vào một số thị trường mới. Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên đã khống chế được hiện tượng nhập siêu và nền kinh tế đã xuất siêu 863 triệu USD. Năm 2013 kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với năm trước; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.

Đồng bộ, nỗ lực

Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm 2014 nhờ sự hồi phục từ các yếu tố quan trọng như: Khả năng thu hút vốn, nhất là vốn ngoại; kết quả và tác động tích cực từ việc tái cơ cấu DN cũng như hệ thống ngân hàng; bên cạnh việc Chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp phù hợp, với tinh thần quyết liệt.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng nói trên không dễ dàng, bởi nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều thách thức. Một số đối tác quốc tế cũng nhận định năm 2014 nền kinh tế Việt Nam chưa thể xuất hiện sự bứt phá, mà chỉ có thể tập trung cải thiện tình hình, chủ yếu là hỗ trợ DN để hồi phục rõ rệt hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 làn sóng đầu tư nước ngoài vẫn hứa hẹn sức tăng trưởng khá cao, bởi có một số dự án đang nghiên cứu khả thi trước khi quyết định xin cấp phép. Trong đó, một vài dự án tổng hợp có quy mô vốn và tiềm năng khai thác lớn như tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ Casino tại Vân Đồn (Quảng Ninh) trị giá 4-5 tỷ USD. Một dự án tương tự cũng đang được các đối tác nước ngoài tìm hiểu khả năng đầu tư tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bên cạnh một số dự án khác thuộc lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, đô thị…

Lượng vốn đầu tư huy động từ xã hội cũng sẽ được khơi thông với chính sách phù hợp, theo hướng giảm bớt đầu tư công và ưu tiên thu hút vốn tư nhân, nhất là điều kiện tham gia các dự án về hạ tầng, dịch vụ công cộng qua hình thức 100% vốn tư nhân hoặc đối tác công - tư (PPP). Đặc biệt, động lực thứ hai đối với nền kinh tế vẫn sẽ là xuất khẩu, được kỳ vọng tiếp tục giữ vững phong độ như vài năm qua, phát huy lợi thế, tiềm năng của các ngành sản xuất trong nước.

 Dự tính, trong năm nay nhóm hàng điện thoại và linh kiện - là mặt hàng chủ lực mới, bắt đầu tham gia xuất khẩu, góp phần gia tăng kim ngạch cũng như đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu nói chung. Bên cạnh đó, các ngành hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, dầu thô, điện thoại… vẫn tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm vừa qua.

Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát bảo đảm an sinh xã hội; đáng kể là thực hiện tái cơ cấu gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; rà soát, bổ sung các chính sách, hỗ trợ thị trường và nhất là tiếp tục trợ giúp DN về thuế, hải quan, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất…

Tuy nhiên, quan trọng nhất là, cộng đồng DN phải có những nỗ lực vượt bậc để thoát khỏi tình trạng trì trệ, tiến tới ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.