Thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế

Vụ kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế)

Trong thời gian qua, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới theo hướng: tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị; các đơn vị được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh mới để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân... Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Bài viết phân tích và gợi mở một số giải pháp nhằm khắc phục các bất cập, tồn tại đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế

Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính (hướng dẫn Nghị định 43/2006/NĐ-CP) đã quy định, có 3 loại hình đơn vị sự nghiệp: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường; Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp; Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ.

Việc phân loại đơn vị sự nghiệp theo quy định trên được ổn định trong thời gian 3 năm, sau thời hạn 3 năm sẽ xem xét phân loại lại cho phù hợp. Trong thời gian ổn định phân loại, trường hợp đơn vị sự nghiệp có thay đổi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh phân loại lại cho phù hợp.

Theo dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp y tế được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao thực hiện cơ chế tự chủ theo các nhóm sau đây:

- Nhóm 1: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

- Nhóm 2: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;

- Nhóm 3: Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

- Nhóm 4: Đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với đơn vị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân loại và giao thực hiện cơ chế tự chủ theo nhóm 1 hoặc nhóm 2 thì không được điều chỉnh phân loại sang nhóm 3 hoặc nhóm 4. Nhóm 1 thí điểm thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của bệnh viện, 

Việc đăng ký, phân loại được ổn định trong thời gian 03 năm, sau thời hạn 03 năm sẽ xem xét phân loại lại cho phù hợp. Trường hợp đơn vị có biến động về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi làm thay đổi cơ bản mức tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên thì được xem xét điều chỉnh việc phân loại trước thời hạn.

Các đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính năm đầu của thời kỳ ổn định, báo cáo cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản phân loại, báo cáo cơ quan tài chính thẩm định, căn cứ kết quả thẩm định của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản quyết định việc phân loại và giao dự toán hàng năm.

Kết quả thực hiện tự chủ tài chính

Trong thời gian qua, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới. Ngay từ năm 2002, một số đơn vị sự nghiệp y tế công, phần lớn là các bệnh viện đã thực hiện điểm cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng hợp báo cáo của các đơn vị, địa phương, loại hình tự chủ của các đơn vị hiện nay cho thấy:

Thứ nhất, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức:

(i) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;

(ii) Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

(iii) Đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ (có nguồn thu <10% chi hoạt động) giảm.

Thực hiện tự chủ tài chính  tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế - Ảnh 1

Theo số liệu báo cáo của các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng: từ 28 đơn vị (chiếm 1,3%) năm 2013 lên 89 đơn vị, (chiếm 4,2%) năm 2017; Số lượng các đơn vị do ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên giảm, từ 678 đơn vị (chiếm 31,8%) năm 2013 xuống 592 đơn vị (chiếm 27,9%) năm 2017.

Các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên chủ yếu là các bệnh viện, đối với khối dự phòng chỉ có một số trung tâm kiểm dịch biên giới (10 Trung tâm) tại các cửa khẩu là bảo đảm được chi thường xuyên.

Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương nên ước tính cả nước có 18 bệnh viện tuyến cuối, 36 bệnh viện tuyến tỉnh và 24 bệnh viện tuyến huyện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cũng tăng cao (tỷ lệ đơn vị đã tự chủ được 80-95% chi thường xuyên cao, nếu có cơ chế giá hợp lý sẽ tự chủ được chi thường xuyên); số đơn vị do ngân sách phải bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên đã giảm rõ rệt, làm giảm số lượng lớn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy chưa có báo cáo đầy đủ nhưng chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 20.599 người (của 18 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 1.681,4 tỷ đồng/năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi tính tiền lương vào giá sẽ giảm chi lương từ NSNN khoảng 1.200 tỷ đồng, các tỉnh khác thấp nhất cũng giảm được 30-70 tỷ đồng.

Năm 2016, trong tổng số 2.146 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có 32 đơn vị có thu nhập tăng thêm trên 2 lần lương, 123 đơn vị có thu nhập tăng thêm từ 1 đến 2 lần lương và 1.846 đơn vị có thu nhập tăng thêm dưới 1 lần lương.

Thứ hai, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2015 và Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017. Trong đó, quy định mức giá gồm 2/4 yếu tố theo lộ trình quy định tại Nghị định số 16/2014/NĐ-CP của Chính phủ gồm: (i) chi phí trực tiếp; (ii) tiền lương; (iii) chi phí quản lý; (iv) khấu hao.

Đến tháng 4/2017, lộ trình tính tiền lương vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã được thực hiện đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (36 tỉnh thực hiện năm 2016, 27 tỉnh thực hiện vào tháng 3, tháng 4/2017), riêng đối với người chưa có thẻ BHYT đã thực hiện được 35 tỉnh, thành phố, dự kiến sẽ thực hiện hết trong năm 2017. Đây là bước quan trọng nhất vì chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng lớn trong giá dịch vụ, tạo điều kiện để tính chi phí quản lý, khấu hao vào giá.

Việc điều chỉnh giá theo chủ trương của Chính phủ từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố nên đã vừa điều chỉnh được giá đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân.

Thứ ba, hầu hết các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, vị trí việc làm trong đơn vị, bố trí công việc một cách khoa học, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực (nhiều đơn vị đã giảm bớt biên chế, viên chức để thực hiện chế độ hợp đồng lao động, rất hiệu quả, tăng tính trách nhiệm của người lao động).

Thứ tư, các đơn vị đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính để có chênh lệch thu chi, chi trả thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để mở rộng và phát triển đơn vị.

Thứ năm, phát huy được tính năng động, sáng tạo của các đơn vị và đội ngũ cán bộ y tế trong việc chủ động quyết định các biện pháp, giải pháp để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhiều đơn vị đã triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, quản lý chặt chẽ một số nguồn thu ngoài dịch vụ y tế như nhà thuốc bệnh viện, trông giữ xe, căn tin, nhà ăn; tham gia cung ứng các dịch vụ ngoài đơn vị và các hoạt động dịch vụ khác để tăng nguồn thu.

Thứ bảy, thúc đẩy xã hội hóa, vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Quỹ kích cầu (các đơn vị thuộc TP. Hồ Chí Minh); Nhiều đơn vị đã đăng ký, vay vốn của các ngân hàng thương mại; Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, các đơn vị được thực hiện 4 mô hình hợp tác đầu tư nhằm huy động vốn để đầu tư các cơ sở y tế với chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến, kết hợp công - tư trong giảm quá tải cho một số bệnh viện lớn; thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị, hợp tác đầu tư, sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân (người nghèo cũng được hưởng lợi vì nhiều thiết bị xã hội hóa dùng chung cho toàn bệnh viện),

Thứ tám, thực hiện được các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như:

- Chuyển từ “ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn” cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công sang “xã hội hóa”, giảm tư duy bao cấp, trông chờ, ỉ lại, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách;

- Chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”. Đây là bước đổi mới cơ bản, quan trọng, khắc phục tình trạng “bao cấp tràn lan, bao cấp ngược qua giá”, là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế tự chủ về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ, tăng sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ.

Thứ chín, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là tính lương vào giá đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ y tế, từ chỗ Nhà nước trả lương, nay người bệnh và BHYT trả lương, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện rõ rệt thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Những bất cập, hạn chế

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp một số khó khăn, hạn chế như sau:

- Về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao: Một trong những bất cập hiện nay là việc chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn y tế. Bên cạnh đó, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng công việc và có hiện tượng lạm dụng kỹ thuật để tăng nguồn thu.

- Về cơ chế quản lý bộ máy, biên chế: Các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công cũng chưa rõ ràng nên còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nếu để các đơn vị tự thành lập, giải thể thì có thể dẫn đến các đơn vị sẽ giải thể các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành… 

Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng còn chưa phù hợp, nhất là đối với các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư. Các đơn vị này không sử dụng ngân sách để trả lương, Nghị quyết 89-NQ/CP giao cho đơn vị tự quyết định nhưng chưa có hướng dẫn thành lập Hội đồng quản lý để thẩm định, tránh tình trạng duy ý chí của người đứng đầu đơn vị.

Nhiều đơn vị ký hợp đồng lao động với người làm chuyên môn y tế để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này thì lại bị coi là vi phạm, hạn chế quyền tự chủ của đơn vị (chưa được quy định thẩm quyền vì vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập phải tuyển dụng theo quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng viên chức). 

Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị đã tự bảo đảm được kinh phí hoạt động từ các nguồn thu, tự bảo đảm tiền lương cho người lao động nhưng do là “đơn vị sự nghiệp” nên bị hạn chế trong việc phát triển đơn vị.

Người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp vừa là “công chức” đối với lãnh đạo, vừa là “viên chức” đối với người không phải là lãnh đạo đơn vị, nên phải thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, rất khó khăn trong khi bệnh viện là nơi cung ứng dịch vụ, muốn chất lượng cao thì phải có nhân lực để phục vụ người bệnh.

Nhân lực các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp bệnh nặng, người nhà không có chuyên môn y tế vẫn phải chăm sóc người bệnh. Các đơn vị sự nghiệp công có cơ quan chủ quản bổ nhiệm lãnh đạo, nhiều việc chưa được “tự chủ” toàn diện mà phải xin cấp trên phê duyệt nên bị hạn chế quyền chủ động, sáng tạo, tự chủ tự chịu trách nhiệm của đơn vị.

Do đặc thù riêng, một số bệnh viện có nhiều cơ sở nhưng lại bị hạn chế số lãnh đạo đơn vị nên không thể đáp ứng yêu cầu quản lý. Việc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công là công chức nên không được kiêm nhiệm làm lãnh đạo cơ sở đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng làm hạn chế việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, kết hợp công – tư để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý; chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế ở vùng khó khăn. Tại các vùng này, viên chức y tế lương ngạch bậc thấp, thu nhập tăng thêm thấp hoặc không có dẫn đến có tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế…

- Về cơ chế tài chính: Còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như:

Một là, đầu tư từ NSNN cho y tế còn thấp; cơ cấu chi còn bất cập, chi cho y tế cơ sở, y tế dự phòng thấp. Phân bổ ngân sách còn mang tính bình quân, chưa gắn với kết quả đầu ra, chưa gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn giao, một số chi phí chưa được kết cấu trong giá dịch vụ nhưng chưa được cấp ngân sách.

Hai là, ngân sách trung ương dành cho chi Chương trình mục tiêu y tế - dân số còn thấp nên ảnh hưởng đến y tế dự phòng và hoạt động của y tế cơ sở.

Ba là, chưa ban hành được Nghị định thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP nên:

- Chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn y tế; Chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng công việc và có hiện tượng lạm dụng kỹ thuật để tăng nguồn thu;

- Còn khó khăn trong việc thực hiện quy định về Hội đồng quản lý theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP, mặc dù đã có Thông tư số 03/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn vướng mắc về việc thành lập, bổ nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng theo tiêu chuẩn, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý và Ban giám đốc...;

- Các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công cũng chưa rõ ràng nên còn nhiều ý kiến khác nhau;

- Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng còn chưa phù hợp. Việc quy định công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiễm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật... theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức rất khó khăn;

- Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế.

Bốn là, giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí (chi phí quản lý, chi phí khấu hao, lương vẫn tính theo mức lương cơ sở, nhân lực chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để có đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ) nên khó khăn cho các bệnh viện không tuyển đủ nhân lực để đáp ứng chuyên môn, khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư (giá dịch vụ BHYT chi trả chưa có khấu hao); vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư.

Năm là, việc xã hội hóa, vấn đề liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, hợp tác đầu tư theo Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) còn một số tồn tại bất cập như chưa hoàn thiện hành lang pháp lý, còn có tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng xét nghiệm, thu phí không tương xứng với dịch vụ, có sự phân biệt giữa khám, chữa bệnh theo yêu cầu và BHYT... Có ý kiến đề nghị phải rạch ròi, không để công tư lẫn lộn trong bệnh viện công.

Trong các hình thức xã hội hóa, huy động vốn, việc vay vốn Ngân hàng Phát triển hoặc các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư của nhà nước không ảnh hưởng đến việc công, tư trong bệnh viện công. Tuy nhiên, việc vay vốn của các bệnh viện công còn rất hạn chế, khó khăn vì nếu vay vốn thì bệnh viện phải trả gốc vay, lãi vay, trong khi cơ chế giá dịch vụ do BHYT chi trả chưa có khấu hao để có nguồn chi trả lãi và gốc vốn vay, người bệnh phải trả phần chênh lệch này.

Khi vay vốn, trách nhiệm của các bệnh viện trong việc trả nợ là rất lớn, trong khi liên doanh, liên kết, đặt máy thì do nhà đầu tư chịu. Một khó khăn khác là do lãi suất khá cao, thời gian phải trả vốn vay ngắn nên rất khó cân đối nguồn để trả nếu vay xây dựng bệnh viện.

Sáu là, về BHYT, mệnh giá thấp nên chưa thể chi cho các dịch vụ y tế dự phòng, khám, sàng lọc để hạn chế mắc bệnh, phát hiện sớm để giảm chi phí điều trị; chính sách thông tuyến tuy thuận lợi cho người dân trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ gây tâm lý, thói quen vượt tuyến của người dân, dẫn đến coi trọng điều trị ở tuyến trên, không coi trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở nên không thực hiện được chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh, làm tăng chi phí KCB không cần thiết và mất cân đối quỹ BHYT;

Bảy là, chưa có cơ chế để khuyến khích các đơn vị chuyển sang hoạt động theo loại hình tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Tám là, trình độ quản lý tài chính của một số cơ sở y tế còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ kế toán, hạch toán hành chính sự nghiệp hiện nay chưa phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính, nhất là việc xác định chênh lệch thu chi của đơn vị .

Giải pháp thực hiện tự chủ

Để phát huy thành quả đạt được, khắc phục các hạn chế trong thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế, các giải pháp cần tập trung thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế, ưu tiên cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, các cơ sở y tế ở vùng khó khăn, các bệnh viện khám, chữa các bệnh xã hội như tâm thần, phong, lao... Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách, thực hiện các cơ chế như: đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ công;

Thứ hai, sửa Nghị định 85/2012/NĐ-CP theo hướng giao quyền tự chủ toàn diện để phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, gắn với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai, minh bạch về tài chính và hoạt động; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị các đơn vị sự nghiệp y tế công, các bệnh viện công tiến tới phải tự chủ và hạch toán thu chi;

Thứ ba, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi cho khám chữa bệnh và chi cho y tế dự phòng, chi phòng bệnh và chi cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ;

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế (bao gồm cả gói dịch vụ y tế dự phòng, y tế công cộng);

Thứ năm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển y tế tư nhân;

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP);

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (thành lập cơ quan kiểm định chất lượng dịch vụ y tế, cả chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế khác, thanh toán theo chất lượng dịch vụ...), lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo chất lượng.         

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ;

2. Thông tư 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính;

3. Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

4. Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

5. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2015;

6. Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế.