Thực trạng công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay

Theo ncseif.gov.vn

Cùng với hàng loạt dự án tỷ USD liên tục đổ vào Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử cũng tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính đến nay, lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung , Foxconn, LG , Panasonic, Intel. Trong đó, các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn đang có sức hấp dẫn rất lớn. Samsung đã đầu tư hai nhà máy với số vốn đầu tư 2,5 tỉ USD ở Bắc Ninh và 2 tỉ USD ở Thái Nguyên. Một nhà máy khác của Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM sản xuất hàng điện tử với tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ USD.

Cùng với hàng loạt dự án tỷ USD liên tục đổ vào Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử cũng tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng con số 30 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần xuất khẩu điện tử lớn nhất khu vực ASEAN, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN năm 2014. Sản lượng điện tử của Việt Nam năm 2013 chỉ thua kém Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Đặc biệt, với việc Việt Nam gần đây liên tục tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế lớn: EU, Hàn Quốc, Liên minh Á Âu... nhờ các ưu đãi thuế suất trong các FTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng khi AEC và TPP được ký kết. ASEAN, TPP, EU là thị trường xuất khẩu điện tử quan trọng của Việt Nam. Có một thực tế đã thấy rõ, trong thời gian gần đây, các tập đoàn điện tử lớn có xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Một trong những lý do là vì sản xuất điện tử với chi phí cận biên thấp thường tập trung ở những quốc gia có lợi thế về chi phí lao động thấp. Cụ thể, Samsung Electronics chuyển nhà máy sản xuất Smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tháng 3/2015, LG Electronics thông báo chuyển bộ phận sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam. Năm 2014, đến lượt Microsoft cũng dời dây chuyền Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số hãng điện thoại Archos (Pháp) và Compal (Đài Loan) muốn xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam sau khi TPP được ký kết.

Doanh nghiệp nội “lép vế”

Được đánh giá là một thị trường thuộc diện tiềm năng bậc nhất khu vực về lĩnh vực công nghiệp điện tử, nhưng có một thực tế đáng lo ngại là các doanh nghiệp nội lại đang “lép vế” trên “sân chơi” của chính mình. Nhìn vào các con số thống kê và cả trên thực tế, hầu hết các dự án lớn đặc biệt là các dự án tỷ USD đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chính là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel...Trong đó, chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung đã đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam với 3 nhà máy. Năm 2014, chỉ một mình Samsung đã xuất khẩu tới 26 tỷ USD, chiếm tới 17,5% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Theo thông tin chính thức được Samsung công bố mới đây, dự kiến năm 2015, xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam sẽ lên tới con số 30 tỷ USD. Không những thế, cùng với các siêu dự án của Samsung, hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử khác đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Phòng… Và điều đáng chú ý là, ngay cả các công ty sản xuất vệ tinh cũng hầu hết đến từ dòng vốn của FDI.

Ngoài ra, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức như: Công nghiệp điện tử trong nước mới chỉ dừng ở mức độ gia công gây khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP. Doanh nghiệp điện tử trong nước chưa đóng góp nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Cụ thể như vừa qua, Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế. Một khó khăn nữa là mức độ cạnh tranh trong thu hút FDI từ một số quốc gia trong khu vực. Các nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm đầu tư sang các nước khác khi thời gian ưu đãi đầu tư kết thúc.

Cần xây dựng chính sách khoa học công nghệ

Theo đề xuất của Cục Đầu tư nước ngoài về một số chính sách nhằm tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, cần xây dựng chính sách khoa học công nghệ. Trong đó, khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư cho R&D của doanh nghiệp, ký kết hợp đồng hợp tác công nghệ với các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, liên kết giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm và lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên. Xây dựng Luật sở hữu trí tuệ chặt chẽ, quy định thời hạn bảo hộ các sản phẩm điện tử dài để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng đề xuất, về chiến lược phát triển ngành, cần quy hoạch các cụm công nghiệp điện tử nhằm thu hút đầu tư. Tiến hành hoạt động R&D trong lĩnh vực điện tử: Từ ngân sách hoặc kêu gọi kết hợp đầu tư từ các tập đoàn điện tử lớn có mặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Sony, Canon.

Đặc biệt cần có giải pháp thiết thực để chọn được một vài sản phẩm chiến lược để đầu tư nghiên cứu; đào tạo nguồn nhân lực theo hướng thực hành, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ.