Thực trạng đầu tư công cho tam nông

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông), vốn đầu tư cho khu vực này mỗi năm một tăng. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực cũng như hiệu quả các chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chưa được như mong đợi.

Thực trạng đầu tư công cho tam nông
Tín dụng cho khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng 12,5%. Nguồn: internet
Vốn đầu tư ngày càng tăng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2013, mặc dù cân đối ngân sách nhà nước hết sức căng thẳng, nhưng vẫn bố chí vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn 131.000 tỷ đồng; tăng trên 2,5 lần so với năm 2009. Tỷ trọng ngân sách chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tăng từ 32,8% tổng chi (năm 2008) lên gần 36% năm 2009. Còn năm 2013 này, vốn ngân sách bố trí cho khu vực “tam nông” chiếm tới 41,3% tổng chi.

Ngoài chính sách tài khóa đang tập trung nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, khu vực này đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế năm 2011 chỉ đạt 14,41% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực này và lĩnh vực xuất khẩu tăng tới 30,64%.

Năm 2012 tốc độ tăng trưởng tín dụng chung giảm mạnh, chỉ tăng 8,91%, nhưng tín dụng cho khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng 12,5%.

Còn trong 5 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế chỉ đạt khoảng 2% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,1%, tức là gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.

“Nguồn vốn tín dụng ngân hàng không chỉ tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhiều hơn, mà khu vực này còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hệ thống ngân hàng thông qua lãi suất cho vay. Trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu luôn thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường 2 - 3%”, ông Ninh minh chứng.

Quan tâm tới tam nông, ngoài việc tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tăng dư nợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, Chính phủ đang triển khai Chương trình Nông thôn mới với nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ngoài những chính sách kể trên, trong nhiều năm trở lại đây, năm nào Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để thu mua tạm trữ thóc gạo, cá tra, cá basa, qua đó gián tiếp giúp đỡ người nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá cả hợp lý.

Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cụ thể là chính sách thí điểm cho ngư dân vay vốn tới 70 - 80% với lãi suất 3%/năm trong vòng 10 năm để đóng tàu mới có công suất từ 400 đến trên 1.000 mã lực. “Đây là sự hỗ trợ vô cùng lớn của Nhà nước đối với tam nông. Sau khi tổng kết chương trình thí điểm này, Chính phủ sẽ nhân rộng chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển”, ông Ninh nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, các bộ ngành đang nghiên cứu để nhân rộng chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới theo hướng vẫn giữ nguyên ưu đãi (lãi suất cho vay thấp, thời gian vay dài) đối với khoản vay đóng tàu đánh bắt hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá đối với tàu có công suất cao hơn.

Vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế


Mặc dù trong 3 năm gần đây, Chính phủ đã chi đến 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (riêng năm 2011, đã chi cho nông nghiệp, nông thôn cao gấp 2,21 lần so với năm 2008), góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cho tam nông nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chỉ đáp ứng được một phần.

Theo đánh giá tại Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 - 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn lực và phân bổ đầu tư cho tam nông mới đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước, vốn đầu tư từ các nguồn khác chưa đáng kể. Chính vì vậy chưa phát huy được hết tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta, mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp xanh, phát triển còn quá xa vời.

Trong đầu tư công, việc giải ngân ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn quá chậm. Thông thường, kể từ khi ngân sách được Quốc hội quyết định cho đến khi tới được cơ sở phải mất khoảng 10 tháng hoặc lâu hơn nữa. Trong cấu phần vốn ODA đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công tác giải ngân cũng rất chậm chạp. Vốn đầu tư đã chậm, khi về đến cơ sở được triển khai một cách vội vàng để kịp tiến độ nên chất lượng nhiều công trình chưa được bảo đảm. Những bất cập như tiêu cực trong triển khai các chương trình, dự án, quy hoạch chồng chéo, thi công chậm tiến độ đang tiếp tục cản trở công cuộc xây dựng nông thôn. Vẫn chưa có một lời giải hữu hiệu cho việc thiếu các hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa…
 
Bên cạnh vốn từ ngân sách nhà nước và vốn ODA, các nguồn vốn khác đầu tư cho tam nông còn hết sức nhỏ giọt do thiếu một cơ chế khuyến khích đầu tư đủ hấp dẫn. Thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có đến 60% doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp  hoạt động với tổng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 0,9% so với tổng số vốn của doanh nghiệp cả nước. Mặt khác, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn luôn ở mức rất thấp và có xu hướng giảm dần. Năm 2001, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 8% trong tổng cơ cấu FDI nhưng đến năm 2010 chỉ còn 1%. Rủi ro cao, lợi nhuận thấp là lý do khiến dòng vốn FDI "chảy" vào khu vực nông nghiệp ngày càng ít.

Giải pháp nâng hiệu quả đầu tư


Đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn

Đặc điểm chung của tín dụng cho tam nông là những món vay nhỏ, lẻ, chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu của hộ nông dân có những việc không đưa vào đối tượng vay được, thu nhập thì theo thời vụ nhưng chi tiêu theo hàng ngày và có những nhu cầu lặt vặt không thể làm thủ tục vay ngân hàng được, vì vậy xuất hiện thói quen vay ngoài với lãi suất cao nhưng được cái tiện là vừa quen biết, vừa kịp thời. Vì vậy, với tín dụng tam nông, thế chấp chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Với kinh nghiệm nhiều năm trên mặt trận tín dụng tam nông, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PT NT cho rằng: Trước hết đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, cũng như cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Ví dụ, chúng tôi cho vay theo niên vụ cây trồng; cho vay theo hạn mức tín dụng. Về mặt thủ tục, cần đơn giản hóa để người dân không phải mất thời gian đi lại. Bên cạnh đó, quy trình cho vay rất chặt chẽ từ tiếp cận thẩm định, quản lý nợ vay của từng khoản vay; cơ chế minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để giáo dục ý thức của cán bộ ngân hàng, tránh phiền hà cho dân khi vay vốn ngân hàng, từ đó cũng hạn chế được rủi ro.

Kết hợp bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm xã hội cho bà con nông dân

Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  thí điểm thực hiện chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp tại 20 tỉnh, với 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp kể cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các chuyên gia, đây là vấn đề mới và khó. Theo ông Lại Lại Xuân Môn Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nên kết hợp bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm xã hội cho bà con nông dân, vì có bảo hiểm, các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn hơn trong việc đưa tín dụng vào tam nông.

Phát triển mô hình hợp tác xã

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt để dành nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhưng tại sao vốn vẫn ra từ từ? Đó phải chăng là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và thiếu hụt môi trường đầu tư chiều sâu trong nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, chúng ta phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ nông dân, rồi hoàn chỉnh mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất quy mô hàng hóa thì mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng, chứ với quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì giống như đưa cho 1 hộ gia đình 500 triệu đồng, người ta cũng chưa chắc biết đầu tư vào sản xuất thế nào cho hiệu quả.

Quy hoạch theo nhóm ngành, vùng sản xuất

Hiện nay, chúng ta đang làm theo kiểu: nếu có ngành nào tốt thì đổ xô vào, nhưng khi thị trường chỉ cần 10 đơn vị sản phẩm, lại sản xuất đến 15 đơn vị. Khi đã dư 5 đơn vị lại phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không bán được hàng, dẫn đến nợ xấu. Vì vậy, để vốn tín dụng đầu tư hiệu quả thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho khoản vay.

Có những chính sách đặc thù


Ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực. Ví dụ như cá tra, lúa gạo, cà phê, với mỗi đối tượng như vậy có cách cung tín dụng khác nhau cho phù hợp. Ví dụ, cần có chương trình riêng vay vốn cho ngư dân với thủ tục rất đơn giản bởi ngư dân chịu nhiều rủi ro, nếu không có biện pháp phòng chống rủi ro thì tín dụng cũng rất khó.
___________________
Tài liệu tham khảo:

1. Đầu tư 131.000 tỷ đồng cho “tam nông”, Theo Báo Đầu tư

2. Thực trạng, giải pháp và định hướng đầu tư cho "tam nông", Tạp chí Tài chính

3. Đa dạng nguồn vốn đầu tư cho tam nông, Tạp chí Tài chính

4. Bàn giải pháp nâng hiệu quả đầu tư cho tam nông, Theo Thời báo Ngân hàng.