Thực trạng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong những năm gần đây, vấn đề “tam nông” được coi là nền tảng trong việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết số 26/ NQ- TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã nêu rõ nhiệm vụ:“Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước… Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI”. Cụ thể hóa chỉ đạo của Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản như Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2010/NĐ-CP nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hay Quyết định 315/QĐ-TTg (về bảo hiểm nông nghiệp), Quyết định 1956/QĐ-TTg (về đào tạo nghề nông thôn).

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Ngành Nông nghiệp đóng góp cho GDP khoảng 20%, tạo ra nguồn cung lương thực, thực phẩm giá rẻ để hỗ trợ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam còn khá thấp. Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống chỉ còn 6,45%, năm 2010 và năm 2011 chỉ còn khoảng hơn 6%.

Mặc dù trong 3 năm gần đây, Chính phủ đã chi đến 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (riêng năm 2011, đã chi cho nông nghiệp, nông thôn cao gấp 2,21 lần so với năm 2008), góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cho “tam nông” nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chỉ đáp ứng được một phần.

Trong khi đó, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu dựa vào nguồn vốn của hộ gia đình. Theo kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2011, bình quân mỗi hộ ở nông thôn chỉ có 17 triệu đồng tích lũy, còn hộ nông nghiệp chỉ có 12,5 triệu đồng tích luỹ, tương đương khoảng 600 - 800USD/hộ/năm. Tích lũy thấp nên nông dân khó đầu tư máy móc thiết bị, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Kinh tế trang trại và hợp tác xã (HTX) từng được đặt nhiều kỳ vọng về thúc đẩy đầu tư, tạo ra bước đột phá về tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế trang trại diễn ra khá chậm. Năm 2011, cả nước có khoảng 20.000 trang trại, chiếm 0,2% tổng số hộ, doanh thu trung bình khoảng 2 tỷ đồng/ trang trại/năm. Quy mô, trình độ công nghệ và hiệu quả sản xuất của các trang trại ở Việt Nam chỉ tương đương với hộ nông dân trung bình ở các nước tiên tiến. Mô hình HTX còn khiêm tốn hơn khi hiện cả nước có khoảng 8.500 HTX nông nghiệp, chủ yếu tập trung ở miền Bắc, nhưng quy mô vốn, doanh thu bình quân của một HTX chỉ bằng 4% so với một DN nông lâm thuỷ sản; Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của trang trại, HTX rất yếu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp với hoạt động nghèo nàn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh yếu, khó có thể huy động vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn qua kênh này.

Dù số DN hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn lên tới 60.000, nhưng chủ yếu là DN nhỏ nên nguồn lực đầu tư khá thấp, trong khi vốn FDI dường như cũng “lãng quên” khu vực này. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mới chiếm 4% tổng số dự án và 2% tổng số vốn FDI đăng ký. Quy mô dự án FDI vào nông nghiệp chỉ xấp xỉ bằng nửa quy mô bình quân cho các ngành khác.

Nguyên nhân

Thứ nhất, các chính sách vĩ mô của Nhà nước chủ yếu ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu hoặc tạo ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các ngành phi sản xuất như tài chính, chứng khoán, bất động sản nên hầu hết các DN tư nhân có tiềm lực trong nước cũng như các tập đoàn nước ngoài lớn đều tập trung vào các ngành trên.

Thứ hai, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có thể đem lại hiệu quả cao nhưng rủi ro cao do thời tiết, biến động thị trường đầu vào và đầu ra. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, nông thôn, trong giai đoạn 2008- 2010, 71% nông hộ trong mẫu điều tra gặp phải các rủi ro về sản xuất, tăng khá mạnh so với giai đoạn 2004 - 2006 (54%).

Thứ ba, thiếu vốn và khả năng tiếp cận tín dụng là cản trở không chỉ đối với nông hộ mà còn đối với các DN. Điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, 70% số DN nông nghiệp, nông thôn thiếu vốn. Các ngân hàng thiếu động lực cho vay tại nông thôn, đặc biệt đối với nông hộ và DN nhỏ. Hiện nay, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách Xã hội hoạt động chủ yếu tại nông thôn. Chi phí giao dịch cao (chi phí quản lý, giám sát và rủi ro khi cho vay) là một trong những lý do hạn chế hoạt động của các ngân hàng tại nông thôn.

Do thủ tục còn nhiều phức tạp nên kể cả khi có những gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước thì cũng rất khó để cho nông dân và DN nhỏ tiếp cận mặc dù có nhu cầu thực. Gói kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi nhưng chỉ giải ngân được 40%.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng nông thôn còn rất nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Điện, nước sạch cho sinh hoạt ở nông thôn còn thiếu, chưa nói đến hệ thống cung cấp nước cho sản xuất. Giao thông đường bộ chất lượng kém, tỷ lệ đường đất chiếm tới 45%. Việt Nam vẫn thiếu hệ thống vận tải đường sắt thuận tiện cho lưu thông hàng nông sản, không có cảng nước sâu cho các vùng sản xuất nông sản chính, kho tàng bảo quản, cơ sở chế biến sau thu hoạch kém, không có hệ thống cảng tránh, trú bão, hậu cần trên biển.

Thứ năm, còn thiếu quy hoạch dài hạn để tạo ra những vùng nguyên liệu, thiếu các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ đi kèm để thu hút đầu tư của DN, đặc biệt là các DN FDI. Đất đai phân tán, manh mún và điều quan trọng là thiếu quỹ đất với quy mô lớn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn. Có tới 50% số DN kêu ca việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo số liệu điều tra lao động - việc làm gần đây, có tới 81,9% lao động nông thôn không có chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo qua hệ thống các trường nghề (trung cấp nghề, cao đẳng nghề) chỉ đạt 8,4%. Đây cũng là lý do hạn chế nguồn vốn đầu tư cho “tam nông”.

Định hướng và giải pháp

Thứ nhất, cần tập trung đầu tư cho các ngành, hàng có lợi thế so sánh (thủy sản, cây công nghiệp…); Chuyển từ đầu tư tập trung cho trồng trọt sang đầu tư hợp lý cho cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Trong trồng trọt, chuyển từ tập trung cho lương thực sang phát triển rau quả, cây công nghiệp. Trong chăn nuôi, tập trung đầu tư quy mô lớn, tạo lợi thế cạnh tranh, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thủy sản, chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng. Trong lâm nghiệp, thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế phát triển rừng sản xuất ở những nơi thích hợp. Trong tất cả các ngành, chuyển từ chỉ đầu tư cho lĩnh vực sản xuất (khuyến nông, thủy lợi…) sang đầu tư cho chế biến và sau thu hoạch, dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, cần tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ như giao thông, cung cấp điện, thủy lợi, thông tin liên lạc… Xây dựng các cảng nước sâu tại các điểm tập kết nông sản ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành hệ thống đường sắt phục vụ lưu thông hàng nông sản, các cảng trú bão và phát triển hệ thống hậu cần…

Thứ hai, ngân sách nhà nước nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà khả năng thu hồi vốn không cao hoặc không thể huy động đầu tư tư nhân như các dự án về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội tại các vùng chưa phát triển, vùng đặc biệt khó khăn; công trình thủy lợi đầu mối và dịch vụ công cần sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước như kiểm soát dịch bệnh, quản lý rủi ro thiên tai. Đối với các hoạt động nông nghiệp, phát triển nông thôn khác, cần huy động tối đa nguồn lực đầu tư xã hội từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước (bao gồm cả trong và ngoài nước). Các dự án đầu tư cần được lựa chọn dựa trên lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, tránh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải và thiếu đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý chi tiêu công cho chính quyền địa phương và huy động các nguồn lực địa phương cho các dự án quy mô nhỏ được thực hiện tại địa phương.

Thứ ba, cần đầu tư có trọng điểm vào các vùng chuyên canh nông nghiệp, xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các cụm trọng điểm nông nghiệp. Cần xây dựng các tổ hợp liên kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật tư nông nghiệp, các cơ sở bán hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn… áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn cao, khép kín xử lý chất thải và tái tạo năng lượng. Xung quanh các trung tâm này là các vùng cung cấp nguyên liệu đồng bộ, liên kết bằng hợp đồng với khu trung tâm. Các cụm kết nối phục vụ trực tiếp với thị trường trong và ngoài nước bằng hệ thống phân phối.

Thứ tư, tìm cách đưa tín dụng trực tiếp đến tay nông dân thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm, lựa chọn ưu tiên với các mặt hàng có tiềm năng thị trường mà nông dân đang cần vốn đầu tư (như lúa gạo, cà phê, thủy sản…). Nhà nước nên lập quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân và giao cho ngân hàng nắm giữ, phối hợp với các tổ, nhóm nông dân đại diện để giải ngân. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục để nông dân trong các tổ nhóm có bảo lãnh trực tiếp mở tài khoản nhận vốn vay, thanh toán gốc và lãi, gửi tiền tại ngân hàng.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN và nông dân thông qua cho vay theo chuỗi ngành hàng, lấy DN thu mua, chế biến làm trung tâm. Ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các DN kinh doanh trong các ngành hàng có tiềm năng thị trường, có vùng nguyên liệu, có hợp đồng nông sản với nông dân. DN sử dụng khoản vay để ứng trước vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân có hợp đồng nông sản, đồng thời cần tính tới việc tăng tính linh hoạt về vốn cho nông dân. Nông dân có thể gửi hàng vào kho của DN và nhận giấy bảo lãnh của DN để vay vốn của ngân hàng.

Thứ năm, phát triển bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng, trong đó đặc biệt chú ý tới bảo hiểm theo chỉ số về thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp chỉ nên tập trung vào giảm thiểu rủi ro cho nông dân sản xuất hàng hóa chứ không nên ôm đồm các mục tiêu xã hội khác như xóa đói giảm nghèo hay cải thiện công bằng xã hội. Các mục tiêu xã hội nên được sử lý trong các chương trình phân phối thu nhập và an sinh xã hội. Ngoài ra, Nhà nước không nên trực tiếp triển khai các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, mà giao cho các công ty bảo hiểm thực hiện theo nguyên tắc thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sự tham gia trực tiếp về mặt tài chính cần nhất từ Nhà nước là việc mua hoặc hỗ trợ tái bảo hiểm vì tổn thất do thiên tai trong nông nghiệp có thể diễn ra trên diện rộng, vượt quá sức chịu đựng của các công ty bảo hiểm. Đồng thời, để phát triển bảo hiểm nông nghiệp với nông dân sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty bảo hiểm với các tổ chức tín dụng và các tổ chức của nông dân (hội nông dân, hợp tác xã, tổ nhóm nông dân) trong việc triển khai các chương trình bảo hiểm nông nghiệp.

Thực trạng, giải pháp và định hướng đầu tư cho "tam nông"

TCTC Online - Những năm gần đây, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực cũng như hiệu quả các chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chưa được như mong đợi.

Xem thêm

Video nổi bật