Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

Hoàng Quang Hàm

(Tài chính) Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) là xu thế phát triển của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trên thế giới nói chung và của KTNN Việt Nam nói riêng. Vì thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, việc kiểm tra, đánh giá tính trung thực, hợp pháp của báo cáo tài chính (kiểm toán báo cáo tài chính) hay kiểm toán tuân thủ chưa cho phép đánh giá đầy đủ về hoạt động của một đơn vị cũng như­ tính kinh tế, hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ có KTHĐ mới có thể có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy để cung cấp cho người dân, nhà đầu tư, các cơ quan Nhà nước về thực trạng công tác quản lý, sử dụng ngân sách và các nguồn lực công. Đồng thời bằng những phân tích, đánh giá độc lập, hiệu quả trong khu vực công, KTHĐ có thể làm căn cứ để quyết định các khoản chi ngân sách (chi thường xuyên, chi đầu tư) và hoạt động của Nhà nước trong tương lai. Việc phát triển KTHĐ tại KTNN Việt Nam là một xu thế tất yếu và hiện nay đã có nhiều quy định pháp luật để bảo đảm cho việc thực hiện KTHĐ của KTNN Việt Nam như các quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng; Luật Ngân sách nhà nước…

Đến thời điểm tháng 08/2013, KTNN Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề mà nội dung, mục tiêu kiểm toán chủ yếu hướng tới KTHĐ (như: kiểm toán việc quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ giai đoạn 2005-2006; kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/NQ-CP; kiểm toán việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản…).

Việc tổ chức kiểm toán tuy chưa thật sự chuẩn mực nhưng các bước đi từ việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, lập kế hoạch năm, kế hoạch kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán đến việc tổ chức thực hiện kiểm toán đã có định hướng đúng đắn, phù hợp như: Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán năm đã hướng vào các lĩnh vực Quốc hội, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giám sát, kiểm tra và lĩnh vực mà dư luận xã hội cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập; việc lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đã đề cập rõ đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong các chuyên đề kiểm toán chuyên sâu và có những chỉ dẫn đáng kể về KTHĐ thông qua việc xây dựng đề cương, hướng dẫn kiểm toán cho từng chuyên đề gắn kết với KTHĐ; việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho KTV về KTHĐ đã được đẩy mạnh cả đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài…

Kết quả về các nội dung KTHĐ bước đầu đã cung cấp một số thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp để quản lý, sử dụng tốt hơn ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và các nguồn lực của quốc gia. Tuy nhiên, kết quả KTHĐ còn hạn chế, chưa cung cấp được nhiều thông tin cho việc quản lý điều hành ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Chính phủ và việc giám sát của Quốc hội; các cuộc kiểm toán chưa thể hiện rõ nét những đặc trưng của kiểm toán hoạt động từ khâu Lập kế hoạch đến khâu Thực hiện kiểm toán, Lập báo cáo kiểm toán và đặc biệt là kết quả kiểm toán còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong triển khai KTHĐ của KTNN Việt Nam làm cho các cuộc kiểm toán chuyên đề gắn với KTHĐ chưa đánh giá được thỏa đáng tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực là do:

Thứ nhất, KTNN Việt Nam chưa có những qui định, hướng dẫn cụ thể về lựa chọn chủ đề KTHĐ; chưa có qui định, hướng dẫn thu thập thông tin để biết được kỳ vọng, yêu cầu của Quốc hội, HĐND các cấp về các lĩnh vực cần ưu tiên KTHĐ (kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực).

Thứ hai, năng lực thực tế của KTV để thực hiện KTHĐ còn hạn chế: hầu hết KTV còn thiếu hụt về nhận thức, lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn để tiến hành KTHĐ.

Thứ ba, chưa có qui định, hướng dẫn việc khảo sát, thu thập thông tin để xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán khi lập kế hoạch kiểm toán chiến lược cũng như kế hoạch kiểm toán cho một cuộc KTHĐ. Hiện nay qui định chung trong các qui trình, Đề cương hướng dẫn kiểm toán chưa tách riêng và còn ít nội dung đề cập đến KTHĐ.

Thứ tư, chưa có hướng dẫn về việc xác định các câu hỏi (nội dung kiểm toán) cũng như việc xây dựng các tiêu chí kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến khâu thực hiện kiểm toán. Một số tiêu chí kiểm toán được thiết lập trong các qui trình kiểm toán, đề cương hướng dẫn kiểm toán chưa tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc ý kiến của đơn vị được kiểm toán nên chưa sát đúng, chưa  thật sự gắn với nội dung, vấn đề cần đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và có trường hợp chưa được sự thống nhất cao với đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý.

Thứ năm, hệ thống các phương pháp kiểm toán thể hiện trong các qui trình, đề cương kiểm toán còn nhiều phương pháp chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể cách áp dụng, chưa có hướng dẫn riêng về phương pháp kiểm toán cho KTHĐ; trong các qui trình, đề cương kiểm toán cũng chưa hướng dẫn rõ KTV phải xác định nơi thu thập, nội dung cần thu thập, thủ tục, kỹ năng thu thập, khả năng thu thập hồ sơ, tài liệu, bằng chứng kiểm toán từ đầu cuộc KTHĐ để bảo đảm tính khả thi và tính toán, cân đối được chi phí phải bỏ ra; đồng thời cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cách chọn mẫu thích hợp để thu được bằng chứng kiểm toán cần thiết, đại diện cho tổng thể.

Thứ sáu, quá trình kiểm toán hầu như chưa có sự hỗ trợ của các chuyên gia đối với các lĩnh vực chuyên sâu; KTNN chưa chủ động thông báo cho các đơn vị được kiểm toán về các khía cạnh chính của cuộc kiểm toán, bao gồm mục tiêu, nội dung kiểm toán, các tiêu chí, phạm vi và phương pháp kiểm toán trước khi bắt đầu giai đoạn thu thập dữ liệu hoặc sau khi hoàn thành lập kế hoạch kiểm toán để có sự phối hợp trong quá trình kiểm toán và tạo được sự đồng thuận đối với các tiêu chí kiểm toán được thiết lập; hiện nay mới chỉ tổ chức hội nghị để thông báo quyết định kiểm toán trong đó nêu những mục tiêu, nội dung kiểm toán khái quát và thời gian KTV, các tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán tại các đơn vị.

Thứ bảy, chưa có qui định, hướng dẫn về mẫu báo cáo kiểm toán và cách trình bày báo cáo kiểm toán riêng cho kiểm toán hoạt động nên một số báo cáo kiểm toán còn dài dòng, thiếu tập trung. Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán phần lớn chỉ tập trung vào phản ánh, đánh giá thiếu sót, tồn tại và xác định trách nhiệm liên quan nhưng chưa thực sự đánh giá công bằng những mặt làm được cần phát huy và đặc biệt là chưa phân tích những nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót, bất cập trong quản lý nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện chương trình, chính sách, hoạt động được kiểm toán. Nhiều kiến nghị trong báo cáo kiểm toán còn chung chung, thiếu bằng chứng nhiều khi không có tính thực tiễn và chưa gắn kết với mục tiêu, nội dung kiểm toán.

Việc thực hiện KTHĐ của KTNN Việt Nam thời gian qua còn hạn chế, bất cập cũng là lẽ tất nhiên do cơ quan KTNN Việt Nam mới thành lập; các loại hình kiểm toán truyền thống (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính) được áp dụng ngay từ đầu nhưng cũng chỉ được gần 20 năm thực hiện, KTHĐ được khái niệm từ năm 2005 (từ khi Luật KTNN được ban hành) nên cũng đang ở giai đoạn đầu vừa hình thành, vừa phát triển. Để nâng cao chất lượng KTHĐ cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, cần sớm hoàn thành chiến lược phát triển KTHĐ và kế hoạch hành động để phát triển KTHĐ nhằm xác định lộ trình, bước đi nâng cao chất lượng KTHĐ, xây dựng đội ngũ KTV thực hiện KTHĐ và đưa KTHĐ phát triển phù hợp với nhịp độ và xu hướng phát triển của KTNN Việt Nam.

Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt loại hình KTHĐ như: Qui định về nhiệm vụ KTHĐ trong các Luật cần bao trùm toàn bộ ngân sách nhà nước, kể cả các dự án của Nhà nước, các dịch vụ công và các nguồn lực khác của Nhà nước như tài sản, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Nhiệm vụ kiểm toán cần cho phép được kiểm toán từng cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng như các chương trình của Chính phủ từ nhiều giác độ khác nhau. KTV phải có quyền tự do lựa chọn nội dung kiểm toán trong phạm vi nhiệm vụ kiểm toán của mình. Cũng cần phải qui định rõ việc KTNN có quyền có ý kiến về các mục tiêu của các chính sách (các quyết định chính trị và các mục tiêu cho trước của Quốc hội, Chính phủ vì đó là những xuất phát điểm cho KTHĐ) theo kết quả phát hiện của mình (ví dụ nếu các mục tiêu không nhất quán hoặc mục tiêu không rõ ràng thì không thể nhận xét được một cách thỏa đáng mức độ đạt được mục tiêu), có như vậy mới bảo đảm được chất lượng của kiểm toán hoạt động.

Ba là, tổ chức KTHĐ hợp lý trên cơ sở phù hợp với trình độ của KTV, địa vị pháp lý và năng lực của KTNN Việt Nam.

Bốn là, xây dựng các chuẩn mực, hướng dẫn riêng cho KTHĐ phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật Việt Nam và bao quát các đặc thù của KTHĐ.

Năm là, xây dựng và ban hành các hướng dẫn cụ thể cho KTHĐ như: Xây dựng và ban hành hướng dẫn khung cho KTHĐ (lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán...); xây dựng và ban hành sổ tay KTHĐ dựa trên kinh nghiệm của chính KTNN Việt Nam và kinh nghiệm kiểm toán của các nước để áp dụng trong quá trình kiểm toán; ban hành mẫu biểu, báo cáo kiểm toán riêng phù hợp với đặc thù của KTHĐ.

 Sáu là, xây dựng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTHĐ. KTHĐ đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của KTV. Một KTV KTHĐ cần có trình độ học vấn tốt và có kinh nghiệm trong công việc điều tra/đánh giá. Các đặc điểm cá nhân (khả năng phân tích, tính sáng tạo, khả năng lĩnh hội, kỹ năng về xã hội, đức tính chính trực, óc phán đoán, sức chịu đựng, kỹ năng viết và nói tốt...) cũng rất quan trọng. Để đáp ứng các yêu cầu chất lượng trong KTHĐ, KTNN phải tạo điều kiện cho cán bộ của mình duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc đào tạo và bồi dưỡng một cách liên tục cả trong và ngoài nước, cả lý luận và thực tiễn kiểm toán; cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài (các lớp ngắn hạn để học hỏi kinh nghiệm, tổng kết áp dụng ngay; các lớp dài hạn để có đội ngũ KTV được đào tạo cơ bản về KTHĐ nhằm phát triển KTHĐ một cách bền vững); tổ chức hội thảo để trao đổi học tập kinh nghiệm KTHĐ (cả hội thảo trong nước và hội thảo quốc tế có sự tham gia của các KTNN của các nước khác, chuyên gia nước ngoài); tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến các lĩnh vực có thể tiến hành KTHĐ, bồi dưỡng thêm về kiến thức KTHĐ để phục vụ đẩy mạnh KTHĐ.

Bảy là, xây dựng hệ thống dữ liệu cung cấp thông tin cho hoạt động kiểm toán nói chung và cho KTHĐ nói riêng.

Tám là, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài. KTHĐ được thực hiện dựa trên thông tin nên cần phải thiết lập tốt mối quan hệ với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các cơ quan đơn vị được kiểm toán để tạo ra môi trường thông tin phục vụ KTHĐ; đồng thời để đảm bảo chất lượng cho bằng chứng kiểm toán, báo cáo kiểm toán thì các đơn vị liên quan cần được thông tin thỏa đáng về hoạt động kiểm toán (KTNN cần thông báo chi tiết về cuộc kiểm toán cho các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm hoặc liên quan với chương trình, chủ đề được kiểm toán trước khi bắt đầu kiểm toán).

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2 - 2014