Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên

ThS. Nguyễn Thị Châu – Đại học Nông lâm Thái Nguyên , Nguyễn Thị Loan – Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kể từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, đời sống của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn: Internet
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn: Internet

Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với mục tiêu: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Môi trường sinh thái được bảo vệ; An ninh trật tự được giữ vững; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Thái Nguyên có tới 138/143 xã (96,5%) đạt dưới 10 tiêu chí, chỉ có 05/143 xã (3,5%) đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 14,28 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo cao (20,57%). Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết năm 2015, số xã đạt 19 tiêu chí của tỉnh Thái Nguyên là 40 xã, số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (32 xã), số xã từ 10 - 14 tiêu chí (65 xã), số xã từ 6 - 9 tiêu chí (6 xã), không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Trong thực hiện xây dựng NTM, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, như: Hỗ trợ cho các xã điểm (giai đoạn 2013 - 2015) 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã xây dựng các công trình hạ tầng NTM. Từ 2012, mỗi năm, Tỉnh hỗ trợ từ 50.000 - 60.000 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ cho các mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ. Ban hành và thống nhất thực hiện các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: Đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; Nhà văn hóa xã, xóm; thủ tục, thanh quyết toán… Thực hiện đồng bộ Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”…

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, số xã đạt 19 tiêu chí của tỉnh Thái Nguyên là 40 xã, số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (32 xã), số xã từ 10 - 14 tiêu chí (65 xã), số xã từ 6 - 9 tiêu chí (6 xã), không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Qua 5 năm triển khai, kết quả xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã tác động rất tích cực đến đời sống người dân nông thôn, thu nhập bình quân/đầu người tăng từ 14,28 triệu đồng (năm 2010) lên 22 triệu đồng (năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,57% còn 7,06 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%. Hàng năm, tỉnh Thái Nguyên bố trí trên 50 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài nguồn vốn của Trung ương và của Tỉnh, mỗi năm cấp huyện đã có nghị quyết hỗ trợ cho nông nghiệp trên 30 tỷ đồng.

- Về giao thông: Xây dựng, cải tạo và nâng cấp đường giao thông nông thôn được 4.075 km (trong đó xây mới: 1.195 km; cải tạo, nâng cấp: 2.881 km); đã có 51 xã đạt chuẩn tiêu chí (35,7%), tăng 50 xã so với năm 2011.

- Về thủy lợi: Xây mới và cải tạo 207,5 km kênh mương thuỷ lợi do xã quản lý (trong đó xây mới 97,1 km; cải tạo, nâng cấp: 110,4 km); đã có 78 xã đạt chuẩn tiêu chí (54,5%), tăng 54 xã so với năm 2011.

- Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 204 trạm điện, 686 km đường điện; 11 điểm bưu điện văn hoá xã; 313 trường học; 75 trạm y tế xã; 77 trụ sở xã; 57 nhà văn hoá và khu thể thao xã; 498 nhà văn hoá và khu thể thao xóm; 16 chợ nông thôn; 41 khu xử lý rác thải; 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 55 công trình vệ sinh tại các trường học; 28.284 công trình vệ sinh hộ gia đình.

- Về giáo dục: Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học: 114 xã đạt tiêu chí trường học (79,7%, tăng 83 xã so với năm 2011); 107 xã đạt tiêu chí giáo dục (74,8%, tăng 74 xã so với năm 2011).

- Về y tế: Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở khu vực nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, đã có 93/143 xã (65%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, 50 xã còn lại đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001 - 2010 (nhưng chưa đạt tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2020). Như vậy, tính cả xã đạt chuẩn cũ và tiêu chí mới, đến nay 143/143 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2011, có 125/143 xã đạt chuẩn,chiếm 87%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%.

- Về văn hóa: Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và đa dạng hóa, sinh hoạt cộng đồng đã được quan tâm, từng bước đi vào nề nếp; Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM”, động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng NTM.

- Về môi trường: Chương trình đã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể xóm như: Đẩy mạnh các phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nhà sạch, ngõ đẹp”; phong trào “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”. Đến nay, có 47 xã (32,9%) đạt tiêu chí về môi trường, tăng 29 xã so với năm 2011 (18 xã).

Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên

Mặc dù đạt được kết quả khá toàn diện nhưng tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Thái Nguyên vẫn còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra (tại Quyết định 1282/QĐ-UBND của UBND tỉnh); mức độ đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thấp, nhất là một số hạ tầng thiết yếu như giao thông tỷ lệ cứng hóa còn thấp và chưa đạt chuẩn về các thông số kỹ thuật, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt theo chuẩn quốc gia, tiêu chí môi trường tỷ lệ đạt thấp và kém bền vững. Cụ thể như về xây dựng đường trục xã, kế hoạch đặt ra đạt 100%, tuy nhiên kết quả thực hiện mới đạt 60,3%; đường trục xóm theo kế hoạch đạt 50%...

Bên cạnh đó, công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch của các xã còn chậm (mới đạt 44,75%); việc huy động mọi nguồn lực nhất là đối với các doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng NTM đạt thấp. Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Hiện nay, tỉnh có 84 xã đạt tiêu chí thu nhập, vẫn còn 79 xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Các truyền thống văn hóa tốt đẹp ở nông thôn chưa được phát huy; một số tệ nạn xã hội chưa có xu hướng giảm. Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, các xã mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa quan tâm hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất. Trình độ sản xuất của nhiều hộ nông dân còn thấp, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất những sản phẩm phát huy lợi thế. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, có thể kể đến như:

Thứ nhất, xây dựng NTM là một chương trình mới địa bàn rộng, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhiều nội dung ở khu vực nông thôn, với nhiều mục tiêu đề ra rất cao, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch được duyệt, lại thường xuyên thay đổi (từ chỗ nhà nước hỗ trợ 100% đối với 7 nội dung giảm xuống còn 3 nội dung); thu nhập của người dân còn thấp.

Thứ hai, xuất phát điểm nông thôn của tỉnh Thái Nguyên còn thấp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thứ ba, một số sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, vận dụng cơ chế, chính sách, thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; vẫn còn tư tưởng chông chờ, ỷ lại. Cán bộ trực tiếp làm công tác NTM vẫn còn hạn chế nhất định về kinh nghiệm và trình độ.

Thứ tư, một số cấp ủy, chính quyền chưa xác định rõ tiềm năng, lợi thế, khó khăn của địa phương; Đánh giá thực trạng nông thôn chưa sát với thực tế, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án chưa được quan tâm kịp thời; Trình độ của một số cán bộ còn hạn chế, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của một số ban chỉ đạo các cấp chưa thường xuyên, sâu sát.

Thứ năm, công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Một số địa phương thực hiện chưa đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh; Việc công khai dân chủ còn hạn chế; Hiệu quả giám sát cộng đồng nhìn chung còn thấp, còn để xuất hiện tiêu cực, khiếu nại của nhân dân.

Thứ sáu, một số cán bộ, người dân nông thôn chưa xác định rõ xây dựng NTM là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình chưa nhận thức đúng về quan điểm: “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm là chính”, vai trò trách nhiệm của người hưởng lợi trong xây dựng NTM chưa được phát huy đầy đủ.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên

Phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thái Nguyên cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM” gắn với xây dựng NTM.

Ba là, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc ban chỉ đạo; Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với với quy hoạch xây dựng NTM, các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu của thị trường lao động.

Bốn là, xây dựng và nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm về xây dựng NTM; Khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức và cá nhân làm tốt, có nhiều đóng góp cho Chương trình.

Năm là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt việc công khai dân chủ, phát huy vai trò chủ thể của người dân; Tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng, đặc biệt là giám sát trong đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo sự liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, phân phối lợi ích hợp lý giữa các tác nhân trong chuỗi sản xuất. Xây dựng xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Bảy là, khuyến khích phát triển các hợp tác xã, các doanh nghiệp ở nông thôn phát triển theo mô hình liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, gắn kết giữa các tác nhân: nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước; Hướng dẫn đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu để tạo giá trị gia tăng.

Tám là, nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế; Xây dựng, củng cố các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; Xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm, tổ chức nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng xóm làng xanh, sạch đẹp.    

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Thái Nguyên (2016), Đề án Xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

2. UBND tỉnh Thái Nguyên (2016), Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2015;

3. Trương Thị Thùy Liên (2016), Xây dựng NTM ở Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí lý luận chính trị;

4. http://sonvnpt.thainguyen.gov.vn.