Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Những vướng mắc phát sinh và kiến nghị

ThS. NGUYễN THÀNH HƯNG - Vụ Chính sách thuế- Tổng cục Thuế

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên Luật cũng đã nảy sinh một số vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, cần có đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Một số kết quả đạt được

Các văn bản quy phạm pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã được ban hành trước ngày 01/01/2012 là điều kiện thuận lợi tiên quyết cho công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật. Từ kinh nghiệm thí điểm áp dụng Luật thuế tại một số tỉnh trong quá trình xây dựng chính sách thu, Tổng cục Thuế đã tổ chức tập huấn chính sách và phương pháp kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam); giao Cục thuế các tỉnh, thành phố thành lập Tổ thường trực giúp việc ban chỉ đạo để có biện pháp chỉ đạo và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tại địa phương.

Bên cạnh đó, đôn đốc thực hiện các công việc như: phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các căn cứ tính thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Mở chuyên mục về Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trên website của Tổng cục Thuế, có văn bản hướng dẫn các địa phương về đề cương tuyên truyền, khẩu hiệu tuyên truyền và đã phát hành tờ rơi tuyên truyền vê thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...

Với phạm vi triển khai rộng (gần 700 quận huyện), khối lượng dữ liệu phải xử lý rất lớn, số lượng NNT đến hơn 17 triệu người và số lượng thửa đất phải quản lý lên đến gần 18 triệu thửa, tương ứng với tổng diện tích hơn hơn 46,2 tỷ m2 do cá nhân sở hữu và gần 80.000 thửa đất ứng với hơn 1,2 tỷ m2 đất do tổ chức kinh tế sở hữu, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ cho việc triển khai luật thuế đúng thời hạn. Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp quản lý được thông tin kê khai về các thửa đất, số thuế phải nộp, đã nộp mà còn hoàn thành khối lượng công việc lớn là cấp mã số thuế (MST) cho người nộp thuế (NNT) sử dụng đất phi nông nghiệp (14,1 triệu MST cấp mới và 2,3 triệu MST xác nhận), hỗ trợ cho công tác kiểm soát kê khai tổng hợp.

Những vướng mắc phát sinh

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, thực tiễn triển khai thực hiện thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng đã gặp phải một số vướng mắc, cụ thể:

- Trường hợp đất chưa được cấp Giấy chứng nhận không áp dụng hạn mức tính thuế là không công bằng giữa những người sử dụng đất, gây thắc mắc cho người dân vì người chây ỳ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên chưa được cấp Giấy chứng nhận thì lại được hưởng mức thu có lợi hơn so với người chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, trường hợp này nếu xét miễn giảm thì cũng được xét cho toàn bộ diện tích chứ không xét theo đất trong hạn mức như đối với NNT sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận thì càng bất hợp lý, cần phải có sửa đổi.

- Trường hợp quy định hạn mức sử dụng đất ở được UBND cấp tỉnh điều chỉnh thì phải kê khai lại hồ sơ khai thuế của năm điều chỉnh là không phù hợp. Vì đó là do chính sách thay đổi chứ không phải do NNT kê khai sai.

- Người thuê đất đã nộp tiền sử dụng đất thuê lại phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thu trùng 2 khoản nộp vào ngân sách nhà nước) về sử dụng đất, điều này gây phản ứng và thắc mắc của NNT.

- Trong trường hợp NNT có nhiều thửa đất phải kê khai tổng hợp thì cách tính thuế quá phức tạp (Quảng Trị, Ninh Bình). NNT chưa nộp tờ khai tổng hợp mặc dù đã tuyền truyền, hướng dẫn nhiều và cơ quan thuế chưa kết nối được dữ liệu về nhà đất của NNT (Long An). Việc tập huấn, hướng dẫn để NTT thực hiện kê khai, nộp tờ khai tổng hợp tốn rất nhiều thời gian, công sức giải thích, hướng dẫn NNT và Uỷ nhiệm thu nhưng thực tế đạt được chưa cao, số thuế dự kiến thu thêm phát sinh không nhiều (Đà Nẵng).

- Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh tạm cấp chưa quy định hạn mức, đến khi đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt thì có quy định hạn mức. Do đó, khi tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có hạn mức đất ở thì người dân khiếu nại.

- Có trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là hạn mức công nhận. Nhưng sau một thời gian, xin tách thửa thì địa phương lại có hạn mức gây nên cơ sở bất hợp lý.

- Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chưa hướng dẫn chi tiết việc miễn, giảm thuế đối tượng chính sách là con liệt sỹ không được hưởng trợ cấp; Việc xác định hoàn cảnh khó khăn cho người bị nhiễm chất độc màu da cam cũng gặp vướng mắc (như: nhiễm chất độc hoá học có được xếp vào loại này không?) (Quảng Trị)…

- Trên địa bàn một số địa phương thì diện tích đất phi nông nghiệp nằm trong danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn lớn, nên đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chiếm số lượng rất lớn. Tuy nhiên, do giá đất thấp nên số thuế phải nộp thấp và số thuế được miễn, giảm vì thế cũng rất thấp, có xã số thuế lập bộ bình quân hộ chỉ khoảng 800 đồng, trong khi đó NNT nếu thuộc đối tượng được miễn, giảm thì phải làm thủ tục: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ chứng minh là thành viên của hộ gia đình được miễn, giảm thuế như: Sổ hộ khẩu hoặc bản sao giấy khai sinh…

Tại Khoản 2, Điều 9, Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: “Việc miễn thuế hoặc giảm thuế đối với đất ở chỉ áp dụng đối với đất ở tại một nơi do NNT đứng tên và lựa chọn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 10 và Khoản 4 Điều 11 Thông tư này”. Quy định này chưa cụ thể, cụm từ “ở tại một nơi” có thể được hiểu là phạm vi địa bàn hành chính xã, hoặc huyện và rộng hơn là phạm vi một tỉnh. Vì vậy, có nhiều vướng mắc khi NNT có nhiều lô đất nằm trên các huyện khác nhau.

Thực tế có nhiều trường hợp người dân đã tự chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không làm hồ sơ thủ tục, để được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, do mức thu tiền chuyển mục đích sử dụng rất cao, người dân còn nhiều khó khăn nên không đủ tiền để nộp, dẫn đến tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai. Từ đó có nhiều trường hợp người dân kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trên tờ khai ghi là đất ở nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp. Vấn đề này đã nảy sinh nhiều vướng mắc trong công tác lập bộ, tính thuế và thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012 thì đất của dự án đầu tư, đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, còn tại Khoản 2 Điều 10 quy định đất của dự án đầu tư, đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thuộc đối tượng được giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 53/2011/NĐ-CP ngày 01/07/2011 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: “Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 và khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Trên thực tế, nhiều địa phương là những xã được xếp vào danh mục xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào diện đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II), nhưng không nằm trong danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư thì không được xét miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo Khoản 4 Điều 9 và Khoản 2 Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nêu trên. Đây là điểm bất hợp lý của chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, vì sắc thuế này thu chủ yếu đối với sử dụng đất ở mà người dân thì không có dự án đầu tư nên miễn theo danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư là chưa phù hợp về mặt đạo lý.

Tại các huyện thuộc khu vực kinh tế khó khăn, được giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích đất ở trong hạn mức. Một số xã, thôn trong huyện được công nhận là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Vậy, các xã, thôn trong huyện có được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không? Các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ có được giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích trong hạn mức theo quy định của Luật không?

- Theo điểm b1, b2 mục 1.4 khoản 1 Điều 4 Thông tư 153/2011/TT-BTC thì hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế được thực hiện theo 02 loại hạn mức: Hạn mức công nhận đất ở và hạn mức giao đất ở. Hạn mức công nhận đất ở và hạn mức giao đất ở được áp dụng thuế suất 0,03%. Như vậy, diện tích miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thực hiện theo hạn mức công nhận đất ở hay hạn mức giao đất ở?

- Đối với các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ tái định cư và hộ gia đình đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp; các hộ gia đình xã vùng sâu, vùng xa (đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số) hiện nay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác lập hồ sơ miễn, giảm đối với những hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn, giảm theo khoản 4, điều 10 Thông tư 153/2011/TT-BCT ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính.

Kiến nghị, đề xuất

- Mức thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tính theo giá đất do UBND tỉnh ban hành. Thực tế, ở nhiều địa phương có giá đất thấp dưới 500.000 đồng/m2 (chủ yếu là đất khu dân cư nông thôn, đất hẻm thuộc vị trí 4, vị trí 5 đất ở đô thị), diện tích tính thuế dưới 70 m2 nên sau khi được giảm thuế theo quy định, số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp dưới 5.000 đồng, nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân có số thuế phải nộp chưa tới 1.000 đồng…

Do đó, đề nghị sửa luật theo hướng cho ngưỡng có mức thuế phải nộp từ 10.000 đồng trở xuống được miễn thuế (như ngưỡng phải nộp thuế GTGT), vì chi phí quản lý quá cao.

- Đề nghị thu hẹp đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, vì hiện tại quá nhiều đối tượng miễn, giảm gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế.

- Về đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Đề nghị cần có quy định các dự án thuê đất, nộp tiền thuê đất hàng năm thuộc đối tượng không phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số thu không lớn và chỉ với mục đích chính là quản lý đất đai, thì các đơn vị thuê đất đã được quản lý rất chặt thông qua Quyết định và Hợp đồng thuê đất.

- Kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 53/2011/NĐ-CP; Điều 10 Thông tư số 153/2011/TT-BTC như sau: “...địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư...” đề nghị sửa thành “địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo các quy định của Chính phủ...”

- Xem xét miễn thuế đối với các đối tượng được quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 10 và giảm thuế tại khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 153/2011/TT-BTC (địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, hộ nghèo và NNT gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng gây thiệt hại về đất và nhà) không phân biệt là đất ở đúng hay sai mục đích, nhưng vẫn khống chế diện tích đất ở không được vượt quá hạn mức đất ở cho phép.

- Chính sách miễn giảm hộ nghèo, theo văn bản hướng dẫn thì trường hợp hộ nghèo phải có Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong hạn mức) mới được miễn giảm, nhưng hộ nghèo thường không có Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên việc miễn giảm cho hộ nghèo rất khó. Đề nghị bỏ quy định phải có Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi xem xét miễn giảm cho hộ nghèo (trong hạn mức).

- Nghiên cứu xem xét miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với: (i) địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ; (ii) các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào diện đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; (iii) các xã đặc biệt khó khăn khác do HĐND tỉnh quy định.

- Các trường hợp chưa được cấp giấy Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng đã có hồ sơ địa chính đủ điều kiện cấp giấy, đề nghị vẫn áp dụng cho khai tổng hợp như các trường hợp hộ có 02 thửa đất trở lên, đảm bảo tính kịp thời, tránh thất thu ngân sách nhà nước.