Thuế TTĐB với nước ngọt, thuốc lá: Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng

PV.

Đề xuất của Bộ Tài chính bổ sung mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá trong dự án Luật sửa đổi 5 Luật thuế công bố vừa qua sẽ góp phần định hướng tiêu dùng, hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thuế TTĐB với nước ngọt, thuốc lá: Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nguồn: internet
Thuế TTĐB với nước ngọt, thuốc lá: Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nguồn: internet

Đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nâng cao sức khỏe Victoria, Úc, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ như: các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận…

Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015, tại TP. Hồ Chí Minh mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).

Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt, cụ thể: Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; nước ngọt có ga, ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 5% và nước tăng lực với mức thuế suất 10%; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt 10%.

Được biết, 03 nước trong ASEAN khác đang dự kiến, xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt: Myanmar: dự kiến thu thuế TTĐB thuế suất 5%; Philippin: dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 10 Peso/lít; Indonesia: dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 3.000Rupi/lít nước ngọt có ga.
Như vậy, hầu hết các nước trong khu vực đã và sẽ thực hiện thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Các nước Châu Âu áp dụng thu thuế cao hơn, cụ thể: Pháp thu thuế TTĐB với mức thuế tuyệt đối 0,72 euro/lít; Phần Lan thu thuế TTĐB với mức thuế tuyệt đối là 0,075 euro/lít; Hungary thu mức thuế tuyệt đối là 0,04 euro/1 chai hoặc 1 lon; Hà Lan: thu 0,09 USD/lít,...

Do vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% cho mặt hàng nước ngọt áp dụng từ năm 2019 sẽ góp phần điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa  và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đối với mặt hàng thuốc lá, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch…
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân trong đó, giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá.
Hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp: 48,1 % (số liệu được tính theo mức thuế suất năm 2019 là 75%) trong khi đó tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tại các nước trong khu vực là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar: 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Cùng với nhiều nước, Việt Nam đã ký kết và tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) từ ngày 01/01/2005. Tại Điều 6, Công ước Khung về các biện pháp về giá và thuế nhằm giảm cầu về thuốc lá có quy định: “1. Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.”.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Tại khoản 2, Điều 4 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cũng quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Do vậy, đề xuất áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối) của Bộ Tài chính: bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà áp dụng từ ngày 01/01/2020 sẽ góp phần hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đề xuất này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế khi các nước trên thế giới chủ yếu có 3 phương thức thu thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá: Theo mức tuyệt đối; thuế suất phần trăm và kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm. Phương thức kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm là phương thức được nhiều nước phát triển áp dụng (khoảng 48 nước áp dụng).
Trong khu vực ASEAN cũng có các quốc gia áp dụng phương thức hỗn hợp: Lào (áp dụng mức thuế suất 15 - 30%/giá xuất xưởng của nhà sản xuất và cộng thêm 500 kip Lào hoặc 0,07 USD/bao thuốc lá bán ra); Malaysia (áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,19 Ringgit Malaysia/điếu và 20% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra); Thái Lan (áp dụng mức thuế suất 87% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra và 1 Bath hoặc 0,03 USD cho mỗi gam thuốc lá bán ra). Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với một số loại thuốc lá (đối với thuốc lá nhóm A, mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 NDT cho mỗi điếu).