Thương mại biên giới với xây dựng hạ tầng đường biên

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thời gian qua, thương mại biên giới không chỉ là động lực quan trọng phát triển kinh tế các địa phương có đường biên, mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thương mại biên giới hiện đang gặp phải nhiều thách thức lớn làm cản trở sự phát triển. Trong đó, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là rào cản chính khiến hoạt động thương mại biên giới chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Thương mại biên giới với xây dựng hạ tầng đường biên
Thương mại biên giới không chỉ là động lực quan trọng phát triển kinh tế các địa phương có đường biên, mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế quốc gia. Nguồn: internet

Thương mại biên giới gồm các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của dân cư biên giới, buôn bán tại các chợ biên giới, chợ cửa khẩu… theo các phương thức được thỏa thuận trong các hiệp định thương mại song phương giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới. Tại nước ta, có đường biên giới chung trên đất liền dài trên 4.500km, với 3 nước Trung Quốc,  Lào và Campuchia, chạy qua 25 tỉnh. Trong đó, có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu song phương (cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu quốc gia), 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở phục vụ hoạt động vận chuyển qua lại giữa nước ta và các nước có chung biên giới. Theo Ban chỉ đạo Thương mại đường biên giới Trung ương, hoạt động thương mại biên giới giữa nước ta và các quốc gia có chung đường biên giới đang ngày càng được Nhà nước chú trọng, quan tâm phát triển. Hoạt động thương mại biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống dân cư đường biên; góp phần không nhỏ trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, thương mại biên giới hiện cũng đang gặp phải nhiều thách thức lớn làm cản trở sự phát triển. Trong đó, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng đang là rào cản chính khiến hoạt động thương mại biên giới chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo đại diện các tỉnh có đường biên giới, như Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang… vấn đề khó khăn nhất đối với hoạt động thương mại qua biên giới là hệ thống đường giao thông nối với cửa khẩu, hệ thống giao thông hiện chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 4, 5 miền núi. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, kho chứa, bến bãi vẫn chưa được đầu tư nhiều khiến các hoạt động buôn bán diễn ra chủ yếu nhỏ lẻ, không tập trung, giá trị gia tăng thấp. Các cửa khẩu, lối mở cơ sở hạ tầng còn hạn chế, một số khu kinh tế cửa khẩu thiếu vốn đầu tư, dự án dang dở nên thu hút đầu tư thương mại biên giới chưa thật sự nhiều.

Phó vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công thương Nguyễn Văn Hội cho rằng, hạ tầng yếu khiến nhiều hoạt động như xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương mại tại chợ biên giới gặp nhiều khó khăn. Chính điều này đã làm giảm hiệu quả của thương mại biên giới, tăng chi phí giao dịch như bốc dỡ hàng hóa, thông quan, vận tải và làm giảm giá trị hàng hóa do chất lượng bảo quản không bảo đảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển thương mại biên giới cần gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đường biên. Để thực hiện điều này, Ban Chỉ đạo Thương mại đường biên giới Trung ương đã xây dựng kế hoạch nhằm phát triển thương mại biên giới, trình Chính phủ ban hành chương trình đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế qua biên giới. Bộ Công thương đang đề xuất kế hoạch phát triển từ nay đến 2020. Trong đó chú trọng đến việc xây dựng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dịch vụ như cải thiện cửa khẩu biên giới, xây dựng các khu hợp tác kinh tế, phát triển chợ biên giới và cải thiện các tuyến giao thông kết nối cửa khẩu, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại qua biên giới.