Thương mại điện tử ở Việt Nam và một số giải pháp điều hành

Theo ncseif.gov.vn

Những nỗ lực đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lợi nhuận lên đến 4 tỷ USD trong năm 2015

Với sự phát triển của Internet, 3G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, TMĐT đang có bước phát triển rất nhanh nhờ hệ thống viễn thông phát triển vượt bậc với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%.

Cũng theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ TMĐT B2C đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Sản phẩm được lựa chọn tập trung vào các mặt hàng như đồ công nghệ và điện tử (60%), thời trang, mỹ phẩm (60%), đồ gia dụng (34%), sách, văn phòng phẩm (31%) và một số các mặt hàng khác.

Tại Việt Nam, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt (64%), hình thức thanh toán qua ví điện tử chiếm 37%, và hình thức thanh toán qua ngân hàng chiếm 14%.

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, TMĐT đang có bước phát triển rất nhanh nhờ hệ thống viễn thông phát triển vượt bậc với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%. Báo cáo mới nhất của eMarketer, một hãng nghiên cứu đến từ Mỹ cũng cho thấy Việt Nam là thị trường bùng nổ của smartphone (điện thoại thông minh) với 30% dân chúng sử dụng. Thời gian online trên thiết bị di động cũng chiếm tới 1/3 ngày của người tiêu dùng Việt.

Sự phổ cập của Internet, 3G và các thiết bị di động đã chắp thêm sức mạnh cho TMĐT cất cánh. Căn cứ vào những số liệu trên và ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của mỗi người vào năm 2015 tăng thêm 30 USD so với năm 2013, thì dự báo doanh số mua bán trực tuyến của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 4 tỷ USD. Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và không giấu diếm kỳ vọng thu được 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Alibaba và eBay cũng đã nhanh chân tìm được đại diện chính thức, trong khi Amazon và Rakuten đang tiến tới việc thiết lập quan hệ đối tác hoặc mua cổ phần tại các hãng thương mại điện tử Việt Nam.

Một số DN Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang tìm đường đầu tư, có thể thông qua một doanh nghiệp khác hoặc tự thực hiện. Trong nước, mặc dù chưa có tên tuổi nào nổi bật hẳn lên nhưng số lượng các công ty tham gia lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể với một số tên tuổi có thể kể đến như Vật Giá, VCCorp, Chợ Điện Tử (Peacesoft), Mekongcom....

Vẫn còn đó những thách thức

Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, vấn đề hiện nay là chỉ có khoảng hơn 60% tổng số các doanh nghiệp trong nước là có website đang hoạt động, và chỉ hơn 50% trong số những website này là có tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến (e-commerce).

Theo ông Linh, các doanh nhân vốn là những người chỉ mạnh về kinh doanh, bán hàng, còn hiểu biết về công nghệ để xây dựng cho doanh nghiệp mình một website thương mại điện tử hoạt động tốt có thể nói hầu như là... không có. Đó chính là điểm yếu làm mất đi sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, theo đánh giá của tờ Bangkok Post "bất chấp tiềm năng lớn, tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam đang bị kiềm chế bởi nhiều lý do. Trong đó, thói quen và niềm tin mua bán hàng trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến TMĐT ở Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng".

Một số giải pháp điều hành

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển TMĐT ở Việt Nam cần phải thực thi nhiều giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia. Theo Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020, một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT là xây dựng được hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt loại hình TMĐT DN - người tiêu dùng (B2C); thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT.

Cụ thể, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho TMĐT; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho TMĐT. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Thứ hai, xây dựng thương hiệu trực tuyến. Phát triển các sản phẩm cũng là một giải pháp quan trọng. Trong đó, xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT; xây dựng và duy trì sàn giao dịch TMĐT nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho DN xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và thế giới; xây dựng các giải pháp để phát triển ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động và phát triển nội dung số cho TMĐT.

Đồng thời, triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam; xây dựng đồng bộ giải pháp đáp ứng đơn hàng trực tuyến để các DN triển khai ứng dụng; xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. TMĐT đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ giữa người sản xuất, người phân phối, người tiêu thụ, các nhà công nghệ và cơ quan chính phủ. TMĐT bao gồm các giao dịch giữa DN với DN; giữa DN với người tiêu dùng, chủ yếu là trên thị trường bán lẻ; giữa DN và chính phủ trong việc mua sắm của các cơ quan nhà nước hay đấu thầu qua mạng và lập các website để cung cấp các dịch vụ công; giữa các cá nhân, những người tiêu dùng tự lập website hoặc thông qua các sàn giao dịch sẵn có để mua, bán, đấu giá hàng hóa…

Các giao dịch trên một mặt, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh để phục vụ cho TMĐT và có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa. Mặt khác, đòi hỏi mỗi người tham gia TMĐT phải có khả năng sử dụng máy tính, có thể trao đổi thông tin một cách thành thạo trên mạng, có những hiểu biết cần thiết về thương mại, luật pháp… nếu là ngoại thương thì còn phải hiểu luật pháp quốc tế và ngoại ngữ nữa.

Bởi vậy, phải đào tạo các chuyên gia tin học và phải phổ cập kiến thức về TMĐT không những cho các DN, các cán bộ quản lý của nhà nước mà cho cả mọi người; đồng thời tuyên truyền về lợi ích của TMĐT để từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng từ chỗ chỉ quen mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, các chợ chuyển sang mua sắm qua mạng.

Thứ tư, hoàn thiện môi trường pháp lý. Để TMĐT phát triển lành mạnh cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, thông qua việc ban hành và thực thi các đạo luật và các văn kiện dưới luật điều chỉnh các hoạt động thương mại, thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch TMĐT.

Thứ năm, đảm bảo an toàn cho các giao dịch TMĐT. TMĐT có nhiều tác động tích cực nhưng cũng có mặt trái là dễ bị các tin tặc phát tán các virút, tấn công vào các website; phát tán các thư điện tử, tin nhắn rác; đánh cắp tiền từ các thẻ ATM… Mặt khác, qua internet cũng xuất hiện những giao dịch xấu như: mua bán dâm, ma túy, buôn lậu, bán hàng giả, hướng dẫn làm bom thư, làm chất nổ phá hoại, tuyên truyền kích động bạo lực …

Thứ sáu, phát triển các dịch vụ công phục vụ cho TMĐT. Nhà nước không những đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực và phổ cập kiến thức về TMĐT; tạo môi trường pháp lý; xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT và quản lý các giao dịch TMĐT để bảo vệ lợi ích của người tham gia mà còn phải phát triển các dịch vụ công nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế, làm các thủ tục xuất, nhập khẩu; đăng ký kinh doanh và các loại giấy phép chuyên ngành liên quan đến thương mại, giải quyết tranh chấp… trên mạng là những việc cần làm.

Các cơ quan nhà nước phải ứng dụng TMĐT trong mua sắm công, đấu thầu; gắn với cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia, và xây dựng chính phủ điện tử. Ngân hàng nhà nước cần tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử, một khâu rất quan trọng trong hoạt động TMĐT.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện các website của các DN Việt Nam chủ yếu dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, khoảng trên 20% số website nhận đặt hàng qua mạng internet, song chỉ có 3,2% cho phép thanh toán trực tuyến. Đây là một rào cản lớn nhất đối với phát triển TMĐT.

Thứ bảy, tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển TMĐT. Từ năm 2006 đến nay Việt Nam đã tích cực hợp tác đa phương về TMĐT với các tổ chức khu vực và quốc tế, như ASEAN, APEC, UNCITRAL (Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế)… Việt Nam cũng đã chủ động hợp tác song phương trong lĩnh vực này với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ các DN, các hiệp hội của nước ta tham gia các tổ chức quốc tế về TMĐT, như Liên minh TMĐT châu Á - Thái Bình Dương (PAA), Liên minh các tổ chức cấp chứng nhận website TMĐT uy tín châu Á - Thái Bình Dương (ATA). Năm 2008, Trung tâm phát triển TMĐT Vietnam (EcomViet) đã trở thành thành viên chính thức của ATA.

Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế này để thực hiện tốt các cam kết quốc tế về TMĐT nhằm xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trao đổi dữ liệu điện tử trong nước hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.