Tiền đề tốt, đầy đủ và trọn vẹn cho đất nước bước vào Ất Mùi

Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

(Tài chính) Nhìn lại năm 2012- 2013, đúng như câu nói của các cụ năm Thìn năm Tỵ chị chẳng nhìn em, đất nước ta đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, năm 2013 là năm rất khó khăn: tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra; những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể giải quyết được ngay như nợ xấu, thị trường bất động sản đóng băng... Những áp lực cũng đã khiến các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác bị đổ vỡ, phá sản hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động tăng đột biến so với các năm trước. Hệ quả là thu ngân sách trung ương không đạt được dự toán, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 để để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Nguồn: internet
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Nguồn: internet

2014 - năm mã đáo thành công, kinh tế trong nước đã diễn biến tích cực hơn, từng bước phục hồi

Bước sang năm 2014, có thể nói là một năm mã đáo thành công, nước ta cơ bản đã vượt qua những khó khăn, kinh tế trong nước đã diễn biến tích cực hơn, từng bước phục hồi. Năm 2014 là năm đầu tiên chúng ta đạt mức tăng trưởng kinh tế (5,98% - theo công bố của Tổng cục Thống kê) sau 2 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,09% so với bình quân năm 2013 - năm đầu tiên lạm phát thấp hơn so với tăng trưởng kinh tế và là mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách bảo đảm cân đối được thu chi, tỷ giá ngoại tệ, thị trường tiền tệ tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao so với năm trước; tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...  Mặc dù có chuyển biến theo hướng tích cực, song tình hình kinh tế vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố, biểu hiện sự phát triển chưa vững chắc: số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng so với năm 2013; số doanh nghiệp thua lỗ, không kê khai nộp thuế còn nhiều; nợ công tăng cao; tăng trưởng tín dụng chưa đạt mức kỳ vọng, nợ xấu ngân hàng gia tăng; tổng cầu thấp, thu nhập, đời sống và việc làm của người dân còn nhiều khó khăn...

Quốc hội xác định nhiệm vụ trọng tâm của 2 kỳ họp trong năm 2014 là công tác lập pháp, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp có nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, đặt ra yêu cầu Quốc hội phải khẩn trương tổ chức thi hành, sửa đổi, bổ sung đối với hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là những luật liên quan tới công tác tổ chức của bộ máy nhà nước, quyền của con người, lĩnh vực tài chính - ngân sách... Xuất phát từ nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong năm 2014 cũng như yêu cầu thực tiễn của đất nước, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã có một năm làm việc hết sức tích cực, với tinh thần, trách nhiệm cao, làm tròn vai trò là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp quy định những điểm rất ngắn gọn, nhưng trong dự án Luật Ngân sách Nhà nước lần này đòi hỏi phải sửa đổi rất căn bản

Riêng với Ủy ban Tài chính – Ngân sách, năm 2014 là một năm hoạt động hết sức sôi động, khối lượng công việc của Ủy ban nhiều và đi đôi với áp lực công việc lớn. Với vai trò là người lính gác cổng cho Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban đã tích cực nâng cao năng lực trong các hoạt động thẩm tra, giám sát, góp phần cung cấp thông tin mang tính phản biện cao giúp cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng với các cơ quan của Chính phủ trình được ra Quốc hội những đề xuất, chính sách đúng đắn, sáng tạo và đổi mới để thực hiện cho được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Ngoài các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ giám sát thường xuyên, Ủy ban cũng đã tăng cường các hoạt động giám sát, giải trình đối với những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm như: vấn đề về đầu tư công, tình hình nợ công, việc chấp hành các quy định của pháp luật về phí, lệ phí... Hoạt động giám sát của Ủy ban đã góp phần rất quan trọng, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, nêu rõ những tồn tại, yếu kém và khắc phục những lãng phí, tiêu cực trong quản lý và chi tiêu công.

Trong hoạt động lập pháp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách được Quốc hội phân công chủ trì thẩm tra nhiều dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Ủy ban kỳ vọng sẽ có đột phá theo đúng tinh thần của Hiến pháp mới. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp quy định những điểm ngắn gọn nhưng mấu chốt đối với lĩnh vực ngân sách, như tại Điều 55: ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Cũng như thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương. Hiến pháp quy định những điểm rất ngắn gọn như thế nhưng trong dự án Luật Ngân sách Nhà nước lần này đòi hỏi phải sửa đổi rất căn bản, như thế nào là vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, bảo đảm nhiệm vụ chi quốc gia hay nguyên tắc ngân sách nhà nước là thống nhất nên được thể hiện như thế nào. Tại Kỳ họp cuối năm 2014, các ĐB Quốc hội đã đóng góp ý kiến lần đầu với dự án Luật này. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đang tập trung cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình mới để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Năm qua, Quốc hội đã chọn đúng những điểm nóng nhất để tập trung giám sát

Bên cạnh công tác xây dựng luật, năm 2014, một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm là tiến hành giám sát tối cao về công tác nhân sự theo Nghị quyết số 35/2012/Quốc hội13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời sửa đổi Nghị quyết này làm cơ sở cho những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp sau. So sánh với kết quả của lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, có thể thấy, kết quả đánh giá của Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong lần thứ nhất và lần thứ hai đều chính xác, phản ánh đúng chất lượng cán bộ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn qua lá phiếu của ĐB Quốc hội. Từng cán bộ đã được đưa lên bàn cân cân nhắc từng điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra đánh giá sát thực, nhất là với những Bộ trưởng, trưởng ngành có tư duy đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nhận được tỷ lệ phiếu tín nhiệm rất cao trong đợt bỏ phiếu lần hai này. Thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, rõ ràng Quốc hội đã thể hiện rất tốt chức năng của mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao.

Với công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, năm qua Quốc hội đã thực hiện một cách cẩn trọng với hiệu quả cao. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã đi vào những vấn đề cụ thể, nóng bỏng, đang được dư luận và cử tri quan tâm. Nóng bỏng nhất có lẽ phải kể đến chuyên đề giám sát tối cao Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; chuyên đề giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề nợ công - một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại nghị trường những kỳ họp Quốc hội gần đây. Đương nhiên, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi vai trò giám sát của Quốc hội, song rõ ràng năm qua, Quốc hội đã chọn đúng những điểm nóng nhất để tập trung giám sát. Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, thể hiện quyết tâm theo đuổi đến cùng kiến nghị giám sát, tạo sự chuyển biến rõ rệt ở hậu giám sát - khâu vốn được đánh giá là còn hạn chế lâu nay.

Không quá nếu nói rằng năm 2014 Quốc hội đã gồng mình để thực hiện tròn chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực tế thì rõ ràng Quốc hội đã làm hết sức mình để đưa Hiến pháp vào cuộc sống một cách sớm nhất với hiệu quả cao nhất. Năm 2014, đúng với tính chất của năm Giáp Ngọ - là năm của sự cần cù, nhẫn nại nhưng cũng phải phi nước đại, vì vậy chúng ta đã đạt nhiều kết quả rất đáng mừng.

Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011-2015), có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xây dựng kế hoạch cho 5 năm tiếp theo (2016-2020); là năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đà của năm 2014, bước sang năm 2015, chúng ta kỳ vọng có thể đạt và vượt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, tình hình vĩ mô có xu hướng ổn định, vững chắc hơn, chỉ số giá tiêu dùng có thể dưới 5%.

Chắc chắn năm Ất Mùi 2015, Quốc hội sẽ phải làm việc nhiều hơn, hiệu lực và hiệu quả sẽ phải cao hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đối với Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân sách vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); thẩm tra dự án Luật Phí, lệ phí; Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp và yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và sử dụng hiệu quả các khoản thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời Ủy ban tăng cường đổi mới hoạt động thẩm tra, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, nhất là thẩm tra dự toán thu, chi ngân sách, tham gia xây dựng chiến lược tài chính, kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, giám sát trong việc quản lý thu, chi ngân sách; tập trung vào các lĩnh vực sử dụng ngân sách lớn, dễ gây lãng phí, tiêu cực như: chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chi sự nghiệp, nợ công, bội chi ngân sách nhà nước... nhằm góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Rõ ràng, chúng ta đã có một tiền đề rất tốt để bước vào năm 2015 - năm kết thúc nhiệm kỳ 2011-2016 một cách đầy đủ và trọn vẹn.