Tiền gửi tiết kiệm: Nguồn lực quan trọng cho sản xuất kinh doanh

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đó là điểm chung trong nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng và cả người dân khi nói về đề xuất đánh thuế tiền gửi của HOREA.

Tiền gửi tiết kiệm: Nguồn lực quan trọng cho sản xuất kinh doanh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo lý giải của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoRea), Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trên thế giới không đánh thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm.

Với mặt bằng lãi suất trong năm 2012, một khoản tiền tiết kiệm 10 tỷ đồng sẽ cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng nhưng họ không phải đóng thuế. Trong khi đó, nếu số tiền này được đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đem lại nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế và bản thân người có tiền. Như vậy, chúng ta không thu thuế thu nhập trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm vô hình trung sẽ khuyến khích gửi tiết kiệm chứ không khuyến khích bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh.

Trên báo Tuổi trẻ, ông Nghiêm Xuân Thành, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, cho rằng đề xuất này hoàn toàn không hợp lý và thiếu thực tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tiền gửi tiết kiệm là khoản tích lũy của người dân. Nếu khoản lãi mà bị đánh thuế khó thu hút được người gửi tiền. Và gián tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế vì lượng tiền huy động qua ngân hàng, kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bà Vương Kim Oanh – Giám đốc điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIBank) chi nhánh Hà Nội

Mỗi người dân có thể có nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau, do đó để thu được thuế đối với khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng là không khả thi. Để lách quy định này người gửi tiền hoàn toàn có thể tách làm nhiều sổ hay gửi tại nhiều ngân hàng hoặc gửi thấp hơn so với mức sẽ bị đánh thuế.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế cũng nhận định Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Huy động được nguồn tiết kiệm của dân sẽ góp phần tăng nguồn vốn để cho vay sản xuất kinh doanh. Việc đánh thuế thu nhập đối với khoản tiền gửi tiết kiệm chắc chắn cản trở nguồn vốn này.

Trao đổi với báo Thanh Niên,ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết,ở một số nước áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền gửi tiết kiệm bởi thị trường vốn ở nước đó phát triển mạnh, lượng vốn dồi dào, lãi suất tiết kiệm thấp... Ngược lại, thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển mạnh, các doanh nghiệp dựa vào nguồn vốn ngân hàng chiếm tỷ trọng cao, lãi huy động, cho vay đều ở mức cao.

Việc giảm lãi suất cả huy động và cho vay là nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất bình thường trở lại. Nếu đánh thuế thu nhập cá nhân đối với những khoản tiết kiệm trên 500 triệu đồng thì lúc này để các ngân hàng có thể huy động được vốn, lãi suất huy động trên thị trường thay vì ở mức 8%/năm có thể phải tăng lên 10%/năm để đủ sức hấp dẫn người gửi tiền. Mà lãi suất huy động cao thì dẫn đến lãi suất cho vay cao. Điều này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, tiền tiết kiệm là dòng tiền được đưa vào sản xuất kinh doanh một cách có định hướng, đúng địa chỉ, có sự kiểm soát rủi ro.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, việc người dân đầu tư vào đâu, là do thị trường tự quyết định, với nhiều yếu tố liên quan như môi trường đầu tư phải tốt, cơ hội kinh doanh phải nhiều... Trong thực tế, khi có cơ hội, những người có tiền ít thì người ta đầu tư nhỏ và có tiền nhiều thì đầu tư lớn, thậm chí vay thêm vốn tín dụng để đầu tư. Ngay cả những người đầu tư sản xuất kinh doanh khi có khoản dư nào đó cũng đem gửi tiết kiệm. Không phải ai cũng có kỹ năng kinh doanh, nên khi có được một khoản tích lũy nhất định, những người này gửi tiết kiệm như là kênh an toàn nhất để bảo toàn vốn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea

Đề xuất của chúng tôi là định hướng về mặt lâu dài, nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển kinh tế. Vì thế, nó là vấn đề cần xem ở đường hướng lâu dài, chứ đừng chỉ gắn với những khó khăn trước mắt. Cho dù có thực hiện được hay không thì tôi cho rằng đây cũng là một đề tài cần nghiên cứu và bàn luận, phản biện dưới nhiều góc độ.

Về khía cạnh pháp lý của đề xuất này, đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) nhận định đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm là không khả thi. Vì Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vàcó hiệu lực từ ngày 1/7/2013 không quy định khoản lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nếu đánh thuế với thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm sẽ đẩy người dân vào tình trạng thuế chồng thuế. "Người dân phải chịu một lần thuế thu nhập cá nhân rồi nay lại đóng thêm thuế thu nhập từ đồng tiền tích lũy thì rất vô lý", ông Kiêm nói.

Nhiều người dân cho rằng đây là một đề xuất vô lý khi lâu nay Nhà nước vẫn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm như một cách huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Như vậy, gửi tiết kiệm là việc được khuyến khích, gửi càng nhiều càng tốt để tạo nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít, giá vàng bấp bênh, chứng khoán suy giảm, không ít người đã chọn ngân hàng để gửi tiền. Vì vậy, đề xuất đánh thuế vào tiền gửi cản trở việc huy động nguồn lực quan trọng này.